65 ngày dốc toàn lực cứu bệnh nhân phi công người Anh

Đông Quân
25/05/2020 - 13:48
65 ngày dốc toàn lực cứu bệnh nhân phi công người Anh
Tưởng chừng như sẽ sớm được điều trị khỏi sau khi mắc Covid-19, nhưng không ngờ hành trình của nam phi công người Anh lại cam go vô cùng. Ngành y tế, đội ngũ y bác sĩ Việt Nam đã và đang dốc toàn tâm toàn lực để giành lấy sự sống cho bệnh nhân đặc biệt này.

Chiều 18/3, bệnh nhân 91 (43 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong trạng thái sức khỏe bình thường, được xác định mắc Covid-19.

Đây là phi công người Anh làm việc tại Hãng hàng không Vietnam Airlines. Cũng là bệnh nhân đầu tiên liên quan đến ổ dịch Buddha Bar&Girll (quận 2, TPHCM).

Từng nghĩ bệnh nhân sẽ sớm được xuất viện

Trong những ngày đầu, sức khỏe nam phi công được đánh giá tốt, vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường. Nhiều người từng nghĩ rằng, nam bệnh nhân sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và xuất viện. 

"Tôi từng nghĩ bệnh nhân chắc chỉ phải điều trị khoảng 3 - 4 tuần là sẽ khỏi. Không ngờ bệnh nhân lại nằm lâu như vậy", điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ, Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ.

Chị Huệ cho biết, trong thời gian đầu, việc chăm sóc nam phi công gặp không ít khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, bệnh nhân ăn uống kém do đồ ăn không hợp khẩu vị... Nhưng với tất cả tình thương và trách nhiệm, đội ngũ y bác sĩ đã vượt qua những rào cản đó để chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất.

65 ngày dốc toàn lực cứu bệnh nhân phi công người Anh - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Tuyến, điều dưỡng trưởng Khoa nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Trước mỗi bữa ăn, các nhân viên y tế đều hỏi xem bệnh nhân muốn ăn gì để đặt món theo yêu cầu. Sau đó, khi bệnh viện liên lạc được với đồng nghiệp của bệnh nhân trong cùng tổ bay thì chuyện ăn uống của nam phi công trở nên dễ dàng hơn.

Thậm chí, trong thời gian đầu, khi nằm trong phòng áp lực âm, có điều dưỡng còn làm cả quạt giấy để nam phi công sử dụng khi bệnh nhân than nóng.

"Do nam phi công không có người thân bên cạnh nên cũng dành rất nhiều tình cảm cho người này. Lúc bệnh nhân trở nặng, chúng tôi đều dõi theo sức khỏe của bệnh nhân từng chút một, có tiến triển dù là nhỏ nhất cũng rất vui", chị Huệ nói.

Chị Phạm Thị Tuyến, điều dưỡng, trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết thêm, lúc đầu, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân 91 rất khó khăn, dù lấy mẫu phết mũi hay lấy máu, bệnh nhân đều không hợp tác. Tuy vậy, với sự động viên, chia sẻ thì việc lấy mẫu xét nghiệm dần trở nên dễ dàng hơn.

Đáng tiếc, sau đó thì bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng, suy hô hấp tăng dần, phải hỗ trợ thở oxy qua đường mũi… Kể từ đó bệnh nhân 91 hoàn toàn nằm một chỗ, các nhân viên y tế cũng phải chuyển sang chế độ chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân.

Được sử dụng những gì tốt nhất

"Trước đây, chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót. Tuy nhiên, giờ đây, nhờ khoa học tiến bộ, có máy ECMO nên phổi được duy trì. Bệnh nhân được sử dụng những gì tốt nhất của hồi sức cấp cứu. Kéo dài sự sống cho bệnh nhân đến ngày hôm nay có thể nói là một thành công giai đoạn đầu", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ khi nhắc đến bệnh nhân 91.

Nam phi công cân nặng 100 kg, cao 1,81m, chỉ số BMI hơn 30. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là "cơn bão" cytokine, đặc biệt chất này tấn công mạnh vào phổi gây tổn thương phổi rất nặng nề.

Bên cạnh đó, bệnh nhân 91 còn bị rối loạn đông máu, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO). Vô vàn khó khăn bủa vây khiến cho việc giành giật sự sống là một cuộc chạy đua không ngưng nghỉ.

65 ngày dốc toàn lực cứu bệnh nhân phi công người Anh - Ảnh 2.

Đội ngũ y bác sĩ chuẩn bị chuyển bệnh nhân 91 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đến Bệnh viện Chợ Rẫy

Một nhóm chat online gồm các chuyên gia đầu ngành về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập để tập trung theo dõi và hội chẩn về bệnh nhân 91. Tình hình bệnh nhân được cập nhật, thảo luận liên tục. Ngành y tế, bệnh viện dành những gì tốt nhất, tập trung toàn lực với quyết tâm cứu cho bằng được bệnh nhân.

Khi bệnh nhân bắt đầu có phản ứng với thuốc kháng đông heparin, các bác sĩ quyết định sử dụng một loại thuốc mà ở Việt Nam chưa từng sử dụng, đó là thuốc kháng đông đường tĩnh mạch do Đức sản xuất. Trong quãng thời gian 10 ngày chờ đợi thuốc từ Đức về, các chuyên gia phải dùng tạm loại thuốc khác chưa từng có trong phác đồ để thay thế tạm thời.

Trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, Covid-19 là một bệnh hoàn toàn mới, phác đồ điều trị chưa thống nhất. Do đó, phác đồ điều trị dùng cho bệnh nhân 91 phải vừa điều trị, vừa học hỏi, mày mò. Tuy vậy, việc đưa ra phương án điều trị luôn phải dựa trên cơ sở khoa học và được sự đồng thuận của số đông, là những chuyên gia đầu ngành.

Nỗ lực, cố gắng là vậy. Nhưng những khó khăn thì vẫn chưa dừng lại, phổi bệnh nhân đông đặc nặng dần, có thời điểm chỉ còn khoảng 10% vùng phổi hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO.

Nhưng rồi điều kỳ diệu lại đến khi tình hình bệnh nhân sau đó khả quan hơn. Đến sáng ngày 22/5, kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của bệnh nhân cho thấy phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20 đến 30%. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính cả về phương diện PCR cũng như phương diện phân lập virus. Tình hình khả quan của bệnh nhân khiến cho nhiều người được thở phào nhẹ nhõm.

Hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến

Vào chiều 22/5, bệnh nhân 91 đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đến khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị nội khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn và các bệnh lý nền để tiến đến quá trình ghép phổi khi đủ điều kiện.

Ngay sau khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện đã hội chẩn để tìm phương án điều trị phù hợp cho nam phi công người Anh.

65 ngày dốc toàn lực cứu bệnh nhân phi công người Anh - Ảnh 3.

Bệnh nhân phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Hiện tại, bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do Burkholderia cepacia, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân được tiên lượng còn nặng vì phụ thuộc gần hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được.

Với tình trạng hiện tại, hành trình của nam phi công người Anh sẽ còn lắm gian nan. Nhưng hy vọng và tin tưởng rằng bệnh nhân sẽ vượt qua hành trình đó. "Chúng tôi ai cũng mong muốn sự tiến triển của bệnh nhân. Công sức bỏ ra cho bệnh nhân thật sự rất nhiều. Không chỉ cả khoa, cả bệnh viện mà cả nước đều dốc sức, mong muốn bệnh nhân khỏi bệnh", điều dưỡng trưởng Phạm Thị Tuyến chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM nói: "Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế tại TP.HCM, nơi có những bác sĩ đầu ngành và trang thiết bị hiện đại chắc chắn sẽ giúp cho bệnh nhân có những cơ hội hồi phục tốt hơn. Nếu điều ngoạn mục đến, bệnh nhân được cứu sống được thì quá tuyệt vời".

Trong khi đó, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, BS CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, bệnh viện sẽ huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91, đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe thì sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid -19.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm