Bình đẳng giới không có nghĩa là ưu tiên phụ nữ

04/10/2018 - 06:00
Hiện nhận thức về vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam chưa cao. Lãnh đạo ở một số doanh nghiệp vẫn cho rằng bình đẳng giới nghĩa là phải có lực lượng lao động tuyệt đối cân bằng (tỷ lệ 50-50) hoặc có các chính sách ưu tiên nữ giới, mà chưa hiểu bình đẳng giới nghĩa là đảm bảo các quyền lợi, cơ hội cống hiến, đào tạo, thăng tiến, năng lực làm việc… cho cả 2 giới.
Những rào cản tư duy cần loại bỏ
 
Có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài. Những chính sách bình đẳng giới cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu - một trong những tài sản vô hình quan trọng của doanh nghiệp.
 
Khu vực doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các mục tiêu phát triển, là lực lượng nòng cốt và xung kích của nền kinh tế, theo đó, không ở đâu và không ai khác, chính doanh nghiệp là một phần giải pháp để thực thi và thúc đẩy các giá trị bình đẳng nói chung và bình đẳng giới ở nơi làm việc nói riêng.
binh-dang-gioi-tai-noi-lam-viec-1.jpg
Bình đẳng tại nơi làm việc

 

Bàn về điều này, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) chia sẻ: “Hiện nhận thức về vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc tại Việt Nam chưa cao. Lãnh đạo ở một số doanh nghiệp vẫn cho rằng bình đẳng giới nghĩa là phải có lực lượng lao động tuyệt đối cân bằng (tỷ lệ 50-50) hoặc có các chính sách ưu tiên nữ giới, mà chưa hiểu bình đẳng giới nghĩa là đảm bảo các quyền lợi, cơ hội cống hiến, đào tạo, thăng tiến, năng lực làm việc… cho cả 2 giới”. Ngoài ra, bên cạnh đó, hiện đang thiếu công cụ đo lường và đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại doanh nghiệp một cách chính xác, từ đó đưa ra lộ trình cải thiện một cách hợp lý và hiệu quả.
 
Theo bà Thu Thanh, một trong những vấn đề phổ biến và cũng là thách thức cho Việt Nam là phải giải phóng được định kiến “trọng nam khinh nữ”, theo đó phụ nữ phải là người chăm sóc chính cho con cái và gia đình. Chính vì tư tưởng này, nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong việc tuyển dụng lao động nữ vì lao động nữ sẽ mất một khoảng thời gian gián đoạn cho nghỉ thai sản, chăm sóc con ốm...
 
a5-ba-ha-thu-thanh-5.JPG
Bà Hà Thu Thanh và bà Julia Newton-Howes thuộc dự án “Đầu tư cho phụ nữ” (Australia) tại Lễ ra mắt Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) ngày 27/9

  

Với bà Thanh, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, mà mọi người đều có cơ hội làm việc, cống hiến, đóng góp cho gia đình và xã hội như nhau. Chủ tịch VBCWE nhấn mạnh rằng, phụ nữ cần thay đổi cách nghĩ, phá vỡ các lực cản từ quan niệm cũ, tự tin mình có thể làm được mọi điều như nam giới và thể hiện bằng hành động, thay vì đổ lỗi cho xã hội hay ngồi chờ mọi người thay đổi định kiến.
 
Để thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng tại nơi làm việc, trước tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, để từ đó đưa ra được mục tiêu, chiến lược và hành động rõ ràng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ.
 
Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững
 
a4-ba-ha-thu-thanh-4.jpg
Bà Hà Thu Thanh (thứ 2 từ trái sang) cùng Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu tham dự Giải thưởng Kinh doanh thành công trong APEC (APEC BEST) tháng 9/2017

  

Theo bà Thu Thanh, có được sự bình đẳng trong cơ hội làm việc và thăng tiến, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp bền vững, tăng sự hài lòng của nhân viên, góp phần thu hút và giữ chân nhân tài. Ngược lại, người lao động sẽ đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của công ty, giúp tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
 
Ngoài ra, những chính sách bình đẳng giới cũng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và xây dựng thương hiệu - một trong những tài sản vô hình quan trọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể áp dụng các công cụ đo lường như Chứng chỉ toàn cầu về bình đẳng giới (EDGE) - Một tiêu chuẩn toàn cầu đánh giá các chính sách và chế độ của doanh nghiệp về bình đẳng giới ở nơi làm việc. Đồng thời, đưa ra lộ trình truyền thông phù hợp nhằm lan tỏa và tác động đến cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.
 
a1-ba-ha-thu-thanh-1.jpg
Bà Hà Thu Thanh

 

Để tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ nắm giữ vai trò quản lý trong công ty, trước hết người lãnh đạo cần có tư duy bình đẳng giới, hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền lợi cho cả nhân viên nam và nữ trong phát triển sự nghiệp và cân bằng cuộc sống. Lãnh đạo cần đảm bảo tính bình đẳng trong các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, giúp đẩy lùi những rào cản khiến phụ nữ ít có cơ hội nắm giữ vai trò quản lý: Đa dạng hóa lực lượng lao động tại công ty; Tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ trong tuyển dụng, làm việc và thăng tiến.
 
Ngoài ra, cần đưa ra những chương trình đào tạo cho nữ giới để phát triển lên các vị trí quan trọng, đưa ra những chính sách và cơ chế làm việc linh hoạt phù hợp với người có gia đình và con nhỏ. Chương trình đào tạo phải dựa vào khả năng phát triển, chứ không dựa vào tính giới. Cần có các chính sách hỗ trợ chăm sóc con cái, chế độ nghỉ thai sản và hỗ trợ quay lại làm việc theo giai đoạn phù hợp. Điều quan trọng khác là đào tạo về bình đẳng giới tại doanh nghiệp, giúp nhân viên hiểu rõ thế nào là bình đẳng giới và tầm quan trọng của bình đẳng giới tại nơi làm việc; đưa vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Cơ hội bình đẳng tại môi trường làm việc của Deloitte Việt Nam

*Dẫu Luật quy định tuổi về hưu cho nữ là 55 và nam là 60 thì Deloitte chỉ quy định chung là tuổi về hưu là 60 tuổi, không phân biệt về giới. Gần đây, Deloitte toàn cầu tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi thì Deloitte Việt Nam cũng áp dụng tuổi hưu là 62. Nhân viên nữ hay nam có quyền về hưu sớm nhưng nếu có năng lực cống hiến, họ có thể tiếp tục làm việc.

*Deloitte coi đầu tư cho phụ nữ là khoản đầu tư bền vững và có chế độ làm việc linh hoạt cho phụ nữ: Khi phụ nữ lập gia đình, sinh con thì chị em có thể linh hoạt giờ làm việc như đi sớm về muộn, tùy theo lượng công việc; linh hoạt về địa điểm làm việc (có thể đến cơ quan, làm việc ở nhà nhưng cần có tương tác thông qua hệ thống công nghệ; linh hoạt công việc họ đảm nhận… Nhờ chính sách linh hoạt này mà Deloitte đã giữ chân nhiều nhân viên nữ để họ có cơ hội phát triển thành lãnh đạo, quản lý có năng lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm