pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Đào tạo cho lao động nữ ngay từ khi chưa thất nghiệp
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trả lời chất vấn trước Quốc hội
Sáng 6/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm nội dung thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, cho rằng, cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài. Đại biểu nêu câu hỏi với trưởng ngành Lao động những giải pháp để hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới?
Giải đáp đại biểu, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Qua thực tế khảo sát ở các địa phương cho thấy, hầu hết các ngành nghề dệt may, giầy da phần lớn là lao động nữ. Thậm chí có những ngành nghề có 80%, hoặc gần như tuyệt đối là lao động nữ.
Theo trưởng ngành lao động, "thực tế đang diễn ra là rất khó khăn cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ trên 40 tuổi. Đây là việc rất quan trọng. Thời gian vừa qua, hầu như tình trạng mất việc, giãn việc là rơi vào lao động nữ". Vào thời điểm xảy ra đại dịch vừa qua, có tình trạng dòng người hơn 3 triệu lao động mất việc trở về địa phương, thì phần đông là phụ nữ đem theo con của mình và gặp rất nhiều khó khăn.
Nêu giải pháp khắc phục tình trạng lao động nữ ngoài 40 mất việc, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chính phủ cũng đưa ra các giải pháp để chăm lo cho người lao động; trong đó, Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Thứ 2, tạo việc làm ổn định cho người lao động;
Thứ 3, đặc biệt quan trọng là cần phải đào tạo từ sớm, chăm lo đào tạo cho lao động nữ ngay từ khi chưa thất nghiệp, để chuẩn bị cho những lúc rủi ro mất việc có thể có nhiều cơ hội chuyển đổi hoặc tìm kiếm công việc mới. Thực tế cho thấy, lao động nữ đến khi 40 tuổi với ngành dệt may thì rơi vào trạng thái "mắt mờ, chân tay chậm", thường bị các chủ doanh nghiệp đánh giá là khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Thứ 4, thực hiện hiệu quả các chính sách hiện có cho người lao động;
Thứ 5, chăm lo các cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo… để lao động nữ giảm bớt những thiệt thòi.
Đặc biệt, khi lao động nữ quay về địa phương, ông Đào Ngọc Dung đề nghị chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho lao động nữ; tạo điều kiện cho họ thích ứng được trong bối cảnh mới.