Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang như thế nào?

Linh Trần
29/05/2021 - 20:31
Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang như thế nào?

Nhân viên y tế vẫn lạc quan dù việc chống dịch đầy áp lực và căng thẳng

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Bộ Y tế, đợt dịch thứ 4 này đang diễn ra hết sức phức tạp, lây lan nhanh với hơn 30 tỉnh thành đã có ca bệnh. Trong đó, hầu hết các tỉnh thành đều đã kiểm soát được, riêng còn lại Bắc Ninh, Bắc Giang do dịch bùng phát trong khu công nghiệp. Tại Bắc Giang đến nay đã có gần 1.900 ca nhiễm, còn Bắc Ninh có hơn 700 ca mắc. Theo dự báo, số ca mắc sẽ tiếp tục được ghi nhận trong những ngày tới. Dù vậy, với các phương án và biện pháp đang thực hiện cùng sự quyết liệt của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các địa phương vào cuộc, trong thời gian tới, tình hình dịch ở hai tỉnh này sẽ được kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tình hình thực tế, trong thời gian qua, Bộ đã có những thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo đó, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, tại Bắc Giang, Bộ Y tế đã có những thay đổi về phòng chống dịch trong cách ly, xét nghiệm và điều trị.

Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang như thế nào?  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo đó, trong cách ly, lần đầu tiên áp dụng thiết chế cách ly tập trung trong các khu vực đông người. Đặc biệt, khu vực nhà trọ công nhân giúp kiểm soát tốt vấn đề lây nhiễm trong công nhân tại các khu nhà trọ. Bên cạnh đó, còn thực hiện giãn cách trong sản xuất, cách ly công nhân trong sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Thứ hai là thay đổi trong cách thức xét nghiệm. Trước đây, Việt Nam chỉ dùng xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR (kết quả chính xác cao, nhưng mất nhiều thời gian từ 4-6 tiếng). Hiện nay, ngành Y tế áp dụng thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc cho công nhân và các đối tượng F1. Điều này nhằm mục tiêu sớm đưa người có mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Ngành Y tế cũng tiến tới bước tập huấn cho công nhân nhà máy có thể tự lấy mẫu xét nghiệm, xét nghiệm để bảo vệ cho các nhà máy khi quay lại sản xuất đảm bảo an toàn, làm việc bình thường.

Về điều trị, Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU), phòng cấp cứu, các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở. Việc điều trị ngay tại tuyến cơ sở đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh nhân, trường hợp nặng thì mới chuyển lên tuyến trên.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng hỗ trợ cho Bắc Ninh, Bắc Giang bằng cách huy động lực lượng lớn cán bộ chuyên môn y tế của các trường Đại học, cao đẳng, học viện y khoa, các BV trên cả nước nhằm sớm kiểm soát tốt tình hình dịch ở hai địa bàn.

Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang như thế nào?  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vaccine ngừa Covid-19

Một điểm đặc biệt khác liên quan đến chiến lược vaccine, Bộ Y tế đã chuyển hàng trăm nghìn liều vaccine về cho hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, những người có nguy cơ mắc bệnh tại hai tỉnh. Điều này góp phần đảm bảo vấn đề an toàn khi trở lại sản xuất bình thường.

Về vấn đề tiêm vaccine, TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ) cho biết, trong điều kiện hiện nay, tiêm vaccine ngừa Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Vì thế, Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để sớm có vaccine tiêm cho người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, để phòng dịch hiệu quả, TS. Thái cho rằng, người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K. Bởi vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì, sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine. Hơn nữa, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. 

Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine  có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.  Do đó, người được tiêm vaccine vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác. Đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm