pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cải cách chính sách tiền lương: Cần cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội
Lãnh đạo Quốc hội chủ trì phiên họp sáng 10/11. Ảnh: QH
Sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đồng thời Chính phủ trình Quốc hội 1 dự thảo nghị quyết và 2 dự án Luật.
Với 466 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 94,33%), Quốc hội đã thông qua thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết: trong 2 năm 2022- 2023, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu theo hướng miễn, giãn, giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh với quy mô lớn. Theo đó, hệ thống chính sách thu không thể điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thu, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối thu-chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Với vấn đề cải cách tiền lương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: Nhiều ý kiến nhất trí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 và đề nghị cần tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp, bảo đảm công bằng xã hội. Cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc điều chỉnh mức lương cơ sở cùng với đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với xây dựng vị trí việc làm; có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030, trong đó ngoài chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần tính đến nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách lương, phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, bản... để bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài theo lộ trình mà Nghị quyết 27 đã quy định.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, có báo cáo tổng thể chính sách cải cách tiền lương và cân đối nguồn lực trong việc thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030 gửi các vị ĐBQH.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho mục đích khác khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, bảo đảm đúng quy định của Nghị quyết 27 và dành nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, hiện đã quá muộn so với yêu cầu của Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị cho phép các địa phương đã tự cân đối ngân sách được phép sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư (tính đến hết năm 2025) để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông để bảo đảm phù hợp với Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2024
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ các Tờ trình, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ "không kiến nghị cho phép các địa phương đã tự cân đối ngân sách được phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư". Mặt khác, từ ngày 01/7/2024, dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, sẽ cần nguồn lực lớn từ Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương để chủ động bố trí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm đánh giá tổng thể về nguồn lực cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong năm tài khóa 2024 để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần kết luận của Ban chấp hành Trung ương.
Về cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương và thu nhập tăng thêm của các cơ quan, đơn vị, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương và thu nhập tăng thêm của các cơ quan, đơn vị trên đến hết ngày 30/6/2024 như phương án Chính phủ trình; và từ ngày 01/7/2024, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất theo quy định chung như các Bộ, cơ quan, đơn vị khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 129/2020/QH14 về việc chỉ cho phép "tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW", Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn…) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.