Góp ý vào Dự án Luật cạnh tranh (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Về nội dung cụ thể của dự án Luật, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi điểu chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định rõ các hành vi bị cấm để phân biệt với hành vi bị xử lý.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 27/10, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, cho rằng: Tại chương VIII, dự thảo Luật quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, các mức xử phạt, thẩm quyền thi hành. Tuy nhiên, theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, thẩm quyền quy định xử phạt hành chính thuộc Chính phủ. Vì vậy, đại biểu Thu Hà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bỏ một số quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong cạnh tranh tại Chương VIII và đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Cạnh tranh cho phù hợp với Luật Xử phạt hành chính năm 2012.
Luật cạnh tranh ra đời hơn 10 năm, có tác động tới các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ chiếm 25% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động ở Việt Nam. Các doanh nghiệp này thường có những khó khăn đặc thù, do vậy sẽ bị hạn chế hơn trong cạnh tranh. Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ thường không đủ nguồn lực để theo đuổi các vụ cạnh tranh. “Cạnh tranh là phải công bằng. Tuy nhiên, việc cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, lao động khuyết tật, doanh nghiệp xã hội trong quá trình cạnh tranh là cần thiết”, Chủ tịch Thu Hà bày tỏ.
Qua đó, đại biểu Thu Hà đề nghị tại Điều 6, Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, bổ sung chính sách đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động khuyết tật trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Thu Hà cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung: “Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là hành vi cản trở cạnh tranh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh” vào Điều 8 về Hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước. Điều này phù hợp với Khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Quan tâm tới xử lý hài hòa lợi ích của các bên trong dự thảo Luật cạnh tranh, ĐBQH Hoàng Thị Hoa, Đoàn Bắc Giang, cho rằng: Đối với Điều 6, chính sách nhà nước về cạnh tranh, để thực hiện đa mục tiêu tại điều này, cần tiếp tục rà soát, bổ sung nhằm hoàn thiện để xử lý hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và phúc lợi xã hội. Đại biểu Hoa nêu ví dụ trong lĩnh vực đặc thù như ngành điện ảnh, phát hành phim, thì thị phần trong nước đang bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh áp đảo. Bà Hoa kỳ vọng việc ban hành luật này để khắc phục được tình trạng mất thị phần ngay chính trên sân nhà.
Góp ý điều 7 về mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, hiện còn có 2 loại ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất, tán thành Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. ý kiến thứ hai, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội.