Chế tài đối với hành vi ra ngoài khi không cần thiết theo Chỉ thị 16

Đinh Phương (thực hiện)
06/04/2020 - 12:36
Chế tài đối với hành vi ra ngoài khi không cần thiết theo Chỉ thị 16
Thông tin xử phạt người dân khi ra ngoài đường nếu không thuộc trường hợp thật sự cần thiết theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng khiến cộng đồng rất quan tâm. PNVN đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến quy định này.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội ngày 3/4/2020, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu từ ngày 4/4/2020, các đơn vị quận, huyện, phường xã tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt tất cả những người đi ra ngoài đường mà không đúng các nội dung được cho phép khi ra khỏi nhà theo văn bản chỉ thị số 2601/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

+ Thưa Luật sư, sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng được ban hành, vậy người dân cố tình vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Hình phạt xử lý về việc ra ngoài khi không cần thiết - Ảnh 1.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng

- Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2601/VPCP – KGVX về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT- TTg về phòng, chống dịch Covid. Văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn.v.v.. Văn bản này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tại Điều 7 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này." Việc  "không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền" là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật này. Do đó, Việc ra đường mà không vì các lý do thực sự cần thiết theo đúng nội dung Chỉ thị số 16/CT- TTg và Văn bản số 2601/VPCP – KGVX nêu trên là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt về hành vi "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế". 

Về mức phạt, Nghị định 176/2013/NĐ-CP  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176. Ngoài ra, đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng" cũng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 11 của Nghị định này.

+ Vừa qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã thực hiện xử phạt với một số hành vi vi phạm như không đeo khẩu trang khi ra đường, ra đường không đúng mục đích. Việc xử phạt này dựa trên căn cứ cụ thể nào thưa luật sư?

- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Sở Tư pháp Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 925/STP-PBGDPL, theo đó đã nêu chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống Covid-19. Cụ thể:

1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng.

2. Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến 7.000.000 đồng.

3. Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng

4. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

5. Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

6. Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng.

7. Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.

8. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

9. Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự.

10. Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự.

11. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

12. Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo điều 295 Bộ luật Hình sự.

13. Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại điều 196 Bộ luật Hình sự./.

+ Theo Luật sư, việc tổ chức thực hiện các quyết định, Chỉ Thị của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng các chế tài hành chính, thậm chí các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm trong lúc này có tác dụng như thế nào ?

- Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Dịch bệnh Covid – 19 là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, đang trở thành đại dịch toàn cầu, gây ra những thiệt hại hết sức to lớn về sức khỏe, tính mạng cho con người, cũng như những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng, những y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an đang phải căng mình chống dịch, thì việc thực hiện nghiêm và chính xác việc cách ly xã hội, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có một ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong việc nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, chỉ cần một hành động thiếu ý thức, vi phạm các biện pháp phòng chống dịch bệnh của một hoặc một vài cá nhân có thể phá hỏng nỗ lực của cả cộng đồng, gây ra những tác hại to lớn về nhiều mặt. Do đó, việc áp dụng các chế tài xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người dân, đảm bảo cho các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được thực hiện  đúng và đầy đủ trên thực tế, để có thể nhanh chóng ngăn chặn và  đẩy lùi dịch bệnh.

+ Xin cảm ơn Luật sư!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm