Chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 8 lần so với 1 đứa trẻ

Bài và ảnh: An Khê
26/12/2019 - 16:03
Chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 8 lần so với 1 đứa trẻ
Theo Tổng điều tra dân số vùng 1 tháng 4/2019, năm 2011 Việt Nam có 7%, đến năm 2019 là 7,6% tốc độ già hóa về dân số. Một xã hội đông người cao tuổi làm thay đổi và ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và dẫn đến hiện tượng từng bước một thiếu hụt lao động.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết, từ trước năm 2019 tỉ số hỗ trợ tiềm năng đều trên 7 (7 người trong độ tuổi lao động gánh 1 người trong độ tuổi 65 trở lên), hiện nay tỉ số hỗ trợ tiềm năng giảm chỉ còn 5,2. Dự kiến đến năm 2029 giảm xuống dưới 4, đến năm 2039 giảm xuống dưới 3, đến năm 2039 tỉ số này còn 2,2/1.

Chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 8 lần so với 1 đứa trẻ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ

"Hiện nay, có 5,2 người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho 1 người hưởng, chúng ta đang ở mấp mé việc cân bằng giữa quỹ BHXH và quỹ lương hưu, chỉ còn dư một chút thôi. Nếu số người đóng càng ngày càng giảm thì đến năm 2020 chỉ còn 5 người đóng 1 người hưởng. Quá trình này phải thay đổi chính sách BHXH, thay đổi chính sách đóng, hưởng, thu chi để đảm bảo lương hưu. Số người trong độ tuổi lao động phải gánh cho 1 người trong độ tuổi từ 65 trở lên"- ông Tân chia sẻ.

Chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 8 lần so với 1 đứa trẻ - Ảnh 2.

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có hơn 22% người từ 65 tuổi trở lên, trở thành nước có dân số siêu già

Theo ông Tân, bình quân chi phí chăm sóc sức khỏe cho một người cao tuổi gấp 8 lần so với việc chăm sóc 1 đứa trẻ. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 6,5 - 7 triệu người từ 65 tuổi trở lên, nếu tỉ trọng này tăng lên trong khi chi phí cho 1 người lớn như vậy thì cân đối quỹ BHYT là một vấn đề nan giải.

Ông nhấn mạnh, người cao tuổi có quyền được sống như tất cả mọi người, đặc biệt, tại Việt Nam có truyền thống gắn bó gia đình, con cái hiếu thảo với cha mẹ và ai cũng muốn cha mẹ sống lâu hơn. Bất kỳ ai cũng sẽ đến giai đoạn mình không thể tự chăm sóc được mình, hoàn toàn phải nhờ vào người khác. Số lượng này chiếm khoảng 10% dân số (khoảng 700.000 - 800.000 người) phải có người chăm sóc, và nó sẽ tăng dần theo thời gian. Đến năm 2030, dân số khoảng 110 triệu người mà có 22% người cao tuổi trên 65 tuổi ước tính khoảng 30 triệu người, người phải chăm sóc toàn diện là 3 - 4 triệu người.

Hiện nay, người cao tuổi Việt Nam chỉ có 30% có lương hưu, 70% còn lại không có lương hưu, có rất nhiều người sống bằng trợ cấp của nhà nước với mức 80.000 đồng/tháng.

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có hơn 22% người từ 65 tuổi trở lên, sẽ trở thành nước siêu già và dân số Việt Nam sẽ rơi vào thách thức thiếu hụt lao động, tạo gánh nặng cho BHXH. Nhưng thách thức này cũng là cơ hội để Việt Nam phát sinh ngành kinh doanh mới, sản xuất sản phẩm hàng hóa dịch vụ phục vụ người cao tuổi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ Nguyễn Văn Tân

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm