pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện đời nữ công nhân xa nhà: Những hy sinh và ước mơ trong khu công nghiệp
Những bước chân rời xa gia đình
Vào mỗi buổi sáng, khi phố phường tấp nập người qua lại, cũng là lúc các khu công nghiệp nhộn nhịp thay ca để bắt đầu một ngày làm việc mới. Để có kinh tế nuôi sống gia đình, hàng ngàn người phụ nữ đã rời xa gia đình, con cái để đến những nơi xa xôi có khu công nghiệp làm công nhân. Chị Thanh, 29 tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), tâm sự: "Tôi vào đây từ năm 21 tuổi, khi đó vừa tốt nghiệp phổ thông nhưng không có điều kiện học tập tiếp. Ba mẹ cũng vất vả nên tôi quyết định ra Hà Nội để tìm việc làm. Ban đầu chỉ nghĩ sẽ làm vài năm rồi về, nhưng đã 8 năm rồi, tôi vẫn ở đây."
Xa nhà, chị Thanh cùng nhiều nữ công nhân khác phải tự lập giữa chốn đông người, không người thân bên cạnh. Họ chia sẻ phòng trọ, nấu nướng chung để tiết kiệm chi phí. Chị Minh, bạn cùng phòng của chị Thanh, nói: "Với mức lương công nhân sống cảnh thuê trọ, mọi nhu yếu phẩm ddeuf phải mua, nên cuối tháng chẳng còn lại bao nhiêu. Chưa kể những lúc ốm đau, bệnh tật nữa. Làm công việc chân tay như chúng tôi, tăng ca rồi làm đêm nên rất tổn hại về sức khoẻ".
Theo đó, trong các nhà máy đều có ca đêm với mức phụ cấp cao hơn. Vì vậy, nhiều chị em làm thêm khung giờ này để kiếm thêm thu nhập. Có những ngày làm việc kéo dài từ 10 đến 12 giờ, khiến sức khỏe giảm đi nhưng ít ai muốn nghỉ vì những gánh nặng kinh tế vẫn đè nặng.
Không chỉ vất vả về chất, các nữ công nhân làm việc xa nhà còn phải chịu đựng rất nhiều thiếu thốn về mặt tinh thần. Xa gia đình, xa con cái, họ phải nén nỗi nhớ quê, nhớ nhà. Chị Hoa, 34 tuổi, quê Thanh Hoá, chia sẻ: "Có những buổi tối ngồi nhìn con qua màn hình điện thoại mà mình rơi nước mắt. Mình không thể ở bên cạnh khi con bị bệnh, cũng không thể dự buổi sinh nhật của con. Mình đã bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc khắc của gia đình nhưng không đi làm thì cũng không biết trông cậy vào nguồn nào để nuôi con ăn học".
Dù cuộc sống khó khăn song các nữ công nhân vẫn không ngừng nuôi dưỡng những ước mơ giản dị. Họ mong muốn một cuộc sống ổn định, một mái ấm yên bình bên gia đình, mong ngày đoàn tụ cùng con cái và bố mẹ ở quê nhà. "Tôi mong sau này có một số tiền tiết kiệm để về quê mở một tiệm tạp hoá nhỏ, sống gần con cái, gia đình. Tôi cũng mong mình có thể xây một ngôi nhà nho nhỏ để cả nhà không phải lo cảnh nhà dột mỗi khi mưa bão" - chị Hoa khẽ thở dài. Có lẽ không chỉ riêng chị Hoa, những ước mơ giản dị nhưng chứa nhiều hy vọng, niềm tin của những nữ công nhân chính là động lực giúp họ vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục bám trụ tại các khu công nghiệp để tích lũy cho tương lai.
Sự đồng hành của tổ chức Công đoàn
Hiểu được những khó khăn, vất vả của các nữ công nhân, Công đoàn đã và đang là nền tảng vững chắc, là "cánh tay nối dài" của doanh nghiệp, góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động. Trong những năm qua, nhiều hoạt động của Công đoàn như thăm hỏi, quà tặng nhân dịp Tết, hỗ trợ chi phí nhà trọ, các chương trình ưu đãi cho công nhân là những món quà tinh thần quý giá mà họ nhận được.
Là một trong những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, Đồng Nai hiện có lực lượng lao động nữ chiếm đến 60% trong tổng số trên 1,2 triệu lao động. Những năm qua, các cấp Công đoàn, doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lao động nữ, đặc biệt là tạo môi trường lao động an toàn và văn minh để họ an tâm cống hiến.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics (TP Biên Hòa, Đồng Nai) Đỗ Đình Hiệp cho hay, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân người lao động. Thời gian qua, công ty không ngừng nỗ lực để đem lại môi trường làm việc an toàn, văn minh, lịch sự giúp người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng, yên tâm công tác.
Hay tại Công ty TNHH Giày Dona Standard (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), lãnh đạo Công đoàn công ty cho biết ngoài việc thực hiện đúng các quy định về chính sách, pháp luật, công ty còn ký kết được thỏa ước lao động tập thể với nhiều điểm có lợi cho công nhân, nhất là lao động mang thai, không sắp xếp vận hành máy cắt, máy ép cao tần hoặc làm những công việc có tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đặc biệt, công ty cũng quan tâm đến các nữ công nhân xa nhà bằng cách tổ chức các hoạt động tư vấn sức khoẻ, hỗ trợ tâm lý, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề liên quan đến nuôi dạy con cái để giúp các chị vượt qua nỗi nhớ nhà, cũng như tìm ra các giải pháp nuôi dạy, đồng hành cùng con dù ở xa.
Nhờ vậy, nhiều chị em cảm thấy được chia sẻ, thấu hiểu hơn trước những áp lực của công việc và kinh tế. "Nếu không có sự đồng hành của Công đoàn cuộc sống của chúng tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Họ đã lắng nghe, hiểu và chia sẻ với chúng tôi, giúp chúng tôi cảm thấy được quan tâm và bảo vệ" - chị Nguyễn Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Giày Dona Standar cho hay.
Có thể nói, cuộc sống của những nữ công nhân xa nhà là một bức tranh chứa đựng nhiều màu sắc – có nỗi buồn, có sự hy sinh, nhưng cũng có ánh sáng của niềm hy vọng. Họ chính là những người đang góp phần phát triển kinh tế của đất nước, là những người làm nên những sản phẩm mà chúng ta sử dụng thường xuyên. Những khó khăn họ đang trải qua không chỉ là câu chuyện riêng của mỗi người mà là một phần của bức tranh lao động đầy đủ thức trong xã hội hiện đại. Hy vọng rằng, cùng với vai trò của Công đoàn và những hỗ trợ chính sách từ Nhà nước, các nữ công nhân sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và những ước mơ của họ sẽ sớm trở thành hiện thực.