Công bố dịch toàn quốc: Người dân không được làm gì?

Nguyễn Long
01/04/2020 - 20:58
Công bố dịch toàn quốc: Người dân không được làm gì?
Hôm nay, 1/4/2020, Thủ tướng đã ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc. Theo phân tích của luật sư, dưới góc độ pháp lý, đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc "luật hóa" các chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19 và là căn cứ xử lý vi phạm.

Trước quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, nhiều người đặt câu hỏi: Việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc có ý nghĩa thế nào? Người dân được phép làm gì và không được làm gì trong thời điểm công bố dịch?

Trả lời việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Người dân được làm gì và không được làm gì sau khi công bố dịch toàn quốc? - Ảnh 1.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Tại Điều 8 của luật này nghiêm cấm các hành vi:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành công văn số 45/TANDTC - PC về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh.

Theo hướng dẫn này, người được thông báo mắc bệnh; nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo gian dối làm lây bệnh cho người khác, sẽ bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực cách ly, khu phong tỏa nhưng thực hiện một trong các hành vi trên mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, sẽ bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.

"Tại công văn này, Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng hình phạt nghiêm khắc với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, như: Làm lây bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người. Còn trường hợp phạm tội chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh), thì áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo", luật sư Bình cho biết.

Đến nay 01/4, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg Về việc công bố dịch Covid-19, đặc biệt, điều 2 của Quyết định này quy định thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trước đó, trong đó có Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg... Đây là cơ sở pháp lý để "luật hóa" hai Chỉ thị này, là căn cứ để xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Kể từ thời điểm Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực pháp luật thì mọi hành vi vi phạm quy định này và các văn bản mà Quyết định này dẫn chiếu thì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, đoàn kết chiến đấu dịch bệnh COVID-19 với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, mỗi người dân là một chiến sĩ.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng, Chính phủ đã liên tục có những biện pháp quyết liệt và tăng dần cấp độ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, cùng với việc tạm hoãn, dừng mọi chuyến bay quốc tế, Chính phủ quyết định dừng cấp thị thực cho toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Hai chỉ thị quan trọng của Thủ tướng được ban hành gồm Chỉ thị 15 và 16 đưa ra nhiều biện pháp mạnh, như tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28-3 đến hết 15-4; áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00h ngày 28-3 đến hết ngày 15-4; thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1-4.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm