Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng

Bách Việt
22/05/2023 - 21:18
Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng

Kỹ thuật trong sản xuất của đồng bào dân tộc Mảng còn lạc hậu, dựa vào tự nhiên. Ảnh: Hoàng Trang

Người Mảng là 1 trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mảng còn tới hơn 75%. Vì vậy, thúc đẩy phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với người dân nói chung phụ nữ và trẻ em dân tộc Mảng nói riêng.

Người Mảng ở Việt Nam sinh sống chủ yếu ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na tại 3 huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn thuộc tỉnh Lai Châu. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, tính đến cuối năm 2021, dân tộc Mảng ở Lai Châu có có 1.043 hộ, 5.270 khẩu, trong đó nữ chiếm 47%.

Người Dân tộc Mảng cư trú trên các sườn núi, dưới chân núi nơi thường có các con suối nhỏ chạy qua. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi những khe suối nhỏ, độ cao trung bình từ 350 – 500m. Giao thông đi lại rất khó khăn, khoảng cách từ các bản người Mảng đến trung tâm xã giao động từ 5– 30 km, cách trung tâm huyện từ 15 – 70 km.

Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng - Ảnh 1.

Biểu đồ một số chỉ số về dân tộc Mảng theo số liệu kết quả điều tra dân số năm 2019

Số hộ nghèo dân tộc Mảng chiếm tới 75,26%

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, tính đến 31/12/2021, số hộ nghèo dân tộc Mảng là 785 hộ, chiếm 75,26% tổng số hộ dân tộc Mảng. Thu nhập bình quân năm 2021 của dân tộc Mảng khoảng 15 triệu đồng/người/năm, bằng 33,78% thu nhập chung của tỉnh Lai Châu.

Ông Hoàng Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, cho biết: Mảng và La Hủ là những dân tộc còn nhiều khó khăn hơn so với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Vì vậy, cuối năm 2022, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội thảo nhằm đánh giá thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ trên địa bàn tỉnh Lai Châu và tình giải pháp hỗ trợ phát triển. 

Hội thảo đã nêu lên thực trạng khó khăn, lạc hậu, nghèo đói đang diễn ra ở đồng bào 2 dân tộc Mảng, La Hủ, đó là: Chất lượng sống ở mức thấp, những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như (ăn, ở, mặc) không đảm bảo; nhà ở đa số tạm bợ, diện tích sử dụng nhỏ (bình quân 5m2/người). Kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, còn dựa vào tự nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất và sản lượng cây trồng không cao, hộ nghèo chưa tự túc được lương thực tại chỗ vẫn phải cứu đói khi giáp hạt và khi có ảnh hưởng thiên tai. Chăn nuôi phát triển chậm, tốc độ tăng đàn thấp, do ảnh hưởng của tập quán chăn nuôi thả rông không chuồng trại, không chủ động trong phòng chống dịch bệnh.

Về thực trạng công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu cho thấy: Tình trạng chị em không biết chữ, không biết tiếng phổ thông tại các bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao nên ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương. Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỉ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng trọng nam, khinh nữ, hủ tục lạc hậu chưa được đẩy lùi...

Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng - Ảnh 2.

Trang phục truyền thống của nam, nữ dân tộc Mảng. Ảnh: Thành Đạt

 

Hỗ trợ đa dạng sinh kế cho đồng bào Mảng

Theo ông Hoàng Bình Nhưỡng, vấn đề mấu chốt đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trong đó có đồng bào Mảng, là làm thế nào để phát triển kinh tế. Khi đời sống người dân được nâng lên thì sẽ kéo theo những vấn đề văn hóa xã hội khác phát triển theo. Dân tộc Mảng là nhóm dân tộc rất ít người có khó khăn đặc thù. Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc Mảng, cần tập trung hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào nhằm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao...

Trao đổi về việc phát triển kinh tế hộ gia đình đối với dân tộc Mảng, chị Vàng gió Nhù, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Tè, đưa ra 4 nội dung cần hỗ trợ, đó là hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào nhằm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng; hỗ trợ công vụ sản xuất, nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất thông qua tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và thực hiện đa dạng sinh kế để người dân phát huy nội lực chủ động phát triển sản xuất để vươn lên.

Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng - Ảnh 3.

Phụ nữ dân tộc Mảng với trang phục truyền thống có tấm vải trắng trang trí hoa văn choàng quanh ngực. Ảnh: Hoàng Trang

Từ điều kiện tự nhiên của khu vực đồng bào dân tộc Mảng, La Hủ cư trú, việc phát triển sản xuất cần gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế cây trồng, vật nuôi, xây dựng các liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân để khuyến khích sản xuất theo hướng phát triển hàng hóa gắn với thị trường. Tận dụng lợi thế về rừng và điều kiện đất đai tại địa phương, hỗ trợ phát triển cây trồng có giá trị cao phù hợp với lợi thế với từng bản, xã theo mô hình sản xuất liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm phát triển các cây trồng có giá trị và xây dựng thương hiệu như cây tam thất, thảo quả, sâm, sa nhân…

Đa dạng sinh kế để phá thế sản xuất dựa vào tự nhiên của đồng bào Mảng - Ảnh 4.

Dân tộc Mảng là nhóm dân tộc rất ít người có khó khăn đặc thù. Ảnh: Hoàng Trang

Về lâu dài, để phát triển kinh tế bền vững thì phải tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Do đó, các mô hình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cần được đưa vào trong các nhà trường, hướng dẫn học sinh là con em dân tộc Mảng, La Hủ nắm bắt được kỹ thuật từ trong nhà trường để từng bước thay đổi thói quen tư duy phát triển kinh tế.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm