pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để người có uy tín, chức sắc tôn giáo lan tỏa việc thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số
Người có uy tín và chức sắc tôn giáo chia sẻ tại một hội thảo do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Ảnh: PVH
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sùng A Phử, dân tộc Mông, thôn Nậm Giang 1, xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai), chia sẻ: "Được người dân tin tưởng, quý trọng và là một trong số những người có uy tín tại cộng đồng, tôi ý thức được mình phải hiểu được và nắm chắc được chủ trương, pháp luật của Nhà nước. Mình phải hiểu thì mới nói được, thuyết phục được người dân trong thôn bản. Đồng thời, chính bản thân phải làm gương".
Ông Phử cho biết, trên địa bàn thôn Nậm Gian 1 hiện nay vẫn còn nhiều bà con chưa nói được tiếng phổ thông, mù chữ. Để tuyên truyền hiệu quả tại vùng dân tộc thiểu số nơi đây, trước tiên phải biết tiếng dân tộc, là người trong cộng đồng dân tộc đó thì mọi người dễ tin tưởng, nghe theo. Đặc biệt là phải tuyên truyền dần dần, không thể chỉ một hai ngày là mọi người sẽ hiểu và làm theo. Phải khuyên giải nhiều như mưa rừng kéo dài nhiều ngày mới được.
Còn với chức sắc tôn giáo, Sư cô Thích Nữ Liên Uyển, Trụ trì chùa Yên Bình, xã Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh), chia sẻ: "Bản thân là nhà tu hành, trước tiên cần có ý thức bổn phận của một công dân. Tôi luôn tâm niệm cần trau dồi bản thân, dấn thân phụng sự hi sinh, rồi mới khuyên bảo, dẫn dắt được tín đồ tin tưởng, làm theo những công việc thiện lành, tham gia phong trào của xã hội.
Mỗi một phật tử là một nơi để lan tỏa yêu thương, tinh thần nhân dạo. Chỉ một việc thiện lan tỏa thì nhiều việc thiện nhân lên, mang lại cơ hội cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó nhiều phụ nữ, trẻ em. Chúng tôi mong rằng có nhiều cơ duyên đóng góp cho xã hội, phong trào cuộc vận động của Hội, phụng sự nhân sinh, đóng góp nhiều cho cộng đồng thì chúng tôi sẵn lòng tham gia".
Theo thống kê, cả nước có khoảng 28.000 người có uy tín trên địa bàn 52 tỉnh, thành phố. Ở khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 15.000 người. Người có uy tín trong dân tộc thiểu số thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có người là già làng, trưởng bản, có người là cán bộ, trí thức; nhiều người có chức sắc trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng..., do đó mỗi người có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng dân tộc thiểu số.
Hỗ trợ người có uy tín, chức sắc tôn giáo nhận diện các vấn đề giới
Theo PGS.TS. Đặng Thị Hoa, quyền Viện trưởng, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhằm xóa bỏ các khuôn mẫu, định kiến bất bình đẳng giới ở cộng đồng thể hiện khá rõ nét. Có thể nhìn nhận rõ vai trò của những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong cộng đồng trong vận động người dân xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu văn hóa không phù hợp, phát huy các yếu tố tốt đẹp của phong tục tập quán trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Bởi những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo luôn gần gũi với người dân trong cộng đồng. Họ luôn gắn bó với tất cả các hoạt động của cộng đồng và là người rất am hiểu phong tục tập quán, nắm bắt được tâm lý, tâm tư nguyện vọng của từng người dân cũng như điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân, từng gia đình trong cộng đồng.
Theo bà Đặng Thị Hoa, những khuôn mẫu, định kiến bất bình đẳng giới vốn là những thói quen, nếp nghĩ trong văn hóa, phong tục tập quán rất khó từ bỏ hay thay đổi, do vậy chính người trong cuộc cũng không nhận thức được những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong đời sống của họ.
Ở một số tộc người có theo đạo Phật giáo, Tin Lành hay Công giáo, những người chức sắc, chức việc trong đạo có những ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng. Tại khu vực miền núi phía Bắc, tổng số người theo đạo Tin Lành tính đến năm 2020 là 235.635 người (95% là người Mông); 389 chức sắc, 525 chức việc.
Vì thế, trước hết phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo nhận diện rõ những vấn đề đang dẫn tới bất bình đẳng giới trong cộng đồng với những đặc điểm cụ thể, rõ ràng trong phong tục tập quán, những thành kiến, định kiến hay các thói quen hành vi dẫn tới bất bình đẳng giới. Những người có uy tín và chức sắc, chức việc tôn giáo đã rất am hiểu phong tục tập quán, họ sẽ nhận ra được cần bắt đầu từ đâu và lên kế hoạch để vận động, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng phù hợp với điều kiện cụ thể.
Còn PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, đề xuất: Chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ các cấp (tỉnh, huyện, xã) cần xây dựng Danh sách những người tiêu biểu "người có uy tín" trong cộng đồng dân tộc thiểu số; "chức sắc, chức việc" các tôn giáo có kế hoạch tham vấn, phối hợp hoạt động nhằm phát huy vai trò nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bình thực hiện đẳng giới ở các địa phương.
Cùng với đó, chính quyền địa phương và Hội LHPN các cấp cần xây dựng xây dựng Kế hoạch, Chương trinh làm việc, hợp tác, nội dung tham vấn đối với từng nhóm đối tượng: Với "Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số" và "Chức sắc, chức việc các tôn giáo" ở địa phương… trong việc sinh hoạt chuyên đề, hoặc lồng ghép vào các sinh hoạt cộng đồng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nếp sống mới, thực hiện các nội dung các CTMTQG, trong sinh hoạt của các tôn giáo ở địa phương… liên quan đến bình đẳng giới.