Đuối nước, tâm lý học đường làm "nóng" Quốc hội ngày Tết Thiếu nhi

Hải Yến
01/06/2022 - 19:11
Đuối nước, tâm lý học đường làm "nóng" Quốc hội ngày Tết Thiếu nhi

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, nghị trường Quốc hội đã "nóng" với nhiều vấn đề mà đại biểu quan tâm như: Vấn đề trẻ em mồ côi sau đại dịch, đuối nước, tâm lý học đường trong ngày Tết Thiếu nhi (1/6).

Trẻ em ở nông thôn, miền núi học bơi thế nào?

Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề đau xót mà nhiều năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều quan tâm chỉ đạo nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ đuối nước vẫn còn cao. Đại biểu cho rằng nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng trong môi trường nước, nguồn lực đầu tư cho việc giáo dục, huấn luyện kỹ năng bơi cho học sinh còn nhiều khó khăn và hạn chế…

Đuối nước, tâm lý học đường làm "nóng" Quốc hội ngày Tết Thiếu nhi - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Xuân Thống - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định 1248 nghiêm túc để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường học, nhất là vùng nông thôn, khó khăn để đáp ứng được việc dạy bơi cho các em học sinh. Kêu gọi sự quan tâm, chăm lo hơn nữa của xã hội với sự an toàn của trẻ.

Cần có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ trẻ em mồ côi sau đại dịch

Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH Hải Dương đã dẫn thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến ngày 15/02/2022 cho thấy, toàn quốc có 4.335 trẻ em mồ côi do COVID-19, trong đó có nhiểu trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, các cháu đều đang sống cùng gia đình hoặc người thân.

Đuối nước, tâm lý học đường làm "nóng" Quốc hội ngày Tết Thiếu nhi - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH Hải Dương

Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.

Tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ băn khoăn đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2021 cho thấy một biểu đồ bất thường khi lần đầu tiên xuất hiện hai đỉnh điểm trong cùng một phổ điểm, trong đó đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 45 điểm và đỉnh thứ hai nằm trong khoảng 79 điểm và điều này cho thấy hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh giữa các vùng, miền và khoảng cách này cần sớm được rút ngắn.

Đặc biệt, đại biểu lo lắng vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả. Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng. Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quả đáng buồn, cùng với đó là vấn nạn bắt nạt bạo lực trên không gian mạng.

Luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phân tích, số trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính chiếm khoảng 0,5% dân số và các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số khác. Việc phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý, lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả là có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, không được điều trị.

Đuối nước, tâm lý học đường làm "nóng" Quốc hội ngày Tết Thiếu nhi - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu đề nghị cần luật hóa việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng với cơ chế chi trả tiền bền vững thông qua quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời xem xét bố trí ngân sách riêng cho nội dung bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em miền núi. Vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng thực sự chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Luật hóa can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng của trẻ em cũng chính là để can thiệp này được thực hiện tại các cơ sở y tế thuận lợi và có kết quả trong điều trị suy dinh dưỡng trẻ em, thể hiện tính ưu việt của xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm