Giá thịt lợn cao ngất ngưởng: Người tiêu dùng cần được "giải cứu"

Ngọc Vân
18/05/2020 - 11:50
Giá thịt lợn cao ngất ngưởng: Người tiêu dùng cần được "giải cứu"
Dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, Việt Nam đã nhập khẩu được trên 54.000 tấn, cùng với các biện pháp can thiệp của Chính phủ để hạ giá sản phẩm song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng? Hội Bảo vệ Người tiêu dùng và các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm câu trả lời.

Vật vã vì thịt lợn tăng giá

Với giá bán dao động trên cả nước từ 160.000 đồng đến gần 300.000 đồng/kg, chưa bao giờ giá thịt lợn lại làm người tiêu dùng lo lắng đến vậy.

Tại hệ thống siêu thị, giá bán thịt ba rọi đang bán với giá 209.000 đồng/kg, thịt thăn 206.000 đồng/kg; thịt lợn sạch giá 286.900 đồng/kg, sườn thăn 295.000 đồng/kg. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội hiện tại, giá thịt nạc vai 165.000 đồng/kg, ba rọi 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg. Thậm chí, tại một số tỉnh như Tuyên Quang, Điện Biên… trong hai ngày cuối tuần qua, thịt lợn tại chợ truyền thống đã chạm mốc 200.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn cao ngất ngưởng: Người tiêu dùng cần được ‘giải cứu’   - Ảnh 1.

Thời gian qua, thịt lợn liên tục giữ mức giá cao

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cập nhật diễn biến giá thịt lợn:

- Ngày 30/3/2020, "15 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn thống nhất đưa giá thịt heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg từ ngày 01/4/2020; và lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65 nghìn đến 60 nghìn đồng/kg".

- Từ giữa tháng 4/2020, giá lợn thịt có xu hướng tăng đến 70.000-80.000 đồng/kg lợn hơi.

- Tính đến ngày 10/5/2020, Giá heo hơi ở miền Bắc: chạm mức 93.000 đồng/kg; miền Trung: 87.000 - 90.0000 đồng/kg; miền Nam: 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu, được sử dụng hàng ngày trong đời sống.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc, bị giảm hoặc không có thu nhập thì nhiều tháng nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Nhiều gia đình đã phải cắt giảm mức tiêu dùng thịt lợn.

Dù thời gian qua, lượng thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh.

Song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay.

Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Đứng từ góc độ người tiêu dùng, tại Hội thảo Thịt lợn – Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Cách đây hơn 3 năm, phần lớn đầu ra sản phẩm chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc, khi thương lái ép giá, lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí giữa năm 2017, rớt giá xuống còn trên dưới 20.000 đồng/kg, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn, góp phần giải cứu thị trường.

Thời điểm này, người tiêu dùng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, chính người tiêu dùng cũng cần được "giải cứu", bảo vệ quyền lợi.

Nếu chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg, về mặt lý thuyết, giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi 25.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng thêm 10.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày. Nếu tăng thêm 20.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 180 tỷ đồng/ngày. Như vậy, vẫn còn dư địa để giảm giá bán lợn hơi, trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam


Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ: "Sự bất ổn giá lợn hơi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù giảm sâu hay tăng mạnh thì người tiêu dùng luôn chịu thiệt".

Giá thịt lợn cao ngất ngưởng: Người tiêu dùng cần được ‘giải cứu’   - Ảnh 4.

Người tiêu dùng cần lên tiếng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.

Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng Trưởng Phòng bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khẳng định: Việc xây dựng cơ chế để công bố minh bạch các thông tin về thị trường thịt lợn là cần thiết. Cụ thể:

- Về phía các Bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an… cần cùng vào cuộc, phối hợp, xây dựng trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá…

- Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh.

- Về phía người tiêu dùng, cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan và đưa ra các quyết định tiêu dùng thông minh. Nên thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, để vừa bảo đảm dinh dưỡng và tránh gánh nặng chi phí khi một loại thực phẩm tăng giá.

Song song đó, người tiêu dùng cần lên tiếng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, chủ động tố cáo, khiếu nại tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm quyền lợi của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm