Một trong những nội dung mới liên quan đến quyền lợi của NLĐ, đặc biệt là lao động nữ - quy định về bảo vệ thai sản, đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, góp ý trong buổi thảo luận ở Hội trường về dự luật này vào ngày 12/6. Báo PNVN ghi nhận thêm các ý kiến xung quanh vấn đề này.
Nhiều băn khoăn
Mục a khoản 1 Điều 138 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: “Nếu không có sự đồng ý của NLĐ thì người sử dụng lao động không được sử dụng NLĐ để làm thêm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hay tháng thứ 6, nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo”. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật lần này đã thêm vào cụm từ “nếu không có sự đồng ý của NLĐ”.
Điều này được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà khi góp ý cho dự luật tại Quốc hội chiều 12/6, phân tích: dự thảo đã sửa đổi theo hướng nếu được sự đồng ý thì lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 ở khu vực vùng biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa vẫn có thể thỏa thuận để làm thêm giờ, làm ban đêm và đi công tác xa. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cân nhắc kỹ quy định này và cần lấy ý kiến đầy đủ đối tượng chịu sự điều chỉnh. Bởi quy định trong dự thảo luật tưởng như tạo ra quyền và cơ hội làm việc cho lao động nữ nhưng thực tế dễ tạo ra bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của lao động nữ và sự phát triển của thai nhi.
“Thử hình dung phụ nữ mang thai 7 tháng đi làm đêm theo quy định từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau hoặc đi công tác xa liệu có an toàn và hiệu quả? Chẳng may xảy ra chuyện gì thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc em bé sinh non vô cùng tốn kém, vất vả và trẻ sinh non có nguy cơ mắc nhiều bệnh”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.
Ý kiến của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là với lao động nữ. Chị Nguyễn Như Ý (quê Quảng Bình) - công nhân gia công thiết bị chiếu sáng một doanh nghiệp tại KCN Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) - chia sẻ, bản thân chị không tiếp cận sâu vào nội dung cụ thể của dự án luật cũng như hiểu rõ từng điều khoản của luật. Tuy nhiên, nếu thay đổi luật theo hướng tạo ra sự thỏa thuận giữa NLĐ và giới chủ, vô hình trung sẽ tạo những sức ép không đáng có.
“Có những thời điểm, quả thật không thể từ chối được việc làm thêm giờ, tăng ca do đơn hàng dồn dập. Muốn có thêm chút thu nhập gửi về quê cho con đi học, chúng tôi đành chấp nhận làm việc. Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp bất chấp đang mang thai vẫn làm thêm giờ. Công việc cuốn chúng tôi vào guồng, nhiều thời điểm cố gắng gồng lên để làm”, nữ công nhân này chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hải (giáo viên tiểu học tại TP Vinh, Nghệ An) khi biết đến sự thay đổi này, cũng trăn trở: “Đọc kỹ luật thì đúng là nhận thấy sự thay đổi không nhỏ, điều này khiến các lao động nữ không những không được bảo vệ chặt chẽ hơn quyền lợi của mình, mà còn vô tình tạo ra những hệ lụy đáng tiếc xảy đến cho chính bản thân của NLĐ và cả những đứa con của họ. Tôi nghĩ, Luật nên giữ quy định như ban đầu thay vì nới ra như lần thay đổi này!”, chị Hải nói.
“Điểm lùi”?
Là giảng viên ngành Luật và có nhiều năm trải nghiệm thực tế giảng dạy với doanh nghiệp, tiếp xúc với công nhân, TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, bà thực sự băn khoăn với sự thay đổi mà bà cho là “điểm lùi” của dự thảo luật lần này, liên quan đến điều 138. Theo bà Huyền, thêm vào “sự đồng ý” của NLĐ, đồng nghĩa với việc chủ sử dụng lao động hoàn toàn có thể bố trí cho NLĐ mang thai 7 tháng tuổi làm việc ca đêm từ 10h đêm đến 6h sáng hôm sau, hay NLĐ đang nuôi con nhỏ sẵn sàng cử đi công tác xa nếu đồng ý!
“Thực tế tiếp xúc với rất nhiều công nhân, tôi thấy có những lúc NLĐ không đồng ý không được. Nếu thêm điều này vào thì đây là quy định “lùi” của luật. Đi giảng, nhìn lao động nữ làm việc, mới đây nhất là xuống nhà máy may ở Hải Phòng, mà tôi thấy rất thương. Họ không hề có máy điều hòa, quạt không đủ, môtơ kêu ầm ầm, nóng nực mà phải làm liên tục 8 tiếng đồng hồ. Nhìn bình diện thật rộng ra, công chức ở ta chỉ có 2 triệu người thôi, còn lại, nếu điều chỉnh bộ luật sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội. Chính vì thế tôi đề nghị hết sức cân nhắc!”, bà Huyền cho hay. Cũng theo bà Thanh Huyền, không nên làm giảm ý nghĩa nhân văn của luật hiện hành, bởi nếu NLĐ nuôi con nhỏ, đang mang thai tháng 6-7 thì tuyệt đối không cử họ đi công tác xa, tuyệt đối không cử họ làm việc vào ban đêm, thậm chí là làm thêm giờ nếu họ không đồng ý. Đấy mới là bảo vệ chính đáng quyền lợi của NLĐ.
Về câu chuyện nới rộng khung làm thêm giờ của NLĐ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho rằng, nếu nói việc làm thêm giờ là do nhu cầu của NLĐ không hề chính xác. Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ai cũng phải có nhu cầu nghỉ ngơi, nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo cho con cái chứ không phải nhu cầu đi làm suốt ngày, một ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ. Nhu cầu là điều gì đó tự thân, chứ không hề giống với việc làm thêm giờ. NLĐ cần được làm thêm bởi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, buộc họ phải kiếm thêm. “Quốc hội phải đưa ra chính sách để người công nhân làm ít giờ nhưng lương, thu nhập tăng lên. Không thể nghĩ vắt kiệt sức NLĐ mới tốt. Không phải không tăng giờ là không quan tâm đến NLĐ nhưng chúng ta quan tâm đến NLĐ theo một chính sách khác sẽ ưu việt, thỏa đáng hơn”, nữ đại biểu này đề nghị.
Như vậy, những trăn trở xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ, nhằm mong muốn sửa đổi Bộ luật Lao động sát sao hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo tính nhân văn cho NLĐ. Đó cũng là nguyện vọng của nhiều đại biểu Quốc hội khi thay mặt cử tri nói lên tiếng nói. Hy vọng ban soạn thảo sẽ có tiếp thu và hướng đến sự điều chỉnh phù hợp cho lần sửa đổi Bộ luật Lao động này.