pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em
Phụ nữ Hoài Ân (Bình Định) trong một tiểu phẩm tự biên tự diễn tham gia thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ - Ảnh: Sao Ly
Sau gần 14 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhìn chung nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến tích cực. Phần lớn các hành vi bạo lực gia đình đã bị xã hội lên án. Nhiều hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý.
Tuy vậy, tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bàng hoàng, phẫn nộ cho toàn xã hội. Với số nạn nhân nữ chiếm tỷ lệ 85,19% (theo báo cáo số 29/BC-BVHTTDL ngày 28/1/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì mọi sửa đổi, bổ sung nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đều bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, thì có một số nội dung trong Dự thảo Luật cần tiếp tục được trao đổi, thảo luận.
1. Mặc dù hiện tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có một số điểm bất cập nhưng kết quả sau gần 14 năm thi hành Luật đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong khi đó, nguồn lực cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) còn hạn hẹp… Vì vậy, chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết và khả thi. Ví dụ như việc xác định vai trò nòng cốt của công an trong PCBLGĐ là cần thiết và khả thi vì hiện 100% xã, phường, thị trấn đã có lực lượng công an chính quy. Nhiều năm qua, UNODC (Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm) đã tích cực, kiên trì đưa kiến thức PCBLGĐ vào cơ sở đào tạo công an... Việc luật hóa mô hình PCBLGĐ ở cộng đồng khó mang lại hiệu quả như mong muốn vì cần đầu tư một lượng kinh phí rất lớn để xây dựng cũng như duy trì hoạt động của mô hình…
2. Bên cạnh việc tăng cường xã hội hóa hoạt động PCBLGĐ cần từng bước chuyên môn hóa hoạt động này. Cần quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng nòng cốt trong hoạt động này như công an, nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình …
3. Dự thảo Luật ngày 25 tháng 2 năm 2022 không giải thích "thành viên gia đình", nhưng theo đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thì "thành viên gia đình" trong Luật này được áp dụng theo Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, "thành viên gia đình" bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột" (khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Việc mở rộng "thành viên gia đình" trong Luật này đến mối quan hệ "cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột" cần nghiên cứu thêm. Liệu bạo lực giữa những người thuộc mối quan hệ này có mang đặc trưng của bạo lực gia đình không, đó là: "thường diễn ra đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình", nạn nhân bạo lực gia đình thường không muốn nói ra, có nguyên nhân sâu xa là bất bình đẳng giới…
4. Việc áp dụng một hoặc các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình tái diễn đối với người đã chấp hành xong biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, hoàn thành thời gian phạt tù (khoản 2 Điều 24 Dự thảo) cần được cân nhắc vì: (1) trái với nguyên tắc "Thực hiện đồng bộ các biện pháp, phòng chống bạo lực gia đình" (khoản 1 Điều 5 Dự thảo); (2) Có thể trùng và trái với các quy định về tái hòa nhập cộng đồng đối với những người đã chấp hành xong án phạt tù được quy định tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự. Trong đó đề cao việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
5. Việc đưa "Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư" lên vị trí số một trong số các "Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình" cần được nghiên cứu thêm. Thực tế cho thấy hiệu quả hoạt động của các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hiện nay không cao. Xác định vị trí của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng như Dự thảo Luật ngày 25 tháng 2 năm 2022 chỉ thực sự hiệu quả nếu có "quy định cứng" rằng công an cấp xã là người bảo vệ địa chỉ tin cậy ở cộng đồng khi có nạn nhân đến tạm lánh và mỗi xã, phường, thị trấn chỉ xây dựng một địa chỉ tin cậy.
* Trích tham luận tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm:
Chính sách 1: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình;
Chính sách 2: Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình;
Chính sách 3: Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Dự thảo Luật tăng 16 Điều, 29 Điều được sửa đổi, bổ sung, 33 Điều được quy định mới.