Hậu thượng đỉnh Mỹ-Triều: Một đời người chờ đợi vẫn chưa thấy hòa bình

01/03/2019 - 07:15
66 năm kể từ khi 2 miền Triều Tiên hưu chiến, những gia đình ly tán trên bán đảo này vẫn mỏi mòn chờ ngày đoàn tụ. Họ đã phải trải qua cả đời người để mong đợi hòa hợp dân tộc. Những hội nghị thượng đỉnh liên tiếp diễn ra thời gian qua dù chưa hiện thực hóa việc chấm dứt chiến tranh nhưng nhen nhóm hy vọng cho những gia đình ly tán.
Nỗi đau chia cắt
 
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28/2/2019 được cả thế giới mong đợi. Các nước đã rất hoan nghênh cuộc gặp gỡ hai bên tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đạt được tại thượng đỉnh lần một ở Singapore để tiến tới thúc đẩy cho một tương lai tốt đẹp hơn trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên đã có thời gian thảo luận rất hiệu quả và tích cực; tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.  
trump-kim-bat-tay-lich-su-1.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội

  

Việc Mỹ - Triều không thể tìm thấy tiếng nói chung đã "dập tắt" hy vọng của nhiều người về một hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh giữa 2 miền Triều Tiên gần 70 năm qua. Cuộc chiến 1950 - 1953 giữa 2 miền Triều Tiên mới kết thúc chỉ với một thỏa thuận ngừng bắn (đình chiến). Điều đó đồng nghĩa với việc Hàn Quốc và Triều Tiên hiện nay vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên trên thực tế chỉ diễn ra trong 3 năm nhưng với tình trạng kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến khiến tình hình giữa 2 miền Triều Tiên luôn lúc nóng, lúc lạnh kéo dài suốt 66 năm qua. Đặc biệt, với việc Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân khiến cho tình hình cả khu vực luôn căng thẳng.
Trong từng ấy thời gian, người dân hai miền Triều Tiên đã chịu quá nhiều nỗi sợ hãi, đau khổ, mất mát, chia ly mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục được. Vì lẽ đó mà khát vọng về một nền hòa bình, hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên luôn cháy bỏng và thôi thúc người dân hai miền hơn lúc nào hết. Đặc biệt, với việc chia cắt 2 miền, rất nhiều gia đình trên bán đảo Triều Tiên lâm vào tình trạng ly tán. 66 năm dài đằng đẵng, ước vọng đoàn tụ của họ vẫn chưa chạm tới được ước vọng hòa bình thống nhất giữa hai miền. Christine Ahn, một nhà hoạt động vì hòa bình và là người sáng lập tổ chức Women Cross DMZ (Phụ nữ đi bộ qua khu vực phi quân sự liên Triều DMZ) đã thốt lên: "Chúng ta không thể để hòa bình giữa hai quốc gia vẫn trong tình trạng chiến tranh suốt gần 70 năm qua bị loại bỏ như vậy", cô cho biết.
 
Câu chuyện ông bà Lee Ok Yeon và Chae Hoon Sik là những nỗi đau khắc khoải khi bán đảo Triều Tiên vẫn chưa đạt được hòa bình. Thuở trước, chỉ vừa kết hôn không bao lâu thì cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950. Cách đây 70 năm, khi hương lửa mặn nồng ngắn chẳng tày gang, đôi vợ chồng trẻ thất lạc bởi ranh giới khu phi quân sự chia cắt giữa 2 miền Triều Tiên tại vĩ tuyến 38. Đó là 7 thập niên mịt mù họ ngóng chờ nhau. Tháng 8/2018, với quan hệ tích cực đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Triều Tiên, 2 miền đã tổ chức được cuộc đoàn tụ giữa các gia đình ly tán dù thời gian bên nhau chỉ tính bằng ngày, bằng giờ. Ngày gặp lại nhau sau 70 năm, nước mắt tủi hờn cứ rơi. “Lỗi của anh. Nếu như biết trước sự thể như thế này, không đời nào anh rời xa người vợ nhỏ bé của anh dù chỉ một bước chân", ông Chae nức nở, chìa đôi bàn tay nay đã nhăn nheo đầy những đồi mồi về phía người vợ. Còn bà Lee vỡ òa: "Em luôn nuôi hy vọng đến ngày biên giới lại mở ra, em và con sẽ tức tốc về nhà tìm anh. Giá như anh ở đó, giá như anh được ôm trong tay đứa con trai của chúng ta". Câu chuyện của ông bà Lee Ok Yeon và Chae Hoon Sik còn buồn hơn khi người con trai của họ đã qua đời trong những năm tháng chiến tranh.
 
lee-ok-yeon-chae-hoon-sik.JPG
Ông bà Lee Ok Yeon và Chae Hoon Sik xót xa ngày gặp lại

  

Những cuộc đoàn tụ là cơ hội hiếm hoi để người dân Hàn Quốc và Triều Tiên có thể gặp lại người thân của mình sau hàng chục năm ly tán bởi chiến tranh. Nhiều người đã không còn sống để chờ đợi cơ hội đoàn tụ. Những người Triều Tiên và Hàn Quốc bị ly tán gia đình đều đã “gần đất xa trời”. Họ vẫn đang mòn mỏi mong chờ giây phút đoàn tụ gia đình sau hơn 2/3 thế kỷ bị chia cắt.
Các số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc cho thấy, số người nộp đơn xin đoàn tụ gia đình là 132.124 người, trong đó chỉ còn khoảng hơn 1/3 số người còn sống (57.000 người). Có lẽ ít ai có thể cảm nhận sâu sắc nỗi buồn này như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vì ông Moon cũng là con trai của một gia đình tị nạn từ Triều Tiên. Ông Moon cũng đã cùng mẹ của mình tham gia vào cuộc đoàn tụ được tổ chức năm 2004. Đó là lần đầu tiên mẹ ông được gặp lại em gái mình sau chiến tranh và cũng là lần đầu tiên ông được gặp dì của mình.
 
kim-moon.jpg
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

 

Những gia đình ly tán vẫn tiếp tục chờ đợi
 
Sau những thông điệp làm hòa bất ngờ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày đầu năm 2018, các nhà ngoại giao Hàn Quốc đã tất tả ngược xuôi với những chuyến công tác con thoi. Đi cùng sự bận rộn của giới ngoại giao là những tiến triển đáng ngạc nhiên trong quan hệ liên Triều, mà đỉnh cao là cuộc hội đàm với kết quả đột phá không ngờ giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 27/4/2018.
Tiếp đó, ngày 19/9/2018, tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu tiên vạch ra một lộ trình cụ thể hơn về phi hạt nhân hóa, trong đó đề cập khả năng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon; đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử tên lửa của nước này. Đây được xem là một bước tiến dài so với Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore tháng 6/2018.
8 tháng sau, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được tổ chức tại Hà Nội. Cả thế giới đổ dồn về hội nghị này. Việc hai nhà lãnh đạo không ra được tuyên bố chung được xem là một bất ngờ so với những kỳ được kỳ vọng trước đó. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump khẳng định dù không có tuyên bố chung nhưng 2 bên đã làm việc hiệu quả và gần nhau hơn. Hai bên vẫn giữ quan hệ tốt và “chúng tôi không phải đường ai nấy đi”.
 Những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump tiếp tục nuôi hy vọng hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nhìn lại những con người trong các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh suốt gần 70 năm qua thì liệu họ có còn quỹ thời gian để tiếp tục chờ đợi?
cho-doi-doan-tu-3.jpg
Đoàn tụ giữa các gia đình ly tán ở hai miền Triều Tiên. Ảnh: AP

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm