Khai thác tốt nguồn lực văn hoá để phát triển thương mại vùng dân tộc thiểu số

TS. Nguyễn Minh Phong
08/12/2022 - 16:02
Khai thác tốt nguồn lực văn hoá để phát triển thương mại vùng dân tộc thiểu số

Hoạt động văn hoá - du lịch là nguồn lực giúp phát triển thương mại vùng miền núi, dân tộc thiểu số

Tại buổi toạ đàm mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, có ý kiến hiến kế để tận dụng hiệu quả các hoạt động phát triển văn hóa - du lịch nhằm phát triển thương mại vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Hiện nay, nước ta đang có sự phát triển theo hướng cộng hưởng giữa du lịch và nông nghiệp; đặc biệt là các hoạt động quảng bá văn hoá các vùng miền gắn với du lịch nông nghiệp. Qua đó giúp cho thay đổi dần quy mô, tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch; tạo ra sự trải nghiệm mới cho du khách. Đồng thời cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn, hiệu quả cao hơn.

Văn hóa luôn là một nguồn lực và nếu chúng ta khai thác tốt sẽ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ và có các bước triển khai hiệu quả, cụ thể:

Trước hết, ở cấp độ quốc gia, đã đến lúc Chính phủ cần có những chỉ đạo để các bên hữu quan thống nhất những nhận thức, cách làm, tư tưởng và thậm chí là có những bản ký kết mang tính chất liên ngành để hình thành, phát triển một loại sản phẩm, dạng phối hợp giữa phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm, xây dựng nông thôn mới. Qua đó tăng cường hỗ trợ tiêu thụ và nâng cao hiệu quả các sản phẩm của các vùng miền này.

Thứ hai, cần phải hoàn thiện thêm hệ thống văn bản pháp lý có liên quan tới hoạt động gắn kết du lịch – văn hoá với nông nghiệp, thương mại để có sự điều phối, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau.

Khai thác tốt nguồn lực văn hoá để phát triển thương mại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Thứ ba là hệ thống giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống mạng internet cần phải được mở rộng hơn. Chúng tôi rất ấn tượng với những gia đình, hộ gia đình ở miền núi, vùng sâu, vùng xa khi có Internet, họ lập tức tổ chức kênh Youtube riêng, những facebook để quảng bá ra toàn thế giới, khách du lịch trực tiếp đến tại nhà họ mà không cần thông qua những công ty chuyên nghiệp hướng dẫn.

Thứ tư là việc xây dựng các danh mục sản phẩm là cực kỳ quan trọng. Hiện nay chúng ta xây dựng tốt danh mục OCOP; danh mục sản phẩm du lịch; tuy nhiên danh mục liên đới giữa OCOP với du lịch thì chưa được định danh. Chúng ta cần có danh mục như vậy để mỗi địa phương có sự sáng tạo, bổ sung và từ đó làm gia tăng các danh mục hàng hóa, sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của các địa phương lên, nó tạo ra sự kết hợp và cộng hưởng.

Thứ năm là hình thức tổ chức cần được chia sẻ, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng, hoàn thiện hơn. Từ đó tạo ra những hiệu ứng tích cực, hướng vào những yêu cầu như vậy để khai thác được những thị trường khổng lồ, vừa xuất khẩu được, vừa tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông nghiệp, hàng hoá truyền thống.

Thứ sáu, công tác quảng bá về sản phẩm hàng hoá vùng miền núi, các danh mục cho đối tượng khách hàng tiềm năng, và quảng bá theo hướng giáo dục, bồi dưỡng cho bà con ở những vùng miền để họ hiểu biết và có tâm thế, kiến thức thị trường, kiến thức phục vụ, làm dịch vụ...

Khai thác tốt nguồn lực văn hoá để phát triển thương mại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Toàn cảnh toạ đàm

Đặc biệt, phải lấy mục tiêu, lợi ích quốc gia, lợi ích của địa phương, lợi ích của người dân và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp là những mục tiêu ưu tiên để bảo vệ. Ngoài những mục tiêu khác vấn đề môi trường, về giữ gìn về văn hóa thì phải có những sự phân tầng, trong từng thời điểm, lĩnh vực, từng sản phẩm, nên có sự nhìn nhận sâu hơn để tổ chức cũng như xử lý các cơ chế bên trong phù hợp.

Trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, cho sản phẩm và đặc biệt là phải thổi hồn văn hóa vào cho các sản phẩm. Mỗi một sản phẩm có lịch sử của nó, có những tình tiết và sức hấp dẫn riêng về mặt văn hóa. Nếu chúng ta thổi hồi vào và lan tỏa thì sẽ thu hút được du khách một cách bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm