Làm rõ giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19

PVH
07/11/2023 - 18:09
Làm rõ giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (trái), Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, chất vấn và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Đây là nội dung mà đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chiều 7/11; đồng thời đại biểu cũng nêu rõ nhiều mục tiêu trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới còn vướng mắc trong thực hiện.

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, các đại biểu tập trung nêu câu hỏi với các vấn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Chất vấn về lĩnh vực lao động, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu có chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về những giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo thực hiện Nghị quyết giám sát của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này.

Trong bối cảnh chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều mục tiêu trong chiến lược còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện  đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nội dung chất vấn trên đã được giải quyết như thế nào?

Về chất vấn của đại biểu liên quan đến lao động nữ, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may. Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án và đã trình bước đầu với Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bộ cũng đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và giao Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp.

Làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài

Quan tâm tới lĩnh vực lao động, đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho biết: Qua báo cáo của Chính phủ, có 5% số lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài trong tổng số 142.799 lao động cả nước hiện nay. Đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài?

Để nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài nhằm tìm kiếm, khai thác ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới? Đặc biệt là công tác tuyên truyền đào tạo, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia làm việc, lao động ở nước ngoài.

Làm rõ giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, nêu câu hỏi chất vấn

Trả lời đại biểu, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBN&XH, cho biết: Việc đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm: học nghề, học ngoại ngữ...

Về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng, một trong những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kinh tế - xã hội nhiều năm đã chỉ ra chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Theo Báo cáo của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trách nhiệm của Bộ và giải pháp trong thời gian tới?

Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này nhưng kết quả đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tìm giải pháp cho vấn đề này.

Làm rõ giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu vừa qua mà 2-3 nhiệm kỳ không đạt và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập đến 4 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, công nghệ đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; thứ 2, vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia để xây dựng nền tảng sản xuất, chế biến; thứ 3, nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động; Thứ 4, kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển và năng suất lao động cao, thường tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp.

Vừa qua, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có phân công rất rõ ràng, Đề án về nâng cao năng suất lao động giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ; Đề án nâng cao năng suất, đặc biệt đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì.

Làm rõ giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Về hệ thống đào tạo trường nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận những hạn chế của Bộ trong vấn đề này, đồng thời nêu rõ: hiện nay toàn bộ các trường nghề thì ở địa phương quản lý nhà nước trực tiếp và chủ quản. Còn 99 trường nghề do các bộ, ngành quản lý trực tiếp. Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản: tuyên truyền, nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, các phụ huynh, người học; sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới; chuyển đổi cơ cấu lao động; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thị trường; kết nối doanh nghiệp và đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề, đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm