pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm thế nào để phát hiện ra trẻ bị sụp mí bẩm sinh?
Sụp mí bẩm sinh nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, mắt trẻ sẽ trở lại trạng thái bình thường nhanh nhất. Ở người lớn, sụp mí bẩm sinh không những gây thiếu thẩm mỹ mà còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho mắt.
1. Sụp mí bẩm sinh là gì?
Sụp mí bẩm sinh là một bệnh lý của mắt, có thể gặp ở cả hai mắt hoặc một mắt. Hiện tượng sụp mí bẩm sinh không còn quá lạ lẫm với mọi người. Theo đó, sụp mí bẩm sinh là tình trạng mí mắt phía trên bị thấp, mang lại cảm giác ủ rũ và nặng nề xuống phía dưới.
Bệnh lý của mắt này có thể mang tính chất di truyền từ bố mẹ sang đời con cháu. Khi bé mắc sụp mí bẩm sinh, các nếp nhăn ở mí mắt trên có thể xuất hiện không đối xứng. Theo thời gian, mí mắt trên ngày càng chảy xệ xuống. Với những bé mắc bệnh sụp mí thường ngửa đầu ra sau để cố gắng nhìn, hoặc bé nhướng mày nhiều để cố nâng mi lên, đồng thời tăng tiết nước mắt. Nếu không được phát hiện và chữa trị, sụp mí bẩm sinh có thể gây ra dị tật ở đầu và cổ.
Không những vậy, sụp mí còn có thể che chắn một phần hoặc thậm chí hoàn toàn tầm nhìn của bé do mắt bị ảnh hưởng. Thông thường, tình trạng này xảy ra đồng thời với chứng loạn thị do mí mắt nằm ở vị trí bất thường trên đỉnh giác mạc. Vì vậy, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị giảm thị lực.
2. Biểu hiện lâm sàng của sụp mí mắt bẩm sinh
Với các bệnh lí về mắt, cụ thể là sụp mí mắt, sụp mí bẩm sinh chiếm đa số, chiếm tới 75% các trường hợp sụp mí.
Theo đó, hiện tượng sụp mí bẩm sinh xuất hiện ngay khi sinh. Triệu chứng nổi bật của tình trạng này là mi mắt bị sụp xuống ở các mức độ khác nhau tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bố mẹ của bé dễ dàng nhận thấy mắt sụp mi nhỏ hơn do da mi bị sa xuống.
Hơn nữa, khi quan sát sẽ thấy, trẻ không có nếp mí rõ ràng và khi trẻ nhìn xuống, mi trên ít cử động. Ở những trường hợp sụp mí bẩm sinh nặng, trẻ có thể phải nhăn trán hay ngửa cổ ra sau để nhìn.
Thông thường, sụp mí bẩm sinh chỉ là đơn thuần nhưng cũng có trường hợp sụp mí là dấu hiệu đi kèm với các bệnh lý toàn thân khác nên tốt nhất cần được khám mắt và các bộ phận khác đầy đủ. Theo các thống kê, bé bị sụp mi có thể có tới 25% trường hợp bị nhược thị do mi che hoặc loạn thị do sụp mi gây ra.
3. Nguyên nhân gây ra sụp mí bẩm sinh
Theo các nghiên cứu, tình trạng sụp mí bẩm sinh là do những nguyên nhân dưới đây:
- Sụp mí bẩm sinh do cơ:
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, theo đó các sợi cơ nâng mi đã có số lượng ít hoặc rất ít, hoặc bị thay thế bởi các tổ chức xơ dính và mỡ gây ra tình trạng sụp mí. Biểu hiện cụ thể ở trường hợp này là mất nếp mí, mỡ mí mắt, xuất hiện các nếp nhăn ở trán.
Ngoài ra, cũng có trường hợp bẩm sinh bé đã bị khối u ở phần trên hốc mắt hoặc các bộ phận lân cận chèn ép, làm biến dạng và khiến cho mí mắt bị sụp xuống.
- Sụp mí do thần kinh:
Trong quá trình hình thành và phát triển, phôi thai gặp phải một số triệu chứng bất thường như liệt dây thần kinh số III, liệt cơ Muller, giảm sắc tố mống mắt...cũng gây nên sụp mí bẩm sinh.
- Chấn thương sản khoa:
Những người mẹ sinh thường mà chuyển dạ khó, khó sinh cũng là nguyên nhân gây nên sụp mí bẩm sinh. Biểu hiện cụ thể của trường hợp này là nếp mí bị nâng cao, mí mắt không rõ.
- Hội chứng chít hẹp mi hoặc mi góc:
Nguyên nhân này mang tính chất di truyền từ đời này sang đời khác với biểu hiện cụ thể là bị sụp mi, ngắn khe mi hoặc nếp rẻ quạt giữa khoảng cách hai mắt ngược, mũi thấp,…
- Hội chứng Marcus Gunn:
Hội chứng này là do sự sai lệch bất thường của các tế bào thần kinh giữa hàm và mí mắt, gây nên sụp mí bẩm sinh.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng sụp mí bẩm sinh. Sụp mí bẩm sinh có thể là bệnh lý về mắt thông thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi trẻ bị sụp mí cả hai bên mắt.
Vì thế, cách tốt nhất là cho trẻ làm xét nghiệm bổ sung để loại trừ các vấn đề lớn hơn như bất thường về chuyển động của mắt, bệnh về cơ, u mi mắt hoặc rối loạn thần kinh.
4. Các cấp độ của sụp mí bẩm sinh
Sụp mí bẩm sinh được phân chia thành 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng. Cụ thể:
- Mức độ nhẹ (cấp độ 1): Sụp mí bẩm sinh ở mức độ nhẹ có biểu hiện bờ mi mới chỉ “mấp mé” tại sát đồng tử mắt. Ở cấp độ này, thị lực của mắt không bị ảnh hưởng, tuy nhiên ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ.
- Mức độ trung bình (cấp độ 2): Ở cấp độ này, biểu hiện cụ thể là sụp mí bẩm sinh là khoảng cách tại bờ mi tới con ngươi bị thu hẹp lại, tuy nhiên chưa vượt qua trung tâm con ngươi. Với mức độ này, thị lực của mắt bị ảnh hưởng, đồng thời gây mất cân đối trên gương mặt.
- Mức độ nặng (cấp độ 3): Với mức độ nặng, người bệnh phải nhướng mắt, ngước mi để quan sát vì lúc này mi bị che khuất vượt quá trung tâm con ngươi.
- Mức độ trầm trọng (cấp độ 4): Đây là mức độ nặng nhất của sụp mí bẩm sinh với biểu hiện là bờ mi che lấp con ngươi khiến người bệnh không thể nhìn thấy sự vật xung quanh.
5. Hậu quả của sụp mí bẩm sinh
Sụp mí bẩm sinh như đã nói do nhiều nguyên nhân và có nhiều mức độ khác nhau. Từ đó, gây ra những hậu quả khác nhau. Cụ thể:
- Sụp mí bẩm sinh gây cản trở thị lực, khó nhìn rõ mọi vật xung quanh dù là ở vị trí gần nhất. Nếu để tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ dẫn đến nhược thị, lác mắt, ảnh hưởng đến quá trình học tập và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Không những vậy, nếu không được điều trị kịp thời, người bị nhược thị sẽ bị che lấp tầm nhìn, ảnh hưởng đến thị lực. Sụp mí bẩm sinh còn khiến trẻ tự ti về ngoại hình khi sở hữu đôi mắt bất cân xứng.
- Sụp mí bẩm sinh nếu không được phát hiện kịp thời còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh vì sụp mí có thể là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng khác. Cụ thể, sụp mí có thể là biểu hiện của bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh não số III...
6. Phương pháp điều trị sụp mí bẩm sinh
Súp mí bẩm sinh không tự khỏi và cũng không trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu như đó là bệnh lý về mắt thông thường.
Tùy theo nguyên nhân và cấp độ, sụp mí bẩm sinh có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau. Cụ thể, các phương pháp được dùng để điều trị sụp mí bẩm sinh là:
- Cắt ngắn cơ nâng mi trên: Phương pháp này được khuyến khích thực hiện khi chức năng cơ nâng mi trên trung bình hoặc tốt. Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ xác định chính xác lượng cơ cần cắt để đôi mắt trở về trạng thái tự nhiên.
- Treo mi mắt lên với cơ trán: Phương pháp này được sử dụng để điều trị sụp mí bẩm sinh khi chức năng cơ nâng mi trên yếu, Theo đó, các bác sĩ sẽ làm phẫu thuật treo mi trên vào cơ trán bằng các chất liệu như vạt cơ trán, silicon, dây treo sinh học… Đây là một phương pháp đơn giản, được nhiều người áp dụng.
Lưu ý, nếu sụp mí nghiêm trọng làm cản trở tầm nhìn thì cần phẫu thuật khẩn cấp và chỉ phẫu thuật khi trẻ được ít nhất 3 tuổi.
Ngoài ra, khi điều trị sụp mí bẩm sinh, bệnh nhân cần nhỏ nước mắt nhân tạo thường xuyên trong vòng 3 đến 6 tháng để tránh tình trạng khô kết giác mạc, nhất là khi ngủ. Người bệnh cũng cần tập nhắm mắt, tra thuốc mỡ kháng sinh, tránh ngủ dưới quạt máy, không dụi mắt, ấn mạnh hay tì đè vào vùng trên mắt.
7. Chăm sóc sau phẫu thuật sụp mí bẩm sinh
Chăm sóc sau phẫu thuật sụp mí bẩm sinh đúng cách sẽ giúp mắt hồi phục nhanh hơn. Theo đó, sau khi phẫu thuật nên băng lại bằng urgo nhỏ. Sau khi gỡ bỏ băng, dùng gạc thấm nước muối lau sạch vết khâu sau đó tra mỡ kháng sinh lên trên đường khâu để tránh tình trạng nhiễm khuẩn.
Dưới đây là những lưu ý sau khi phẫu thuật sụp mí bẩm sinh:
- Sau phẫu thuật, mắt sưng và tím trong vài ngày đầu là hiện tượng bình thường.
- Nên chườm mát từ 3 đến 5 lần/ngày, mỗi lần 10 phút trong 2 ngày đầu sau phẫu thuật. Đến ngày thứ 3 -5, nên chườm nước ấm,chườm 3 đến 5 lần/ngày, mỗi lần 10 phút để giảm sưng.
- Dùng thuốc theo đơn bác sĩ, không tự ý mua thuốc ở ngoài.
- Luôn giữ mắt khô thoáng, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý.
- Tuyệt đối không để nước dính vào vùng mắt trong 5 ngày đầu sau khi phẫu thuật.
- Không tác động mạnh lên mắt, không gãi dụi mắt, hạn chế dùng các thiết bị điện tử.
- Về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân nên tăng cường ăn các loại rau xanh, hoa quả tươi, không ăn các thực phẩm cay nóng hay dùng các chất kích thích, tránh các thực phẩm dễ gây sẹo như: rau muống, đồ nếp,… trong 1 tháng đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tránh các thực phẩm gây kích ứng như tôm, cua, các loại hải sản khác,…