Lao động nữ băn khoăn với phương án tiền lương đóng bảo hiểm xã hội nâng lên

PV
13/03/2023 - 20:36
Lao động nữ băn khoăn với phương án tiền lương đóng bảo hiểm xã hội nâng lên

Còn ý kiến trái chiều về đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Ảnh minh hoạ

Nếu quy định mới được sửa theo hướng mở rộng hơn các khoản thu nhập khác để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ khiến người lao động lo lắng.

Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, việc đề xuất 2 phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều.

Trong thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Ban soạn thảo đã đề xuất 2 phương án quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, theo phương án 2, các khoản "bổ sung khác" bao gồm cả khoản đã xác định trước và các khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động cũng được tính đóng BHXH. Theo đó, tiền lương đóng BHXH của người lao động nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Thực tế, không ít người lao động tỏ ra băn khoăn với đề xuất này. Chị Trần Thị Linh, ở phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên), cho biết: Làm công nhân cho doanh nghiệp điện tử được hơn 7 năm, mức thu nhập của chị tăng cao hơn chủ yếu là nhờ tiền làm thêm giờ, tiền tăng ca không xác định được mức tiền cụ thể và không thường xuyên, các loại tiền thưởng, tiền chuyên cần... Chị được biết, những khoản này không phải đóng BHXH.

Nếu quy định mới được sửa theo hướng mở rộng hơn các khoản thu nhập khác để đóng BHXH sẽ khiến người lao động lo lắng. Chị Linh chia sẻ, với lao động nữ đang nuôi con nhỏ, sống xa quê phải chịu nhiều áp lực tài chính. Trong khi chi phí sinh hoạt, nuôi con ngày càng tăng cao, khiến cuộc sống của công nhân thêm khốn khó. 

Chị Linh bày tỏ quan điểm: Vật giá ngày càng tăng cao, lương công nhân không tăng theo kịp. Chị đề xuất giữ nguyên mức tính đóng BHXH như hiện nay, để đời sống người lao động ổn định hơn sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Băn khoăn với 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH - Ảnh 1.

Bữa cơm của gia đình công nhân Trần Thị Linh, ở phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên). Ảnh: PVH

Ngược lại, cũng không ít lao động cho rằng, BHXH là để lo cho "đường dài", việc đóng ở mức cao cũng đồng nghĩa mức lương hưu cao hơn, có thể đảm bảo cuộc sống bền vững khi về già. Chị Nguyễn Thuý Hằng, Trưởng phòng nhân sự của một công ty logictics tại Hà Nội, cho biết: Nếu quy định mở rộng tiền lương căn cứ đóng BHXH cả với các khoản bổ sung khác thì bản thân người lao động cũng được lợi. Mức đóng cao thì quyền lợi được cao hơn, nhất là các khoản phụ cấp thất nghiệp, chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng phải được cao hơn. Chị Hằng cho rằng "mọi người đang lo ngại mỗi tháng bị giảm đi vài trăm nghìn tiền thu nhập để đóng thêm vào BHXH mà quên mất những chế độ được hưởng tăng lên lúc rủi ro ốm đau, thai sản... thì thật đáng tiếc".

Trên thực tế, tăng mức đóng BHXH, chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, sẽ khiến không ít doanh nghiệp tìm cách lách luật nhằm giảm mức đóng BHXH cho người lao động. Chị Hà An, công ty M.B Hà Đông, cho biết: Quy định hiện hành vẫn có khoảng trống, doanh nghiệp có thể "biến đổi" tiền lương người lao động sang các khoản thu nhập khác như khoán sản phẩm, tăng năng suất lao động, lương chuyên cần, tiền thưởng tháng, quý… để không phải đóng BHXH. Hoặc chủ doanh nghiệp và chính người lao động thoả thuận để chỉ lấy riêng tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.

Theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc như:

- Thưởng; Tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca;

- Các khoản hỗ trợ như: Xăng xe; Điện thoại; Đi lại; Tiền nhà ở; Tiền giữ trẻ; Nuôi con nhỏ.

- Hỗ trợ khi người lao động: Có thân nhân bị chết; Có người thân kết hôn; Sinh nhật của người lao động.

- Trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định.

Theo chị An, chi phí nhân công và mức đóng BHXH cho người lao động (trong khoảng 26%, doanh nghiệp đóng 18%, còn lại người lao động đóng 8%), với những khoản chi lương, phụ cấp, phúc lợi xã hội cho người lao động đều được doanh nghiệp hoạch toán vào chi phí sản xuất, hàng hoá, sản phẩm. Khi doanh nghiệp lách luật để giảm mức đóng BHXH, thậm chí chậm đóng, trốn đóng, thì phần thiệt thòi vẫn luôn là người lao động vì quyền lợi không được bảo đảm.

Ngoài ra, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cũng đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Theo đó, điều kiện hưởng chế độ hưu trí sửa đổi theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).

Đồng thời sổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; cụ thể: Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con, do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm