Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, đoàn Bình Dương, bày tỏ băn khoăn việc thực thi pháp luật đối với lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp. Dẫn kết quả thanh tra, kiểm tra ở 152 doanh nghiệp dệt may, có tới 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến lao động nữ, chiếm 36%. Có tới 6 địa phương trong tổng số 12 địa phương được thanh tra có các doanh nghiệp vi phạm (chiếm 50%). Đại biểu Hạnh khẳng định: “Việc vi phạm chính sách pháp luật đối với lao động nữ trong doanh nghiệp là khá phổ biến; nhưng chưa thấy kết quả xử lý các vi phạm này”. Điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự nghiêm minh của pháp luật. Đại biểu này đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh tình hình này trên thực tế, không chỉ riêng đối với bình đằng giới mà cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo báo cáo việc thực hiện Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới, chỉ tiêu hằng năm trong tổng số người lao động được tạo việc làm phải đảm bảo ít nhất 40% cho mỗi giới. Việc thực hiện chỉ tiêu này được đánh giá là đạt và vượt, nhưng đại biểu Bích Hạnh cho rằng: Chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững. Lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, làm việc trong các ngành thâm dụng lao động. Số liệu báo cáo cho thấy 70% lao động nữ làm việc trong các ngành lĩnh vực như dịch vụ, dệt may; có 41,1% lao động nữ làm công việc giản đơn. Tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm ở lao động nữ cao hơn nam; thu nhập bình quân lại thấp hơn 10,7% so với lao động nam.
Đặc biệt, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên đang là vấn đề nổi lên trong thị trường lao động. Theo đại biểu Hạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở cả phía người sử dụng lao động, người lao động và từ phía các quy định của pháp luật cũng chưa thật sự chặt chẽ. Nhưng dù là nguyên nhân nào thì nguyên nhân sâu xa nhất cũng xuất phát từ năng lực của người lao động. Đặc biệt, trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều dự báo cho thấy lao động nữ làm công việc giản đơn sẽ chịu nhiều tác động bất lợi, dễ bị mất việc làm do sự thay thế của công nghệ. Vì vậy, để đảm bảo bình đẳng thật sự trong lĩnh vực lao động việc làm, tôi đề nghị cần có giải pháp về đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho lao động nữ. Đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ và cũng để xây dựng các chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Về vấn đề việc làm và đào tạo nghề, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề về xã hội thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chênh lệch đáng kể giữa nam 82,4% và nữ 72,25% và không đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo từ 17,3% năm 2015 tăng lên 18% năm 2016, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với nam. Nữ giới chiếm 44,9% tổng số người thất nghiệp và 52,2% tổng số người thiếu việc làm, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng: Hạn chế trên có nguyên nhân từ việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ. Trong Chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng như trong quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của nhiều ngành, địa phương “mới chỉ đề cập đến vùng, miền, ngành nghề lĩnh vực mà chưa có quy định mang tính đặc thù cho phụ nữ và nguồn nhân lực nữ”.
Theo đại biểu này, cần có chính sách mang tính đặc thù cho sự phát triển nguồn nhân lực giới, xác định trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng. Phát huy vai trò tiềm năng của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Đồng thời tiếp tục xây dựng tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp chính sách tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình. Cụ thể là chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo bồi dưỡng dậy nghề có chứng chỉ. Các chính sách khuyến khích hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp, chính sách khởi nghiệp, chính sách thai sản cho phụ nữ không có bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Xung quanh ý kiến sa thải lao động trong doanh nghiệp FDI nhất là phụ nữ sau 35 tuổi, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Đến nay, khu vực FDI có khoảng 2,6 triệu người lao động, một lực lượng lao động rất quan trọng. FDI không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội mà còn góp phần rất quan trọng trong giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Các tập đoàn sử dụng đông lao động nữ đã có nhiều đổi mới chăm lo cho người lao động. Tuy nhiên, cũng một số nơi chưa tốt, thậm chí có những nơi còn phát thẻ cho công nhân đi vệ sinh, 100 người trong buổi sáng chỉ có 3 thẻ, tranh nhau đi vệ sinh. Chính phủ đã cho kiểm tra và tiến hành xử phạt.
Theo ông Đào Ngọc Dung, 9 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 523.888 người, trong đó nữ là 293.681 người. Riêng ở TP HCM cũng chỉ có 12% số lao động nằm ở trong FDI. “Nếu đánh giá 80% doanh nghiệp FBI khu vực này sa thải hay vì nhiều lý do để công nhân không có việc làm và không ổn định, thì cần cẩn trọng để đánh giá cho đầy đủ”.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Đào Ngọc Dung, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động vào Việt Nam, nhân lực nữ lao động Việt Nam có nguy cơ mất việc rất cao đối với các ngành nghề như dệt may, giày da do máy móc thay thế tới 85% lao động. Điều này Chính phủ rất quan tâm và đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn và khu vực phi chính thức.