Liệu đồ uống chứa đường có phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì?

Minh Nguyệt
19/07/2024 - 13:44
Liệu đồ uống chứa đường có phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì?

Ảnh minh họa

Gần đây, đề xuất tăng thuế đối với đồ uống có đường đã gây ra nhiều tranh cãi về hiệu quả của biện pháp này trong việc kiểm soát thừa cân béo phì. Liệu việc tăng thuế có thực sự làm giảm thừa cân béo phì và các bệnh liên quan?

Thực tế, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp gây thừa cân béo phì (TCBP). Theo PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, báo cáo An ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN (2021) chỉ ra rằng tổng năng lượng trong khẩu phần ăn tại Việt Nam bao gồm ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), thực phẩm khác là (11,5%), rau và hoa quả (6,9%). Đường và đồ ngọt chỉ cung cấp ~3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chỉ ra rằng thừa cân béo phì là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, bao gồm chế độ ăn uống, lối sống ít vận động và yếu tố di truyền. Các loại thực phẩm có đường khác như bánh, kẹo cung cấp trên 300-400 kcal. Như vậy, đồ uống có đường không phải là yếu tố chính gây ra TCBP.

Ngoài ra, so với nước ngọt, những thực phẩm được trẻ em tiêu thụ nhiều hơn là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và các sản phẩm từ sữa. Lượng protein được học sinh các cấp tiêu thụ cũng đều vượt mức khuyến nghị. PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Thị Lâm cho rằng, không nên chỉ coi đồ uống có đường mới gây thừa cân, béo phì.

Liệu đồ uống chứa đường có phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì?- Ảnh 1.

Sử dụng nhiều đồ ăn nhanh cũng có thể là nguyên nhân gây thừa cân

Đối với tình trạng TCBP của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiến hành năm 2018 cho thấy, tỷ lệ TCBP ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

Hơn thế, người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, có thói quen tiêu dùng nhiều loại sản phẩm có đường khác từ những thực phẩm bao gói sẵn như bánh, kẹo, sữa, đồ uống từ ngũ cốc và rất nhiều các loại đồ uống từ đường phố như các loại trà sữa, cà phê, nước trái cây có thêm đường… nên việc xác định sản phẩm nào, mặt hàng nào trong nhóm các sản phẩm có chứa đường là nguyên nhân chính gây nên TCBP là rất khó.

Nhiều biện pháp khác để kiểm soát thừa cân béo phì hiệu quả

Nhiều quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường với mong muốn kiểm soát TCBP, song kết quả không phải lúc nào cũng tích cực. Tại Mexico, một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt vào năm 2014, nghiên cứu cho thấy mức tiêu thụ nước ngọt chỉ giảm nhẹ trong những năm đầu sau khi áp thuế, nhưng không có tác động đáng kể đến tỷ lệ TCBP.

Tại Chile, thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường được áp dụng từ năm 2014 nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ TCBP tại nước này vẫn gia tăng liên tục từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới. Ở Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia, và Brunei, tình hình cũng tương tự khi không có sự giảm đáng kể về tỷ lệ TCBP sau khi áp dụng thuế này.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), một số quốc gia như Đan Mạch và Na Uy đã bãi bỏ chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người tiêu dùng, trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Các nghiên cứu tại những quốc gia này cho thấy rằng thuế TTĐB có thể làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường trong ngắn hạn nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề TCBP. Những yếu tố khác như chế độ ăn uống tổng thể, lối sống, và giáo dục dinh dưỡng mới là những yếu tố quan trọng hơn trong việc kiểm soát TCBP.

Liệu đồ uống chứa đường có phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của iPOS, người Việt Nam đang có xu hướng giảm lượng đường tiêu thụ trong đồ uống. Khảo sát cho thấy 39,7% người dân miền Bắc, 31,7% người dân miền Trung, và 37,4% người dân miền Nam lựa chọn ít hoặc không sử dụng đường trong đồ uống của mình. Điều này phản ánh sự chú trọng đến sức khỏe ngày càng tăng của người Việt.

Việc tăng thuế đối với đồ uống có đường không phải là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để giảm TCBP và các bệnh không lây nhiễm. Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của đường và khuyến khích họ tự điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để xác định nguyên nhân chính gây ra TCBP và từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy rằng việc áp dụng thuế TTĐB không đủ để kiểm soát TCBP một cách hiệu quả, mà cần có sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau.

Đơn cử, một quốc gia đã thành công trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn về sức khỏe và khuyến khích toàn dân thực hành lối sống lành mạnh, đó là Nhật Bản. Ra đời vào năm 2008, đạo luật chống béo phì của Nhật Bản quy định chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 (áp dụng với những người từ 40-70 tuổi). Những người thừa cân hoặc có vòng eo lớn hơn so với quy định chỉ phải áp dụng chế độ dinh dưỡng của các nhà chức trách đưa ra. Sau 6 tháng kể từ chế độ ăn kiêng, nếu cân vẫn không giảm họ tiếp tục phải đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Chế độ ăn uống truyền thống gồm cá, rau và gạo kết hợp với văn hóa đi bộ và tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao là nguyên nhân giúp người Nhật có cuộc sống khỏe mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm