Loại test nhanh Hà Nội đang triển khai đại trà có phù hợp không?

Linh Trần
01/04/2020 - 18:38
Loại test nhanh Hà Nội đang triển khai đại trà có phù hợp không?
"Việc Hà Nội quyết định đầu tư cho việc lập trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh để nhằm mục đích tìm ra "xác suất, cách ly sớm người nhiễm, tránh mầm bệnh phát tán" là không phù hợp, TS. Nguyễn Hồng Vũ nói.

Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM, nơi có những ổ dịch lớn. Hà Nội đã triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn dịch, trong đó đưa ra phương án "lập 10 trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh của Hàn Quốc từ ngày 31/3".

Đây là bộ test do Hàn Quốc sản xuất và đang sử dụng. Thông qua lấy mẫu máu, test cho kết quả trong 10 phút. Chủ tịch UBDN TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc xét nghiệm nhanh trên diện rộng sẽ tìm ra "xác suất, cách ly sớm người nhiễm, tránh mầm bệnh phát tán".

Ngày 31/3, Hà Nội đã bắt đầu triển khai và ngay ngày đầu tiên đã lẫy 750 mẫu xét nghiêm, trong đó có 3 mẫu dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, sau khi được phân tích bằng test kỹ thuật PCR thì cho kết quả âm tính. Bộ Y tế cho biết, test nhanh cho kết quả chính xác từ 80-85%, còn kỹ thuật PCR độ chính xác 100%. Hiện nay, Bộ Y tế đều thực hiện kỹ thuật PCR xét nghiệm trước khi công bố ca bệnh.

Loại test nhanh Hà Nội đang triển khai đại trà có phù hợp không? - Ảnh 1.

Hà Nội đang triển khai test nhanh để xác định người nhiễm COVID-19

Về vấn đề trên TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope (California, USA) cho biết, dựa trên đối tượng phát hiện, sản phẩm kit xét nghiệm được chia ra làm 2 loại:

Loại 1: Sử dụng dịch từ que quẹt mũi hoặc họng để xác định trực tiếp sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 có trong người nghi nhiễm, dựa trên bộ gene RNA của chúng.

Loại 2: Sử dụng máu của người nghi nhiễm để tìm kiếm các kháng thể đặc hiệu được tạo ra trong cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi bị nhiễm. Do vậy, có thể xem đây là phương pháp xác định gián tiếp virus đã nhiễm vào người bệnh.

Điểm khác biệt quan trọng ở 2 loại xét nghiệm trên là thời gian!

Loại 1, với phương pháp xác định trực tiếp có thể phát hiện được virus rất sớm có trong cơ thể người nhiễm (chỉ vài ngày sau khi nhiễm). Còn với phương pháp xác định gián tiếp virus qua việc tìm kháng thể trong người nhiễm (loại 2) phải cần ít nhất 7 đến 10 ngày sau khi người này nhiễm virus.

Điểm khác biệt này là do kháng thể người được tạo ra từ các tế bào miễn dịch trong pha trễ của phản ứng miễn dịch có tên gọi là "miễn dịch đáp ứng". Nói cách khác, cần thời gian ít nhất từ 7 đến 10 ngày để cơ thể con người bắt đầu tạo ra kháng thể trong máu nhằm kháng lại tác nhân xâm nhập. Các kháng thể này có thể tiếp tục được tìm thấy trong máu ngay cả khi tác nhân gây bệnh đã bị tiêu diệt. Do vậy, dựa trên đặc điểm về thời gian thì phương pháp tìm kháng thể trong máu (loại 2) không có ý nghĩa trong việc phòng dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Ngược lại, việc sử dụng phương pháp 1 có thể gây kết quả âm tính giả trong 1 tuần đầu tiên nhiễm virus vì cơ thể chưa tạo được kháng thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi khi người mang kết quả âm tính giả này không được cảnh báo để thực hiện cách ly mà đi khắp nơi.

Do sự tạo ra kháng thể là hệ quả của việc nhiễm virus SARS-CoV-2 và phản ứng của cơ thể chống lại virus này, nên việc tìm thấy kháng thể chỉ có thể giúp xác định xem trong cơ thể người bệnh có tạo được kháng thể hay không, chứ không xác định được thực trạng người đó có còn virus trong cơ thể hay không.

Phương pháp xét nghiệm dựa trên việc sử dụng máu để tìm kháng thể đặc hiệu vẫn chưa chứng minh được tính hữu dụng của nó để áp dụng một cách đại trà nhằm mục đích phòng dịch. Do vậy, việc Hà Nội quyết định đầu tư cho việc lập trạm xét nghiệm dã chiến và đưa vào sử dụng bộ test nhanh để nhằm mục đích tìm ra "xác suất, cách ly sớm người nhiễm, tránh mầm bệnh phát tán" là không phù hợp, TS. Vũ nói.

Hiện nay, xét nghiệm dựa trên vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 hiện nay vẫn là tiêu chuẩn vàng để xác định người nhiễm virus và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa lây lan của bệnh dịch COVID-19.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm