Lý do Việt Nam chưa thử nghiệm Vaccine phòng SXH

30/08/2017 - 07:05
Vaccine phòng sốt xuất huyết đang được nghiên cứu và thử nghiệm ở Nam Mỹ nhưng Việt Nam vẫn chưa thử nghiệm loại vaccine này. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng giải thích thế nào?
Đó là chia sẻ của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về loại vaccine mới phòng sốt xuất huyết (SXH).

Theo ông Phu, hiện nay trên thế giới đang nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Dengvaxia phòng SXH tại Nam Mỹ. Tuy nhiên, do loại vacine này có tính miễn dịch chưa cao. Vì vậy, thế giới vẫn còn dè dặt khi đưa loại vacine này vào thử nghiệm tại các nước

Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng trăm ngàn người mắc SXH. Do chưa  có vaccine, thuốc đặc trị, trong khi đó môi trường, khí hậu thuận lợi cho muỗi vằn, loại muỗi truyền bệnh phát triển nên ngành y đã xác định người dân phải sống chung với SXH. Vì vậy, khi có thông tin thế giới đang nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phòng SXH, Bộ Y tế Việt Nam rất chú ý.

Tuy nhiên, để được lưu hành tại Việt Nam thì vaccine này cũng phải trải qua quá trình nghiên cứu lâm sàng, đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục dự kiến sẽ kéo dài hàng năm.

Trước đó, vaccine phòng SXH Dengue đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo là Dengvaxia (CYD-TDV) do Sanofi Pasteur sản xuất. Đây là vaccine tứ giá tái tổ hợp được tiêm 3 mũi theo lịch 0/6/12 tháng trong các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III. Vaccine  được dùng cho người tuổi từ 9 đến 45 sống ở vùng có dịch lưu hành.
1_393414.jpg
Ngành y tế Hà Nội phun hóa chất để diệt muỗi, ngăn ngừa SXH

Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã xem xét và khuyến cáo các nước cân nhắc dùng vaccine này vào chương trình tiêm chủng ở những khu vực dịch lưu hành cao.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước đã có hơn 100.000 người mắc SXH, trong đó 24 người tử vong. Hà Nội và TP. HCM là những nơi có số ca mắc SXH cao nhất với trên 20.000 ca cho mỗi thành phố.
 
Hiện tại, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy,…nhưng số bệnh nhân mắc SXH vẫn tăng.

SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, biện pháp phòng SXH tốt nhất vẫn là diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

 Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
 Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

 Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

 Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

 Phòng chống muỗi đốt:

Mặc quần áo dài tay.

Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm