pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mang thai ngoài kế hoạch: Cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên
Các đại biểu tham gia Lễ khởi động dự án mới về dữ liệu dân số và công bố Báo cáo Tình hình Dân số Thế giới năm 2022.
Với tổng kinh phí 1,9 triệu Đô-la Mỹ, thực hiện trong 5 năm, từ năm 2022 đến năm 2026, dự án được triển khai nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích, phổ biến dữ liệu và đảm bảo các chính sách, chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Dự án mới sẽ tập trung vào: Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và sức khỏe sinh sản và tình dục; Khai thác các nguồn dữ liệu mới (các cuộc điều tra mới, dữ liệu lớn và dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu (trang dữ liệu điện tử và kho dữ liệu) nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng cho các hoạt động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; Cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho sức khỏe sinh sản và tình dục, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho sức khỏe sinh sản và tình dục.
Gần nửa số ca mang thai trên thế giới là ngoài kế hoạch
Tại buổi lễ, Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2022 của UNFPA "Nhìn rõ những mảng tối: Các bằng chứng cho thấy cần phải hành động để ứng phó với cuộc khủng hoảng đang bị lãng quên - Mang thai ngoài kế hoạch" cũng được công bố.
Báo cáo chỉ ra rằng, trong tổng số ca mang thai hàng năm trên toàn thế giới, thì gần nửa trong số đó và cụ thể là 121 triệu ca là mang thai ngoài kế hoạch. Điều này gây ra những hậu quả rất nặng nề cho xã hội, phụ nữ và trẻ em gái, và sức khỏe toàn cầu. Hơn 60% trường hợp mang thai ngoài kế hoạch sẽ dẫn đến kết cục phá thai và có khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn. Tỷ lệ tử vong mẹ do việc phá thai không an toàn chiếm 5 - 13% tổng số ca tử vong mẹ và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam kêu gọi: "Các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo địa phương ưu tiên quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc tiếp cận phổ cập tới các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả và đảm bảo rằng mọi thanh thiếu niên - bao gồm cả trẻ em trai - đều nhận thức đầy đủ về các nguy cơ và biện pháp phòng tránh mang thai ngoài kế hoạch. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, hiểu rõ hơn nhu cầu của họ và tăng cường sự bình đẳng cho họ trên mọi lĩnh vực".
Chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên Việt Nam tự quyết định sử dụng biện pháp tránh thai
Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục trong 20 năm qua, tuy vậy vẫn có sự chênh lệch và bất bình đẳng trong các cộng đồng dân cư khác nhau như đồng bào dân tộc ít người, lao động nhập cư, thanh thiếu niên và những người sống ở vùng sâu, vùng xa. Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 cho thấy, 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại và tỷ lệ này giảm xuống còn 50,3% ở những phụ nữ chưa kết hôn.
Liên quan đến khả năng ra quyết định về sinh sản và quan hệ tình dục của phụ nữ, Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2021 đã chỉ ra rằng, trung bình có 84,8% phụ nữ Việt Nam tự quyết định về quan hệ tình dục và 70,4% tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ có 42,6% người dân tộc H'Mông và 61,4% phụ nữ không được đi học có thể tự ra quyết định về quan hệ tình dục. Đối với các quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, chỉ có 25,5% trẻ vị thành niên và 54,2% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 20-24 có thể tự ra quyết định.