pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt qua nỗi sợ hãi bên trong mình
Ảnh minh họa
Để tự chữa lành những tổn thương, bạn cần học cách lắng nghe, đối diện với nỗi sợ bên trong mình. Nỗi sợ của bạn nếu có, là bởi nó được sinh ra trong quá trình bạn lớn lên, đi học, lập nghiệp, yêu đương. Có những tổn thương ngầm bên trong có từ hồi bé, chẳng hạn bạn thiếu sự quan tâm, tình yêu thương của bố mẹ hoặc chứng kiến bố mẹ không hạnh phúc.
Cũng có thể bạn từng là nạn nhân của bạo lực học đường, bạn từng bị bạn bè bắt nạt, chê bai, sỉ nhục. Tệ hơn là bạn không may mắn từng bị xâm hại tình dục. Hoặc cũng có những trường hợp chia tay người yêu quá nhiều tạo thành nỗi sợ rằng bản thân mình có vấn đề, bản thân mình chưa tốt nên người khác mới liên tục bỏ đi...
Có những người sợ hãi cả những điều chưa xảy ra, những điều không thực sự nguy hiểm. Nó được sinh ra trong tiềm thức với những nỗi đau, nỗi sợ lưu lại trong vô thức của mỗi người và não của chúng ta tạo ra tuyến phòng thủ bảo vệ chúng ta trong các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Có cô gái cho rằng mình không thể đến được với một mối quan hệ nào. Hóa ra là cô ấy từng bị xâm hại tình dục bởi một người có vẻ ngoài đạo mạo, khá cuốn hút. Cô ấy cảnh giác, chủ động giữ khoảng cách với những người đàn ông đến với mình vì cảm thấy bất an. Nỗi sợ bên trong đã ảnh hưởng tới cuộc sống của cô ấy ở hiện tại.
Để vượt qua nỗi sợ hãi tưởng như vô hình đó, bạn cần phải đối diện với nỗi sợ hãi bên trong mình, bằng cách lắng nghe, chấp nhận rằng cảm xúc đó hiện hữu, đừng cố giấu đi. Đôi khi, chỉ vì sợ "những nỗi sợ không diễn ra" mà con người bỏ qua những phút giây hạnh phúc của hiện tại. Chuyện quá khứ đều đã qua, nếu không quên đi thì chúng ta mãi sống với quá khứ, ám ảnh với những lỗi lầm. Hãy học cách sống bằng những giây phút hiện tại.
Hãy đặt những câu hỏi cho mình: Nếu mình mãi sợ hãi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu mình chiến đấu với nó, thì sẽ thế nào? Có cách gì để mình có thể sống không lo sợ? Từ đó vượt qua nỗi sợ hãi bên trong của mình. Mỗi khi nỗi sợ ùa về, bạn hãy luyện tập phương pháp "tự thức tỉnh", đó là: Ngừng toàn bộ những tương tác đã gây cho bạn cảm giác lo sợ. Tập trung vào hơi thở của mình. Hít thở toàn bộ không khí vừa đưa xuống bụng trong 3 giây, sau đó giữ lại rồi thở ra thật chậm. Cứ làm liên tục như vậy từ 5 đến 10 lần hít thở, bạn sẽ bình tĩnh và kiểm soát hành xử của mình tốt hơn.
Quan sát nỗi đau đó, cảm nhận và ghi lại vào nhật ký: Mình cảm thấy thế nào? Điều mình lo sợ đã thực sự diễn ra trong hiện tại chưa? Nó đã diễn ra như thế nào? Nếu có cách để mình không lo sợ nữa thì mình sẽ làm gì? Bạn hãy áp dụng phương pháp này liên tục. Mỗi ngày bạn hãy dành cho mình ít nhất 20-30 phút để lắng nghe bản thân mình và áp dụng phương pháp "tự thức tỉnh", bạn sẽ thấy kết quả tích cực, giúp bạn lấy lại được thăng bằng và làm chủ cảm xúc của mình.
Hãy để người khác có cơ hội lắng nghe, thấu hiểu bạn, chia sẻ, chấp nhận bạn, là người tích cực giúp bạn hàn gắn nỗi đau, sự tổn thương. Bạn có thể chấp nhận sự giúp đỡ của người mình cảm thấy tin tưởng, giúp mình vượt qua nỗi sợ hãi, khó khăn. Nhưng bạn hãy nhớ đừng đặt nỗi sợ hãi của mình lên vai người khác mà quên mất điều là chính chúng ta phải có trách nhiệm xử lý nỗi sợ hãi chứ không được dựa hoàn toàn vào người khác.