Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010) tên đầy đủ là Đỗ Xuân Oanh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ông từng làm việc cho báo Cứu quốc.
Ông biết nhiều thứ tiếng và từng là phát thanh viên chương trình Tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1951, ông tham gia thành lập Uỷ ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam và giữ chức Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban.
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Xuân Oanh đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: "19 tháng 8", “Quê hương anh bộ đội”, “Ca mừng chế độ ta tươi đẹp”, "Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao”...
Năm 2023 kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Xuân Oanh.
Xuân Oanh được tất cả bạn bè Mỹ yêu chuộng hòa bình biết đến và mến mộ. Họ dành cho ông một tình yêu đặc biệt không chỉ bởi sự thông thái của ông mà còn vì một trái tim nhân ái yêu thương, chia sẻ với con người, giúp họ hiểu về đất nước, con người Việt Nam và vững chãi hơn trên con đường đấu tranh cho hòa bình thế giới, cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc và tình thân ái giữa con người.
Phần dưới đây được trích dịch từ cuốn sách có tên "Gái Hip-pi" của Judy Gumbo, một nhân vật nổi tiếng chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam, người đi đầu của tổ chức "Đảng Thanh niên Quốc tế" (Youth International Party-YIP) trong những thập niên 1960-1970 của thế kỷ XX. Judy Gumbo tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1970 và bị cuốn hút sâu sắc bởi Xuân Oanh, người mà bà gọi là "Người yêu Bắc Việt", và tình cảm với ông hướng tới một "nền hòa bình quốc tế" theo cách bà gọi.
***
Người yêu Bắc Việt và tôi có 6 lần gặp mặt, tất cả đều vào 1970, một năm đầy thơ mộng trong cuộc đời tôi. Chúng tôi gặp nhau ở thủ đô của những nước chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam: Stockholm, Paris, Praha, Hà Nội và Havana. Trong nhiều thập kỷ ông bảo tôi phải giữ kín tình cảm này. Tôi vui lòng tuân thủ, chôn chặt câu chuyện của mình. Nhưng đến ngày 16 tháng 3 năm 2008, tôi nhận được một bức email đặc biệt. "Cứ viết về bất cứ điều gì chúng ta đã sẻ chia trong quá khứ. Điều quan trọng là chúng ta có thể sống lại quãng thời gian tuyệt vời nhất, làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa, đồng thời cho thế giới một động lực để suy nghĩ và hành động".
Judy Bumbo Albert sinh năm 1943 tại Toronto, Canada, là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Bà là một thành viên sáng lập phong trào Hip-pi, gọi tắt của Đảng Thanh niên Quốc tế, một tổ chức phản đối văn hóa thuần và chống chiến tranh. Gumbo bị Chính quyền Liên bang Mỹ giám sát chặt chẽ. Trong hồ sơ năm 1972, FBI mô tả bà là nhân vật "chống Mỹ nhất, chống chính quyền nhất và nguy hiểm nhất đối với an ninh nội địa của nước Mỹ". Vào năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam ở cao trào, Judy và 2 người bạn nữ khác của Hip-pi tới Bắc Việt. Năm 2013 Judy trở lại Việt Nam khi đã được thống nhất để giúp lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Hòa bình Paris.
Người đàn ông của tôi là Đỗ Xuân Oanh, phát âm là "wine" nhưng ở cuối kéo dài âm nnnng ở mũi. Là nhạc sĩ, chính trị gia, sứ giả ngoại giao của chính phủ Bắc Việt, là nhà thơ, nhà trí thức, nghệ sĩ, họa sĩ và nhà dịch thuật, bất cứ ai trong nhóm hạt nhân của phong trào hòa bình ở Mỹ đều biết đến ông ấy. Biểu tượng văn học Sussan Sontag viết về Oanh trong cuốn sách "Chuyến đi Hà Nội", ra mắt năm 1968, mô tả Oanh là "một người có sức mạnh tự thân, (ông ta) đứng ngồi, đi lại với phong thái thoải mái, hấp dẫn 'kiểu Mỹ' và đôi khi tỏ ra phân tâm, suy tư".
Với tôi, có thể nói sự suy tư của Oanh bắt nguồn từ điều mà ông nói khi chúng tôi gặp nhau ở Môntrean. Oanh thổ lộ ông đã có vợ và 3 con. Vợ ông là tiểu thư Hà Nội, con của một bác sĩ, bị Pháp bắt vào đầu thập kỷ 1950 và bị giam giữ ở Hỏa Lò, một tòa nhà bê tông ở trung tâm Hà Nội vốn được người Mỹ biết tới với tên gọi Hilton Hanoi. Bà bị đau đầu mãn tính và mỗi lần nhìn thấy con rắn thì lăn ra ngất. Chỉ tới khi tôi thăm lại Việt Nam vào năm 2013 để giúp cho lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Hòa bình Paris, tôi mới hiểu được ẩn ý trong câu chuyện của Oanh. Trên bức tường của Bảo tàng Di tích Chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy một bức tranh màu nước vẽ một người phụ nữ bị 2 người đàn ông vạm vỡ, ngực trần nhét một con rắn vào cửa mình…
Nancy Sarah Kurshan sinh năm 1944 tại New York, Hoa Kỳ, là một nhà hoạt động xã hội Mỹ, thành viên sáng lập của Đảng Thanh niên quốc tế mà thành viên của đảng được biết đến với tên gọi Hip-pi. Bà tham gia các phong trào hòa bình và dân quyền từ khi còn là học sinh trung học phổ thông; tham gia cuộc biểu tình đầu tiên chống chiến tranh Việt Nam tại Washington DC vào tháng 4/1965. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu nổi tiếng, trong đó có cuốn "Phụ nữ và Tù đày tại Mỹ" được dẫn trích trong vô số sách về tình trạng nhà tù và đàn áp ở Mỹ.
Tháng 3 năm 1970, Oanh thu xếp cho Nancy và tôi gặp ông ấy tại một hội nghị hòa bình quốc tế ở Stockholm. Oanh, Nancy và tôi quyết định tổ chức một hội nghị giữa những người "hoạt động văn hóa" (cách chúng tôi dịch từ Hip-pi trong cách giao tiếp của tiếng Việt) và du kích quân Việt Nam, những người mà phong trào của chúng tôi dành cho sự trân trọng lớn nhất về đạo lý. Một cuộc gặp như thế trên hòn đảo thiên đường Cuba sẽ tạo cho Hip-pi quyền hợp pháp về chính trị trong cộng đồng phản chiến. Oanh bảo Nancy và tôi cần tới Việt Nam trước để lên kế hoạch. Tôi háo hức mãi với kế hoạch này.
Vào ngày mùng 4 tháng 5 năm 1970, Nancy và tôi tới sân bay Sheremetyevo ở Matxcova. Chúng tôi được thông báo rằng thị thực sẽ bị chậm. Thị thực được Việt Nam thu xếp nhưng được chuyển qua tầng lớp thủ tục hành chính quan liêu của Xô-viết. Họ nói thời gian chờ đợi có thể là 1 tuần. Hay 2 tuần. Hoặc có thể là không bao giờ. Ai mà biết được. Chúng tôi đành nghỉ ngơi ở khách sạn Hotel Ukraine và quyết định gọi cho giới báo chí (Ý tác giả là báo chí Mỹ - PV). Tôi nói cứ như một mình tôi sở hữu quyền lực gây ảnh hưởng đến thế giới. Tôi không nhớ cụ thể đã nói gì trong cuộc gọi đường dài đó, sau này tôi được biết đến qua hồ sơ của FBI, được nhấn mạnh bằng chữ in đậm:
CHÚNG TÔI KHÔNG TIN VÀO TỔNG THỐNG NIXON VÀ NHỮNG GÌ ÔNG Ý ĐANG LÀM, CHÚNG TÔI SẼ TỚI HÀ NỘI ĐỂ GẶP CÁC BẠN BẮC VIỆT VÀ SẼ NÓI VỚI HỌ ĐÚNG NHƯ THẾ.
Chỉ có đúng 174 người từ Mỹ đến được Bắc Việt (trước đây) khi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt. Tôi là một trong số đó. Thị thực trong tay, Nancy và tôi đáp một máy bay 4 động cơ ra khỏi Matxcova đi qua những thành phố Ulan Bato, Tatxken và Karachi. Chiếc Aeroflot cổ lỗ lắc như con chim trong gió mạnh…
Chúng tôi tới sân bay ở Hà Nội ẩn giữa rừng. Tôi thoáng nhìn thấy Oanh trên đường băng, đứng giữa một đám học sinh nhỏ cầm những cành hoa layơn hồng, vàng và đỏ đón chào chúng tôi. Tôi quá mệt mỏi nên không để ý đến chúng. Oanh cười, bắt tay Nancy và tôi, bảo sẽ đưa chúng tôi về khách sạn và đã sắp xếp để chúng tôi đi xem biểu diễn vào tối hôm đó. Hai phút sau khi ngồi xuống chiếc ghế nhung của nhà hát, tôi rơi vào giấc ngủ sâu.
Sáng hôm sau, tôi thấy có tiếng gõ cửa. Oanh đến. Tôi trở nên tỉnh táo, háo hức cứ như tôi là Ingrid Bergman đón chào Humphrey Bogart trong bộ phim Casablanca. Oanh bước vào. Tôi đóng cánh cửa phía sau, chỉ còn lại một mình với người tôi yêu, chờ được ông ý ôm trong vòng tay. Làn gió nhẹ từ chiếc quạt trần đung đưa tấm màn lụa quây quanh chiếc giường. Nhưng Oanh lùi lại. Tôi tiến một bước, Oanh lùi lại hai bước. Cứ tiến lùi như thế, cứ như ông và tôi đang vụng về tập một điệu Tango. Oanh đặt bàn tay lên hai vai tôi và vẫn giữ khoảng cách. Tôi không hiểu, hỏi có chuyện gì sao.
"Không có chuyện gì cả", Oanh tỏ ra rất vui mừng vì tôi đã đến, nhưng bảo lúc này thì chúng tôi cần gặp nhau bên ngoài khách sạn.
Oanh cười, quay lưng bước ra. Tôi đổ xuống giường. Chỉ còn sự chế diễu từ chiếc quạt trần quay nhè nhẹ. Lúc đầu tôi tự trách mình. Tôi đã làm điều gì không phải? Tôi nghĩ đến kịch bản xấu nhất: Oanh không còn yêu tôi nữa, nhưng rồi tự bảo mình nghĩ vớ vẩn. Tôi không tin rằng người đã viết những lá thư tình cảm như thế lại bỏ đi mà không giải thích gì. Một lúc sau, cảm thấy mấy đầu ngón tay bị đau trong miệng khi đã cụt móng, tôi bừng tỉnh. Oanh sống cùng vợ và 3 con trai ở Hà Nội. Tôi chỉ là một người ghé thăm trong thế giới của anh.
Sau khi trở về Mỹ, tôi trả lời phỏng vấn của một tạp chí về tâm lý học của Detroit, có tên Sundance. Đến lúc đó tôi hiểu rằng có một khoảng cách giữa quan niệm truyền thống của người Việt Nam về chuyện cảm xúc và những mong muốn lãng mạn tự do phản đối văn hóa thuần của mình. Tôi viết:
Bạn không nhìn thấy những cặp đôi nắm tay nhau đi dạo trên đường phố Hà Nội. Nó tinh tế hơn nhiều. Khi bạn thấy một người đàn ông đèo một người phụ nữ trên xe đạp và nếu người nữ vòng tay ôm eo người nam thì hầu như chắc chắn là họ yêu nhau. Hoặc khi bạn đi ngang một mái chùa và lướt qua một cặp đôi, chỉ có hai người ngồi xổm, thậm chí không nói gì với nhau, chỉ đơn giản là nhìn nhau mỉm cười, nhưng điều đó thật nhẹ nhàng, đắm say và đẹp đẽ nhường nào".
Trừ vài lần dạo bộ cùng với những người khác và một cái chạm khẽ, ngọt ngào và ngắn ngủi trong làn nước xanh ấm áp mượt mà ở Bãi biển Sầm Sơn, trong suốt chuyến thăm tới Bắc Việt, Oanh và tôi không có dịp riêng tư nào. Quả là ngạc nhiên, tôi không thấy bực tức gì. Khát khao thể xác trong tôi nhạt nhòa trước tình cảm say đắm ngày càng lớn với đất nước và con người Việt Nam.
***
…Buổi sáng đầu tiên, tôi uể oải thức dậy rồi lên chiếc xe buýt bên ngoài khách sạn Metropole của Pháp xây dựng, giờ là khách sạn Thống Nhất. Ngồi cạnh tôi, chân của Oanh thỉnh thoảng chạm vào chân tôi. Đi qua những đoạn đường gập ghềnh mấp mô, xe chúng tôi lướt qua những tốp người đi xe đạp đầu đội mũ rơm, phụ nữ vận quần lụa đen và áo cánh trắng, đàn ông vận áo trắng cộc tay giống như Oanh. Sau 3 tiếng xuôi về hướng Nam, chúng tôi đi qua Cầu Hàm Rồng thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhìn không giống cái cầu chút nào mà như kiểu một con nhện dữ dằn giăng tơ bằng những dầm thép nham nhở. Qua một lỗ thủng trên sàn xe tôi thấy dòng nước màu nâu đậm bùn lờ đờ dưới chân chỉ vài mét. Oanh bảo quân đội Bắc Việt vận chuyển phương tiện chiến đấu vào Nam bằng tàu hỏa, xe bò, xe đạp và cuốc bộ qua chiếc cầu này. Máy bay Mỹ đã ném bom cây cầu này ít nhất 400 đợt, mỗi lần đều rải thảm bom sát thương.
"Cứ mỗi ngày cây cầu này bị phá hủy, hàng đêm nó lại được xây lại. Lòng can đảm của người nông dân ở địa phương này đã thành một truyền thuyết", Oanh giải thích.
Không thể hiểu nổi như thế thì sống thế nào được.
Ở phía tay phải hiện ra một mỏm núi. Dưới chân núi có rất nhiều toa xe lửa bị vỡ nom như một nghĩa địa vậy. Một bên trên đỉnh núi bị vạt đi cứ như bị máy xúc cỡ lớn đào khoét. Tôi nhìn thấy dòng chữ QUYẾT THẮNG được khắc trên đỉnh núi. Tôi hỏi đó là gì, Oanh bảo "determined to win. Phi công Mỹ khi bay trên trời sẽ nhìn thấy dòng chữ này"…
Khi xe dừng, trong tôi trào lên cảm giác tội lỗi và hối hận, cứ như là tôi phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự tàn phá vừa được chứng kiến. Một cô gái mặc chiếc áo mỏng có họa tiết, chắc đang có mang, dẫn chúng tôi qua một lối hẹp dẫn vào căn hầm thấp mái trong lòng núi. Những chiếc bóng đèn trần trụi chập chờn ánh sáng vàng; đất đã trên nóc hầm toát ra không khí nóng ẩm… Có 7-8 nam nữ chúi mình vào những chiếc máy tiện cỡ nhỏ như máy khâu. Bất chấp bom rơi đạn nổ thường nhật, nhà máy vũ khí này vẫn sản xuất bình thường.
Những gì được chứng kiến hun đúc nên tinh thần bạn. Tôi lớn lên không có trong mình cả cảm thông lẫn thương xót, nhưng ở khoảng khắc ấy tự dưng tôi thấy mình có cả hai. Tôi cố gắng hết sức để nén cảm xúc khi viết những dòng này, nhưng nếu Oanh và đồng bào mình có thể sống trong những mất mát như thế thì tôi thề sẽ làm lại cuộc đời, sống như những người anh hùng cách mạng như Che Guevara, Hai Bà Trưng, Madam Bình (Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 đến 2002 - PV) và Emma Goldman (một nhà văn hóa và hoạt động chính trị theo chủ nghĩa vô chính phủ; dóng vai trò then chốt trong việc xây dựng triết học chính trị vô chính phủ ở Bắc Mỹ và châu Âu trong nửa đầu thế kỷ XX; năm 1917 bị kết án 2 năm tù vì âm mưu "lôi kéo một số người không đăng lính" theo lệnh tổng động viên của chính phủ - PV). Tôi cần bớt ích kỷ đi! Tôi cần học cách đồng cảm, lòng quyết tâm và sự sẻ chia với những người khác, và với cả chính mình. Lời nguyền thề của tôi ở nhà máy trong hang hôm đó giờ đây với tôi dường như không tưởng, nhưng ở tuổi 27 thì người ta đủ chân thành để thay đổi hiểu biết về bản thân mình, thay đổi cuộc đời mình.
Tôi còn nhớ cảm giác rùng mình khi đó, không phải do sợ hãi hay cái lạnh sởn da mà vì bầu không khí đó nhen vào tôi lòng quyết tâm. Đột nhiên máy dừng chạy, xung quanh tĩnh lặng, nghe được cả tiếng giọt nước nhẹ nhàng rơi. Cô gái bắt đầu cất giọng hát ngọt ngào, lay động như tiếng chim hót. Tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ Oanh qua từng câu dịch:
Nếu yêu anh, hãy về với mảnh đất xinh đẹp
Anh đứng đây, bảy năm canh gác cây cầu hùng vĩ
Trong gió lạnh, mưa dầm
Anh ngắm nhìn ngôi sao vàng lấp lánh giữa trời đêm
Mỗi tiếng gọi từ miền Nam thổn thức trong lòng…
Rời Thanh Hóa, xe chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa có trâu làm đồng, lác đác có những chiếc hộp nổi lên nom như những nhà búp bê. Nữ hướng dẫn viên, Chi, cao như Genie, nói đó là mộ của tổ tiên để cho người quá cố trong họ được gần gũi với người thân và ruộng đồng. Nancy, Genie, Oanh và tôi cùng Chi và vài người khác nghiêng ngả trên con đường gồ ghề cho tới khi gặp một chiếc phà bằng gỗ. Chúng tôi lên phà trong dạ khúc từ một người đàn ông thổi cây sáo trúc dài cỡ nửa mét. Cạnh anh ta có hai nhà nông giữ hai chiếc xe trâu kéo, trên có mấy chiếc trống bằng thùng nước đã hoen rỉ. Những người Mỹ, chàng thổi sáo, người nông dân và trâu kéo cùng trên một chiếc phà gỗ đi qua cái hồ rộng lọt thỏm giữa những quả núi. Tôi hít sâu cái nóng ẩm của Việt Nam mà thấy thoảng hương bạc hà. Hòa bình, nếu ngửi được, thì hẳn cũng giống như thế nếu hòa bình được đóng chai như nước hoa…
Tôi cất giữ 30 lá thư của Oanh trong chiếc hộp nhựa màu ngọc lam đựng đồ vật kỷ niệm. Thư của Oanh viết tay hoặc đánh máy với giãn dòng hẹp, trên cả hai mặt, cứ như sự khó khăn ở Việt Nam khiến ông phải dồn ép từng chữ vào trang giấy không dòng kẻ. Tôi nghĩ rằng hầu hết các lá thư này được viết trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1973, chỉ ghi ngày và tháng, vì thế tôi chỉ còn nhớ năm chính xác của vài lá thư, và tôi phải bỏ công tìm ghép từng mảnh như trò ghép hình để có thể chắp lại đầy đủ mối quan hệ giữa chúng tôi. Không còn lá thư nào mà tôi viết cho Oanh.
Oanh khuyên nhủ tôi cứ như một nhà trị liệu cách mạng:
Anh thấy có sự pha trộn của mọi điều trong mỗi lá thư của em: sự hoang mang, tự trách mình, căng thẳng, phiền muộn, âu lo… Nếu đúng là như thế thì đây là đặc tính của những người "chợt vui chợt buồn".
Ông trấn an rằng tôi không phải đơn độc trong cảm giác mất mát:
Em biết không, Judy, đôi lúc anh cũng cảm thấy mọi thứ đảo lộn và anh thất vọng với chính mình vì cảm giác bất lực trước mọi điều. Anh biết ngọn lửa trong em đang bỏng cháy hơn bao giờ hết nhưng em vẫn thấy yếu đuối, cô đơn và điều đó khiến cho em trở nên điên khùng, bực dọc và ngốc nghếch. Trong cuộc đời thường có những lúc như vậy. Sao mọi thứ lại vô lý thế?
Tôi từng nhớ tới những lời khuyên của Oanh nhưng chưa biến được chúng thành cẩm nang cho mình. Nếu mà làm được thế thì tôi sẽ viết cuốn sách Những bài học từ cựu thù của nước Mỹ và nêu đậm những lời nói như thế này:
Căn bệnh nào trên thế gian đều có thể chữa được trừ căn bệnh đạo đức giả.
Nếu bạn thấy không thể chịu được một nỗi ưu tư nhỏ thì không thể hình dung được bạn sẽ chịu đựng cả một gánh nặng như thế nào.
Vàng phải được thử bằng lửa, sức mạnh phải được thử thách qua gian khó.
Tính cách chính là con người. Khi đã tin vào mình, bạn không phải chứng tỏ gì cả.
Khi bạn thấy muốn chứng tỏ gì đó thì ít nhiều bạn không tin vào chính mình.
Cứ hình dung bạn đang vượt qua một bãi mìn, có đồng đội ở bên. Đó là lúc cần giữ cho bạn cái đầu lạnh, nhưng trái tim nóng. Thử thách sẽ là lâu dài và khó khăn, nhưng cuộc đời cần bạn phải vượt qua.
Tôi lần giở những lá thư của Oanh mỗi khi cảm thấy chán nản hay bất an. Chúng cho tôi sức mạnh. Tôi thường dẫn lời của Oanh để khuyên nhủ bạn bè khi họ cần giúp đỡ lúc khó khăn, hoặc dẫn những lời Oanh nói mà tôi thích - điều mà tôi thấy rất phù hợp với chính trị ngày nay, như một thông điệp vào cuối thư email gửi mọi người.
"Hãy tốt với bạn bè, những người đối xử tốt với bạn; cũng nên tốt cả với những người đối xử không tốt với bạn vì chỉ có bạn bè mới đi cùng mình trên con đường cách mạng".
Điều này với tôi có nghĩa là: hãy rộng lòng trước mọi bất đồng; giữ trong mình những mục tiêu dài hạn, đừng công kích bạn mình hay phá vỡ tình bạn, ngay cả khi họ nói hoặc làm điều gì mà bạn rất không hài lòng. Tôi vẫn đang cố gắng làm theo lời của Oanh, nhưng đáng buồn là mỗi khi nỗ lực cải thiện mình thì tính khí tôi lại tái phát và trở về làm một người bình thường…
***
Oanh và những người yêu nước tổ chức liên hoan tiễn Genie, Nancy và tôi rời Hà Nội. Tối hôm đó Oanh mặc quần xám kiểu thập kỷ 1950 và áo trắng cộc tay. Tôi biết người dân Việt Nam còn nhiều thiếu thốn do chiến tranh, nhưng bữa tiệc đó thật sang trọng như một lời cảm tạ truyền thống…
Trong phát biểu chia tay, Oanh nhắc nhở Nancy, Genie và tôi "giữ vững tầm nhìn". Ông kết thúc bằng câu chuyện mà cha mình đã dặn khi còn bé.
"Con không thể đợi cho tới khi đạt được mục tiêu mới biết rằng con là một người hùng thực sự".
Rồi như nói với người trong một nhà, Oanh kết thúc:
"Tôi sẽ không đợi cho đến khi cách mạng thành công trên nước Mỹ thì mới biết rằng các bạn chính là những đại diện của tương lai".
Tôi không thể mong đợi một cuộc chia tay nào khích lệ và đáng yêu hơn thế. Kiên trì, như Oanh nói, nhưng đồng thời không bao giờ bỏ cuộc. Đến lúc đó tôi cảm thấy chắc chắn về con đường của đời mình cứ như là tôi đã đến được một hành tinh đạo lý vượt trên mọi nhu cầu xác thịt. Tình cảm với Oanh và thời khắc tôi ở Việt Nam đã làm tôi quyết tâm dấn thân. Phất cao ngọn cờ phản kháng. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể trong khả năng mình để chấm dứt cuộc chiến tranh này.
***
Tôi gặp Oanh lần cuối vào tháng 8 năm 1970. Tôi hoàn toàn không biết rằng đó là lần gặp gỡ cuối cùng. Nancy và tôi đến Cuba trong nhóm tiền trạm cho hội nghị "những người hoạt động văn hóa" của YIP. Hội nghị đó đã không diễn ra. Cuba đã hủy hội nghị này. Không dễ dãi với tiếng tăm về Hip-pi. Sau này tôi được biết chính quyền Cuba không cho phép vì Hip-pi hút cần sa…
Một buổi chiều, Nancy và tôi ngồi với Oanh ở cuối bể bơi. Oanh bắt đầu một câu chuyện có lẽ không nên tranh cãi ở một nơi lãng mạn như thế trên trái đất. Ông nhướn người về phía chúng tôi và nói thẳng, giọng nghiêm nghị:
"Dân tộc Mới này, bao giờ thì nó mới có thể là mới? Hai bạn thân mến, đây là lúc các bạn Hip-pi thay đổi từ tự phát sang bình tĩnh và sáng suốt".
Oanh nói tiếp, "phong trào thanh niên của các bạn mà không có phương hướng, không có lãnh đạo thì chỉ là một trò ngớ ngẩn. Nó phản bội những hy vọng và lòng mong đợi của những người khao khát thay đổi".
"Sao lại như thế được?", tôi sẵng giọng hỏi.
"Một tổ chức như thế sẽ tan rã và ý tưởng cách mạng của các bạn sẽ tan biến cũng nhanh như nó được hình thành".
Âm sắc trầm bổng trong giọng của Oanh ẩn giấu một thông điệp nghiêm trọng: những người Hip-pi ngẫu hứng cần tạo nên một khuôn khổ có tổ chức; vượt qua chủ nghĩa cá nhân và hướng tới hợp tác. Oanh còn đi xa tới mức gợi ý chúng tôi liên minh với Tom Hayden, một nhân vật rất nghiêm túc và chỉ trích mọi điều được coi là phản văn hóa.
Lấy ví dụ về cuốn sách mới nhất của Abbie (nhà hoạt động chính trị xã hội Mỹ, thành viên sáng lập Đảng Thanh niên quốc tế Hip-pi. Ông là một biểu tượng của phong trào chống chiến tranh Việt Nam - PV), Cách mạng cho cái quỷ quái (Tên sách gốc: Revolution for the hell of it), Oanh kết luận: "Không ai làm cách mạng với cái quỷ quái trong đầu. Đây về cơ bản là phản động". Trong thập kỷ 1970, từ phản động ám chỉ cực hữu, không phải là phản ứng như một số người nghĩ bây giờ. Tôi không cho rằng ý Oanh ám chỉ ai đó làm cách mạng chỉ để cho vui, nhưng ông chọn cách coi Hip-pi là phản động về ý thức hệ, một lời chỉ trích sâu cay từ bất cứ một người cộng sản nào chứ chưa nói là người tôi yêu.
Phải mất vài thập kỷ để tôi hiểu rõ rằng Oanh đã đưa ra một lập luận quan trọng về bản sắc của Hip-pi. Dù đau lòng tôi vẫn phải nhận thấy rằng có những lúc cần đối đầu với hệ tư tưởng thuần túy, nhưng có những lúc cần đồng hành với số đông nếu muốn giành được mục tiêu lớn hơn. Nhưng lúc đó thì tôi nghĩ bất đồng giữa chúng tôi chỉ là chốc lát và sẽ lãng quên thôi. Chắc Oanh cũng nghĩ vậy. Kỷ niệm có thể tách bạch được thành những điều vui và buồn. Khi tôi hỏi Oanh nhiều năm sau ông nghĩ gì về Havana, ông viết:
"Ở Havana, chúng ta đã có những khoảnh khắc tuyệt vời, trao đổi ý tưởng và cảm xúc. Tất cả mọi thứ diễn ra như một câu chuyện cổ tích vậy".
Và như thế, công chúa Hip-pi Judy Gumbo và chàng hoàng tử Bắc Việt của nàng đã vượt qua mọi bất đồng làm nên câu chuyện cổ tích đó. Tháng 10 năm 1970, ba tháng sau khi chia tay ở Cuba, Oanh viết:
Hãy nhớ, bất cứ anh sẽ làm gì và anh sẽ là gì, em vẫn trong trái tim anh. Và anh luôn hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau cùng kỷ niệm những ngày còn đẹp đẽ hơn. Ai mà biết được. Bảo trọng, em nhé.
Tôi nhớ lời của Oanh và giữ chặt nó trong tim. Kể từ đó tôi không bao giờ còn gặp lại được Oanh nữa. Đến hôm nay, tôi xem mối tình của chúng tôi như một điều rất nhỏ bé trong một Tình yêu Vĩ đại mà tôi và đoàn quân của mình đã phải lòng Việt Nam. Tôi tin rằng mối tình mà phong trào hòa bình gọi là "ngoại giao nhân dân" này là độc nhất vô nhị. Và cũng như nhiều mối tình kỳ diệu khác trên thế giới, mối tình đó không kết thúc bằng tan vỡ. Từ tình yêu, nó trở thành tình hữu nghị.
Tác giả: Judy Gumbo
Mời bạn theo dõi clip "Đỗ Xuân Oanh: Một cuộc đời - Một nhân cách" tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=O6JVwn32VQA