Xuất bản ngày 9/10/2022
Trò chơi ném Còn của người Thái ở Tây Bắc không chỉ là môn thể thao trong ngày hội mà còn thể hiện khát vọng phồn thực, khát vọng làm mẹ của người phụ nữ.
Truyền thuyết của người Thái ở Mường Thanh (Điện Biên) kể rằng, ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Các tộc người như Mường, Kinh, cùng các bộ lạc như Lạc Việt, Nam Việt… về rất đông để dự hội.
Chỉ riêng người Thái ở Tây Bắc về có hai người. Vua Hùng buồn rầu bảo rằng, người Thái sống trên núi, ít người, đất rộng, Vua liền ban cho người Thái trò chơi ném Còn để con người nhanh chóng sinh sôi, phát triển. Cũng từ đó, trò ném Còn được người Thái chơi từ ngày này sang tháng khác, trong các lễ hội của cộng đồng.
Người Thái có một niềm tin chắc nịch, trò chơi Vua Hùng ban cho rất linh thiêng. Bởi kể từ khi đó, người Thái đã sinh sôi phát triển trở thành tộc người có dân số lớn nhất vùng Tây Bắc. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Thái ở Việt Nam có dân số 1.820.950 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Tây Bắc, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu trò chơi ném Còn do những người phụ nữ đảm trách.
Để chuẩn bị cho ngày hội ném Còn, các cô gái dân tộc Thái đã chuẩn bị khâu quả Còn trước đó vài tháng. Quả Còn to bằng quả cam lớn, có hình tròn, được khâu theo múi với hoa văn nhiều màu sắc, ghép nối vào nhau có ý nghĩa tượng trưng cho sự phong phú của vũ trụ. Bên trong quả Còn được nhồi các loại hạt như hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi, nảy nở vượt lên trên bầu trời tự do, thể hiện mong ước được mùa, cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc.
Sân chơi ném Còn là một bãi đất trống. Theo quan niệm của người phụ nữ dân tộc Thái, quả Còn càng sắc màu thì càng mang lại may mắn
Dây Còn dài khoảng 50 cm, làm bằng vải bền chắc. Để có được những quả Còn đẹp, bắt mắt, các chị, em dân tộc Thái khéo chọn vải, phối màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tua rua đều từ quả Còn đến dây Còn. Việc khâu Còn không chỉ đảm bảo thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Theo quan niệm của người Thái, quả Còn bao giờ cũng phải khâu tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở cuối dây Còn và dưới quả Còn là chỉ thiên địa. Quả Còn càng có nhiều tua rua, nhiều sắc màu càng đẹp, càng đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
Sân ném Còn được tổ chức trên khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng và dựng một cây tre dài từ 15-20m. Trên ngọn cột tre, ngoài lá cờ ngũ sắc phấp phới biểu hiện của hội Xuân còn có một vòng tre đường kính ước khoảng hai gang tay, có quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném thủy tâm đó, coi như dành phần thắng.
Ngoài ra, khi tổ chức hội thi ném Còn, quả Còn ném thường hướng về đầu nguồn sông hay suối, chính là hướng về các bản làng người Thái vì người Thái thường sinh sống bên đầu nguồn con nước.
Trong tâm thức của người Thái, trò chơi ném Còn có ý nghĩa rất đặc biệt. Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái Lò Văn Ín ở Điện Biên cho biết: "Ném còn là biểu tượng cho âm dương hòa hợp. Quả Còn trong quan niệm của người Thái tượng trưng cho dương, còn vòng tròn dán giấy đỏ trên cây tre tượng trưng cho âm. Người Thái chơi ném Còn thể hiện âm- dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực. Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái thì người phụ nữ rất hào hứng tham gia ném Còn để cầu tự".
Trò chơi ném Còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người phụ nữ. Người phụ nữ dân tộc Thái vừa được giao lưu, gắn bó, đoàn kết cộng đồng và thể hiện khát vọng cuộc sống sinh sôi, nảy nở
Ở nhiều bản làng, nghi thức ném Còn được tổ chức khá nghiêm trang. Dân chúng đứng xem đen đỏ vòng người trên bãi Còn. Trưởng bản giao quả Còn cho đôi nam nữ xong, đánh một hồi ba tiếng trống hoặc phất cờ đuôi nheo báo hiệu bắt đầu. Người nam ném trước rồi người nữ ném sau. Khi đôi nam nữ nào ném quả Còn lọt qua vòng tròn thì dân làng vỗ tay hò reo. Cặp trai gái đến cạnh cột Còn, có chứng kiến của ông từ, họ trao nhau kỷ vật: Gương lược hoặc khăn mùi xoa, túi thêu để đựng trầu cau. Họ trao cho nhau kỷ vật hôn ước được dân làng và thần linh chứng giám.
Trải qua bao năm tháng, trò chơi ném Còn vẫn trường tồn, trở thành trò chơi dân gian vui nhộn và thu hút nhiều người hào hứng tham gia nhất.
Cách chơi ném Còn rất đơn giản, những người phụ nữ dân tộc Thái chia làm hai đội, mỗi đội thường từ 3 – 10 người, đứng hai đầu cây tre và dùng quả Còn xoay tròn, ném lên vòng tròn treo trên đầu cây tre. Nếu đội nào ném trúng thủng vòng tròn thì thắng cuộc.
Hội ném Còn của người Thái không phân biệt lứa tuổi, từ em bé gái, phụ nữ và người già đều có thể tham gia. Thậm chí, du khách miền xuôi lên vui hội, sẽ được các cô gái Thái duyên dáng trong váy cóm hướng dẫn bạn cách chơi. Nếu bạn là người thắng cuộc sẽ được thưởng cho chum rượu ngô hay chính quả Còn bạn ném làm kỷ niệm.