"Ngân hàng bò" - mô hình thoát nghèo có hiệu quả

Nguyễn Ngọc
27/10/2022 - 11:45
"Ngân hàng bò" - mô hình thoát nghèo có hiệu quả

Gia đình bà Lý Thị Quế, thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) tham gia nuôi bò

"Ngân hàng bò" là một trong những mô hình hỗ trợ thoát nghèo có hiệu quả đang được Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn triển khai đã và đang phát huy được hiệu quả, giúp nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên toàn tỉnh.

Năm 2014, gia đình bà Lý Thị Quế, thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) là một trong những hộ được lựa chọn trao bò sau khi các cấp Hội Phụ nữ khảo sát về nhân lực, địa điểm chăn nuôi. 

Qua 8 năm thực hiện, từ 1 con bê nhỏ được hỗ trợ, gia đình bà đã có 4 con bò, mang lại nguồn thu đáng kể. Bà Quế cho biết: "Gia đình tôi chủ động trồng cỏ, nấu bột ngô để chăn, hơn 2 năm thì bò sinh sản được 1 con bê đực. Theo cam kết, con bê đầu tiên sẽ luân chuyển sang cho hộ nghèo khác nếu là con cái, còn con đực sẽ đem bán đấu giá để mua bổ sung vào Ngân hàng bò. Vì vậy, tôi mua lại với giá 10 triệu đồng, sau 1 năm bán được 23 triệu đồng". Nhờ tập trung chăn nuôi, gia đình bà đã thoát nghèo và năm 2019 xây dựng căn nhà rộng rãi, kiên cố.

Tại huyện Ngân Sơn, "Ngân hàng bò” triển khai thực hiện ở xã Hiệp Lực, Trung Hòa, thị trấn Nà Phặc, Thượng Ân. Từ hỗ trợ ban đầu 20 con cho 20 gia đình hội viên phụ nữ nghèo, sau gần 8 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác chăm sóc, quản lý, thú y, đàn bò đã phát triển lên 40 con và có 35 hộ được hưởng lợi từ chương trình, trong đó có 5 hộ đã thoát nghèo.

Tại tỉnh Bắc Kạn, mô hình “Ngân hàng bò” được Hội LHPN tỉnh triển khai đã và đang phát huy được hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, giúp nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên toàn tỉnh. 

"Ngân hàng bò", mô hình thoát nghèo có hiệu quả - Ảnh 1.

Ở huyện Chợ Đồn, "Ngân hàng bò" cũng đang phát huy hiệu quả tốt và là mô hình hỗ trợ giảm nghèo được đầu tư, nhân rộng.

Năm 2014, thông qua Hội LHPN huyện Chợ Đồn, hội viên phụ nữ nghèo các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng đã được tiếp nhận nhận 17 con bò cái sinh sản, từ dự án mô hình Ngân hàng bò. Đối tượng hưởng lợi là những hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ đứng chủ. Chương trình hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ 1 triệu đồng để làm chuồng bò, 250.000 đồng tiền phối giống.

Điểm khác biệt so với các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo khác, đó là mô hình “Ngân hàng bò” giúp cho mỗi hộ nghèo 1 con bò sinh sản. Các hộ tham gia mô hình, khi bò giống sinh sản lứa thứ nhất, phải nuôi dưỡng bê con đủ 12 tháng tuổi. Nếu là bê cái sẽ thực hiện luân chuyển bê cho gia đình khác. Nếu sinh bê đực thì hộ gia đình sẽ có trách nhiệm chuyển bê con cho Ban quản lý xã để phối hợp với Hội LHPN, thống nhất giá bán và nộp tiền vào quỹ, để tiếp tục mua bò giống cho hộ gia đình khác. Sau lứa sinh đầu tiên, con bò giống sinh sản sẽ thuộc quyền sở hữu của gia đình đó. Cách luân chuyển như vậy đã khuyến khích hội viên phụ nữ và người dân tham gia Ngân hàng bò chăm chỉ lao động, chăm sóc vật nuôi để được hưởng lợi.

Đến nay, sau hơn 8 năm thực hiện, mô hình đã sinh sản được 21 con bò, trong đó trong đó có 12 con bò mẹ, 3 con bê đực, 6 con bê cái. Số bò đã luân chuyển 18 lần theo quy chế, nhờ đó 12 hộ hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo. Mô hình “Ngân hàng bò” không chỉ có những hộ phụ nữ nghèo tham gia mô hình được hưởng lợi, mà sau này còn nhiều hội viên phụ nữ nghèo khác cũng sẽ được nhận bò giống thông qua hình thức luân chuyển.

Đảm bảo công khai, minh bạch

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Liễu cho biết: Để chương trình "Ngân hàng bò” phát huy hiệu quả, trợ giúp đúng đối tượng, việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi đóng vai trò quan trọng. Hộ được hỗ trợ đều được bình xét dân chủ, công khai nhằm đảm bảo là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được ưu tiên trợ giúp. Bò giống hỗ trợ được chọn ngay tại địa phương nên dễ dàng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chăm sóc của người dân. 

Ngoài ra, Ban Quản lý "Ngân hàng bò" các huyện còn phối hợp với phòng chuyên môn tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh, hướng dẫn người dân làm chuồng trại chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản, hướng dẫn xử lý một số bệnh thường gặp và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các hộ được hỗ trợ.

Sự thành công của "Ngân hàng bò" là minh chứng cho thấy hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của việc trao sinh kế - trao “chiếc cần câu” của các địa phương và các cấp Hội phụ nữ, góp phần giúp thêm nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội thoát nghèo, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm