pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: Vun đắp cho "ngôi nhà thứ hai" của người bệnh
Những người trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất là điều dưỡng viên
Cố gắng để người bệnh cảm nhận được sự ấm áp như ở nhà mình
Người bệnh tan máu bẩm sinh đến với Trung tâm Thalassemia chủ yếu là người dân từ các vùng xa. Có một thực tế đáng buồn rằng, nhiều gia đình không chỉ có 1 người bị bệnh, mà có khi tới 2-3 người bệnh. Những đợt vào bệnh viện cứ triền miên tiếp diễn, khiến cho nhiều gia đình ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Vì căn bệnh phải điều trị suốt đời nên nhiều người ví Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là "ngôi nhà thứ hai" của họ. Những người trực tiếp chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất là các điều dưỡng viên.
Làm việc tại Trung tâm Thalassemia được 8 năm, điều dưỡng viên Cao Thị Yến cũng đã có 8 năm trở thành "người nhà" của nhiều bệnh nhân nơi đây. Trong thời gian đó, chị Yến gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le. Cũng như những đồng nghiệp của mình, chứng kiến những cảnh đời như vậy, chị vô cùng xót xa.
Từ đó, chị đã tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, luôn đảm bảo hoàn thành mọi công việc; Tận tình giúp đỡ người bệnh để đóng góp một phần nhỏ bé của mình trong hành trình điều trị.
Trong quá trình chị Yến làm việc và tiếp xúc với bệnh nhân nhỏ tuổi, có em từng nói: "Cô ơi đây là ngôi nhà thứ hai của con, con vào đây với các cô, con khoẻ hơn mà còn không muốn về nhà nữa". Xúc động và xót xa lắm, bởi thế, chị luôn cố gắng để người bệnh cảm nhận được sự ấm áp như ở nhà mình.
Chị Yến nhớ lại một kỷ niệm khó quên, đó là vào ngày 27/2/2018, có một người nhà của bệnh nhân mang lẵng hoa đến tặng các y, bác sĩ trong khoa nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Khi hỏi chuyện, chị mới biết, đây là người nhà của một bệnh nhân đã điều trị tại khoa nhiều năm. Trước khi mất, bệnh nhân đó đã căn dặn các con là nhớ ngày 27/2 hàng năm, đem sự biết ơn và tình cảm chân thành của ông gửi đến các y, bác sĩ trong khoa, những người đã luôn đồng hành và cho ông sự ấm áp.
"Nếu hỏi tôi mong muốn điều gì, tôi chỉ mong người bệnh luôn có đủ máu để truyền, đủ thuốc để trị bệnh, chất lượng cuộc sống của họ được tốt hơn", chị Yến chia sẻ.
Rơi nước mắt trước câu nói của bệnh nhi
Cũng giống như chị Yến, chị Nguyễn Thị Tuyển đã có 10 năm gắn bó với Trung tâm Thalassemia với biết bao kỷ niệm vui buồn. Với vai trò là Trưởng Nhóm 1, chị phụ trách phòng bệnh cấp cứu và cùng y, bác sĩ trong nhóm chăm sóc bệnh nhân.
Chị Tuyển nhớ lại, cách đây khá lâu, có một em nhỏ phải vào viện bởi thiếu máu nặng do không được điều trị thường xuyên. Lúc em đến thì da đã xanh, niêm mạc nhợt, lòng bàn tay trắng bệch và phải thở oxy. Em yếu đến nỗi không thể nói được, đến thở thôi còn khó. Khi lấy máu xét nghiệm, chị đã động viên: "Con cố gắng nhé! Cô lấy máu để làm xét nghiệm và xin máu truyền cho con rồi con sẽ khỏe lại thôi". Lúc đó, cô bé chỉ nhắm chặt mắt và gật đầu nói "Cô ơi cô cứu con với".
Những câu nói như "cô ơi cứu con" của các em nhỏ bị bệnh máu khiến chị rơi nước mắt nhưng cũng là động lực để chị nỗ lực yêu nghề, vượt qua mọi vất vả mang lại niềm hy vọng cho người bệnh.
Hàng tháng, chị Tuyển đều chứng kiến những người bệnh phải đi điều trị vất vả. Người bệnh thường có sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhọc, thường xuyên phải nghỉ làm nên kinh tế càng khó khăn hơn. Nhiều người đã không đủ tiền để theo suốt cuộc điều trị nên bỏ giữa chừng và quay lại viện khi bệnh đã nặng hơn.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều em nhỏ phải nghỉ học đi viện. Các em phải truyền máu, truyền thuốc triền miên. Điều đó đã thôi thúc chị gắn bó với nghề để một phần nào đó đồng hành cùng các em và những người bệnh khác. Chị thương cảm và thấu hiểu từng hoàn cảnh để rồi cố gắng mang đến cho người bệnh sự chăm sóc tốt nhất có thể.
Sau giờ tiêm truyền, các chị lại dành thời gian chơi đùa với các bạn nhỏ để các em vơi bớt nỗi nhớ bạn bè, trường lớp. Vì người bệnh phải đi viện thường xuyên nên chị luôn tâm niệm: hãy đem đến phòng bệnh một không khí ấm áp, gần gũi để người bệnh cảm thấy "ở viện như ở nhà".
"Chúng tôi luôn mong đem lại sức khỏe cho người bệnh, các em nhỏ được đi học, người bệnh tìm được công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khoẻ và có cuộc sống chất lượng hơn. Tôi cũng mong người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh Thalassemia để không còn những em nhỏ sinh ra đã mang trong mình căn bệnh di truyền này", chị Tuyển bày tỏ.
Thấu hiểu đắng cay, vất vả của người bệnh cũng là những câu chuyện được tâm sự từ những điều dưỡng viên chăm sóc bệnh nhân Thalassemia. Ai theo nghề điều dưỡng nói riêng hay nghề Y nói chung đều là người biết chấp nhận hy sinh và là người can đảm.
Bởi áp lực công việc không nói nên lời, nó chìm khuất trong những cơn đau và niềm vui tái sinh của người bệnh. Nghề nào cũng cần có chữ "tâm" và nghề điều dưỡng cũng vô cùng cần thiết khi hằng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo. Dù vất vả nhưng các chị vẫn luôn sống hết mình với nghề, coi bệnh viện là nhà, bệnh nhân là người thân để trao gửi yêu thương.
* Nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà Florence Nightingale - người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại, cũng như sự ghi nhận, tôn vinh vai trò của người Điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh, năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đã chọn ngày 12/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Điều dưỡng.
Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 được lấy theo ngày sinh của bà Florence Nightingale (người Anh) - người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại
Năm 2024 với chủ đề “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta - Sức mạnh kinh tế của chăm sóc điều dưỡng”, ICN khẳng định nghề điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong tương lai, mang lại sức mạnh kinh tế qua hoạt động chăm sóc y tế, giúp con người và xã hội khỏe mạnh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đầu tư vào nghề Điều dưỡng có ý nghĩa kinh tế, là điều cần thiết để chúng ta đạt được bảo hiểm y tế toàn dân và là bước quan trọng hướng tới một cộng đồng toàn cầu khỏe mạnh, thịnh vượng hơn. Thế giới đã chú ý đến sự chăm sóc tận tình của các Điều dưỡng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và giờ là lúc mọi người nhận ra những tác động lâu dài và sâu rộng mà nghề Điều dưỡng mang lại trong việc hồi phục hệ thống y tế.