Nữ điều dưỡng mừng rơi nước mắt khi nghe trẻ bại não có thể phát âm

Bài, ảnh: An Khê
05/05/2023 - 12:22
Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Vui, Điều dưỡng Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.

Hằng năm, Khoa Nhi của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi bại não, chậm phát triển trí tuệ, khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, các dị tật bẩm sinh… Mỗi bệnh nhi được điều trị với các lĩnh vực phục hồi chức năng khác nhau như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ chỉnh hình.

Gần 20 năm gắn bó với công việc phục hồi chức năng bệnh nhi, tiếp xúc với bệnh nhân từ 8 tháng đến 10 tuổi, chị Nguyễn Thị Vui, Điều dưỡng Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi. Có trường hợp một em bé bại não được điều trị trong một thời gian dài nhưng không cải thiện do tình trạng của bé quá nặng. Gia đình của bé cũng chán nản, muốn cho con về để tự chăm sóc tại nhà. Những lúc đó, chị cũng như các cán bộ y tế của khoa động viên gia đình khi nào có điều kiện thì đưa con tới bệnh viện và hướng dẫn các bài tập tại nhà cho bé. 

"Chúng tôi rất lo lắng, bởi đưa con về nhà nếu không tập luyện thì bé dễ bị teo cơ cứng. Khớp cứng lại thì việc chăm sóc rất khó. Đặc biệt, khi luyện tập, nếu không có chuyên môn mà cứ tập, kéo mạnh thì rất dễ xảy ra tai biến. Vì vậy, các điều dưỡng luôn tư vấn kỹ để người nhà bệnh nhân hiểu. Tuy nhiên, có phụ huynh tuân thủ, có người không vì họ cho rằng mình đã biết nhiều phương pháp khi đưa con đi khắp nơi điều trị, khiến việc phục hồi càng thêm khó khăn", chị Vui cho biết.

Chị Nguyễn Thị Vui hướng dẫn bệnh nhi tập các động tác phục hồi chức năng

Chị Nguyễn Thị Vui hướng dẫn bệnh nhi tập các động tác phục hồi chức năng

Chị Vui cho biết, đa số bệnh nhi điều trị tại khoa chưa giao tiếp, chưa bật được âm, chỉ gật hoặc lắc đầu. Vì thế, nhân viên y tế phải rất thận trọng, quan sát nét mặt, độ co giãn cơ của bệnh nhi để tiếp tục các phương pháp phục hồi. Trong quá trình điều trị mà nghe được các cháu phát âm thì không chỉ gia đình mà các điều dưỡng cũng vui mừng không kém. "Gần đây, có bé 4 tuổi ở Bắc Giang đến điều trị, bé đang tập phát âm đơn. Mỗi đợt điều trị của bé khoảng 3 tuần, về nhà nghỉ 1 tuần rồi quay lại viện để tiếp tục liệu trình. Lần nào quay trở lại điều trị bé cũng đi chào tất cả các y, bác sĩ trong khoa. Phát âm chưa rõ nhưng nghe được bé nói câu chào, đó là động lực cho những người làm nghề như chúng tôi", chị Vui xúc động nói.

Cái khó trong điều trị bệnh nhi không chỉ là việc các bé không thể giao tiếp bình thường mà còn là sự hợp tác của phụ huynh. Có những phụ huynh khi được nghe phân tích tình trạng của con thì không chấp nhận, cán bộ y tế phải thuyết phục nhiều lần. Các em nhỏ khi đau không biết nói, biết chỉ như người lớn, ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc tiêu cực của các em chỉ có tiếng khóc. Còn cha mẹ của bệnh nhi không chỉ mệt mỏi về thể chất mà còn là gánh nặng tâm lý, tài chính. Thấu hiểu điều đó, 16 cán bộ của khoa, mỗi người có một nhiệm vụ nhưng ai cũng nhiệt tình, dồn hết tâm sức chăm sóc trẻ, chia sẻ với gia đình người bệnh.

"Chị Vui là Điều dưỡng trưởng rất trách nhiệm trong công việc, có trái tim ấm áp yêu thương. Khi thấy cháu nào có hoàn cảnh khó khăn, chị Vui sẽ tìm cách kết nối hỗ trợ các cháu", bác sĩ Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách khoa Nhi, chia sẻ về đồng nghiệp của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm