pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghịch lý ở Hòa Bình: Người dân 17 năm khát nước sạch bên công trình nước sạch
17 năm qua, người dân vẫn thiếu nước sạch trong khi công trình tiền tỷ “đắp chiếu”
Chúng tôi tìm tới thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình), hỏi đường đến nhà máy nước, nhiều người lắc đầu không biết. Trong khi đó, các bậc cao niên cũng phải "lục tìm" trong trí nhớ một hồi mới định hình được nhà máy nước nằm ở Tiểu khu Đoàn Kết.
"17 năm rồi chúng tôi đã quên khái niệm nước sạch. Nhắc lại buồn lắm. Năm 2006, nhà máy nước được xây dựng, năm 2007 thì đi vào hoạt động nhưng được khoảng hơn 1 tháng thì giếng khoan bị sụt và bị bỏ hoang từ đó", bà Quách Thị Thi, một người dân ở tiểu khu Đoàn Kết, chia sẻ.
Cũng theo bà Thi, thời điểm nhà máy nước sạch "có vấn đề", bà và hàng trăm hộ dân trong tiểu khu vẫn chờ cơ quan chức năng sửa chữa để bà con tiếp tục được dùng nước sạch. Niềm tin đó là có cơ sở khi các hộ dân đều đã lắp đặt hệ thống nước, bể chứa, thậm chí là cả máy giặt.
Tuy nhiên, chờ từ ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác nhưng nhà máy vẫn đóng cửa, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng không có câu trả lời thỏa đáng.
Vất vả tìm nguồn nước sinh hoạt
Dẫn chúng tôi đến thăm nhà máy nước, ông Quách Đình Phi, Trưởng tiểu khu Đoàn Kết, cho biết: Năm 2006, sau thời gian thăm dò, Tiểu khu Đoàn Kết đã được chọn là nơi khoan giếng. Theo kế hoạch, nước từ giếng sẽ được dẫn lên nhà máy xử lý đặt trên đỉnh đồi rồi dẫn về các tiểu khu trong thị trấn.
"Những ngày đầu mới bơm nước lên, tôi đã linh cảm không ổn vì trong nước có rất nhiều bột đá. Sau đó không lâu, người dân được thông báo giếng bị sụt, không thể bơm được nữa", ông Phi kể.
Sau 17 năm "cửa đóng then cài", các hạng mục nhà máy đã xuống cấp nghiêm trọng. Con đường bê tông dẫn lên nhà máy nước bị cây cối che khuất, cánh cửa nhà máy bị gỉ sét và khóa chặt. Phía bên trong chỉ còn lại 2 khối nhà xây, trụ, bể lọc nước bằng thép cũng đã hoen gỉ.
Tại khu vực giếng khoan, người dân đã trưng dụng khu đất trống để trồng rau. Ông Phi nói rằng máy bơm vẫn còn trong mấy ụ xi măng nhưng người dân ở quanh đó quả quyết "máy bơm đã bị trộm tháo bán lâu rồi".
Không thể chờ nhà máy được sửa chữa, người dân đã quay về dùng nước theo cách "truyền thống" là lấy từ các mó, khe, lạch trên địa bàn và hứng nước mưa làm nước ăn. Thế nhưng, các mó nước cũng ngày càng cạn kiệt, vào mùa khô, người dân ở đây thường đối diện với tình trạng thiếu nước nên một số hộ dân đã đào giếng hoặc khoan giếng.
Một trong những hộ dân tiên phong đào giếng ở Tiểu khu Đoàn Kết chính là gia đình ông Quách Đình Phi. Nhà ông Phi đã bỏ ra số tiền khá lớn để đào giếng nhưng khi giếng được đào sâu đến 12m vẫn khô không khốc nên nhà ông đành bỏ cuộc.
Quyết tâm phải tìm bằng được nguồn nước, ông Phi đã tìm thợ khoan giếng có tiếng về thăm dò. Sau đó, ông Phi bỏ ra mấy chục triệu đồng để khoan giếng sâu đến 50m. Trớ trêu là nước vẫn nhỏ giọt, bơm cả ngày cũng chỉ được vài xô nước.
Chán nản, ông Phi đành bỏ giếng. Hàng ngày, gia đình ông phải đi gánh nước từ mó về dùng và hứng nước mưa để nấu ăn.
Cách đây mấy năm, thấy một số hộ dân trong tiểu khu khoan giếng thành công, ông Phi lại thử nghiệm lần nữa. Giếng khoan lần này sâu hơn 90m và may mắn đã thành công. Kể từ đó, gia đình ông được dùng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt còn nước để ăn uống vẫn phải hứng nước mưa vì nước giếng khoan ở vùng này nhiễm đá vôi.
Ông Phi cho biết, giếng khoan nhà ông chất lượng khá tốt, còn các hộ dân ở vùng thấp thì nước giếng khoan đục - trong theo thời tiết. Trời nắng nước trong nhưng chỉ cần cơn mưa lớn là nước lại đục ngầu.
Điều này cũng khiến các hộ dân lo sợ thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu được sử dụng trong nông nghiệp có thể thẩm thấu vào nguồn nước.
"Tiểu khu Đoàn Kết có 184 hộ và hiện có gần 100 giếng khoan. Do địa hình nơi đây cao nên việc tiếp cận được mạch nước ngầm không dễ dàng. Ngoài ra, để khoan giếng cũng rất tốn kém nên một số hộ dân đã chung nhau một giếng. Nước sinh hoạt tạm thời đã được giải quyết nhưng nước sạch vẫn là điều người dân mong mỏi bấy lâu nay", ông Phi tâm sự.
Hơn 5.000 người dân sẽ có nước sạch vào năm 2025?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc, cho biết: Thị trấn Đà Bắc có khoảng 8.000 dân, cùng với đó là hàng trăm cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ đóng trên địa bàn.
Việc không có nước sạch sử dụng trong nhiều năm qua khiến cuộc sống của người dân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị hết sức khó khăn. Một số trường học trên địa bàn phải "tự thân vận động" khi ký hợp tác với một số đơn vị đưa hệ thống máy lọc về lắp đặt tại trường.
"Hiện có khoảng 5.000 người dân không được sử dụng nước sạch, tập trung ở các tiểu khu: Thạch Lý, Liên Phương, Đoàn Kết, một phần tiểu khu Lâm Lý, Tân Lý, Mu… Còn lại 3.000 người được sử dụng nguồn nước từ chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Tú Lý.
Nguồn nước hiện được người dân sử dụng từ các mó, khe, lạch trên địa bàn nhưng không ổn định. Trong khi đó, nguồn nước giếng khoan cũng không đảm bảo khi chưa được cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng", ông Hùng nói.
Đường ống dẫn nước sau nhiều năm bỏ không cũng đã hư hỏng
Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc cho biết thêm, việc không có nước sạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Đà Bắc cũng là thị trấn hiếm hoi trong cả nước đến nay vẫn chưa có nước sạch.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị nhưng vấn đề này ngoài tầm xử lý của địa phương nên chính quyền thị trấn cũng chỉ biết chuyển những kiến nghị này lên cấp trên.
Theo báo cáo của các đơn vị liên quan, dự án cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Đà Bắc được UBND tỉnh Hoà Bình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Năm 2007, công trình hoàn thành. UBND tỉnh bàn giao cho Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hòa Bình (nay là Công ty CP nước sạch Hòa Bình) quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, xung quanh công trình này còn tồn tại rất nhiều vấn đề dẫn đến việc nhà máy bị bỏ hoang suốt 17 năm qua.
Mới đây, ngày 11/7/2024, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị họp bàn và đề xuất giải pháp cấp nước cho thị trấn Đà Bắc nhằm phục vụ nhu cầu về nước sạch của nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc nói chung, thị trấn Đà Bắc nói riêng.
Hội nghị yêu cầu Công ty CP nước sạch Hòa Bình báo cáo, làm rõ việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng, khai thác tài sản nhưng không hạch toán kế toán. Quá trình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp không đưa vào giá trị cổ phần hóa nhưng không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý tài sản theo quy định.
Với UBND huyện Đà Bắc, cần làm rõ việc quản lý, bàn giao hồ sơ tài sản công trình không kịp thời (bản lưu do đơn vị nào lưu trữ), dẫn đến việc tài sản công trình không được theo dõi, hạch toán trên sổ sách kế toán đúng quy định.
Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng, khai thác tài sản, việc xử lý tài sản sau đầu tư đối với công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Đà Bắc.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đề xuất thu hồi tài sản từ Công ty CP nước sạch Hòa Bình giao UBND huyện Đà Bắc quản lý, sử dụng.
UBND huyện Đà Bắc có trách nhiệm quản lý, lập phương án xử lý, khai thác tài sản công trình cấp nước sinh hoạt, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tổ chức thực hiện xử lý, khai thác tài sản theo phương án được phê duyệt.
UBND huyện Đà Bắc phải xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện (báo cáo trước ngày 30/7/2024), đảm bảo hoàn tất công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư trong năm 2024 và đến tháng 6/2025, đảm bảo có nước sạch phục vụ nhân dân thị trấn Đà Bắc.
Với sự vào cuộc của Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình và nhiều đơn vị liên quan, người dân Đà Bắc rất kỳ vọng, nhà máy nước ở thị trấn vùng cao này sẽ được "tái sinh".
Tuy nhiên, một lãnh đạo thị trấn bày tỏ sự lo lắng khi đầu tư xây dựng một nhà máy nước rất tốn kém, trong khi người dân khá ít, chưa kể đời sống còn thấp, liệu có doanh nghiệp nào chấp nhận đầu tư? Kế hoạch năm 2025 có nước sạch cho người dân liệu có thành hiện thực?