Người lớn tuổi rất dễ tử vong vì hít sặc

Đông Quân
27/01/2021 - 20:00
Người lớn tuổi rất dễ tử vong vì hít sặc

Bác sĩ chăm sóc cho người bệnh

Hít sặc là nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng viêm phổi hít nặng và tử vong ở người lớn tuổi. Đáng nói là tình trạng này dễ dàng xảy ra do sơ suất, bất cẩn trong ăn uống.

PGS.TS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, hiện nay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp bị hít sặc từ ngoài vào, chiếm đa số do chăm sóc tại nhà (trung bình 5 ca/tháng) dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Ở người lớn tuổi, nguy cơ hít sặc xảy ra nhiều hơn.

Theo TS. Dũng, hít sặc cũng là di chứng của đột quỵ nhồi máu não. Khoảng 52% trường hợp xảy ra sau đột quỵ cấp. Hít sặc, mắc dị vật đường thở ở người cao tuổi đặc biệt nguy hiểm vì hệ hô hấp, đường thở của họ thường đã yếu, lão hóa. Vì vậy, rất dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi hít, nhiễm trùng gây tử vong dù đã được nội soi lấy dị vật ra ngoài. Một nguy hiểm nữa khi hít sặc là dịch vị dạ dày tràn vào, có tính axít sẽ gây tổn thương rộng đường hô hấp

Theo bác sĩ, triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở và tím tái đối với trường hợp nặng. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường bị bỏ qua và điều trị sơ sài. Nhiều trường hợp bị hít sặc, có hạt cơm, mẩu thịt nhỏ rơi vào đường thở nhiều tháng, không được phát hiện và chỉ điều trị viêm hô hấp.

Điều trị hít sặc thường khó thành công, vì vậy biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Để đề phòng, người nhà cần nhận biết dấu hiệu rối loạn nuốt gồm: khi ăn uống hay bị rơi ra ngoài, hay chảy nước bọt, nhiều đàm, khó khăn khi nhai cắn, ăn chậm không nhai nuốt mà ngậm thức ăn hoài trong miệng. Cần nghĩ ngay đến hóc dị vật, hít sặc, kiểm tra và cho người cao tuổi đi khám ngay khi có triệu chứng: ho sặc khi nuốt, khi đang nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần…

Để dự phòng hít sặc, cần lưu ý một số điểm khi chăm sóc người bệnh như: phải ngồi khi ăn, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại thực phẩm hoặc thức uống nào; ăn miếng nhỏ, gập cổ khi nuốt không được ngửa cổ; không xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi đang ăn; không nói chuyện, nhất là không được cười nói khi nhai; tránh dùng các thuốc an thần, gây ngủ ngoài chỉ định và phải vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh viêm phổi hít phải.

Quy tắc chăm sóc đối với người bệnh có rối loạn nuốt:

- Chỉ ăn uống khi tỉnh táo. Ăn, uống chậm, từng muỗng, từng ngụm nhỏ.

- Để thức ăn phía bên môi và lưỡi mạnh (bên yếu thức ăn bị chảy ra ngoài). Nhắc người bệnh nuốt bằng lời nói hoặc bằng động tác sờ vào hai bên má.

- Dùng tay hỗ trợ môi, hàm, cằm của người bệnh nếu bệnh khó mở miệng. Không nói khi đang nhai và nuốt. Nhắc người bệnh nuốt nước bọt hoặc nhổ ra.

- Nuốt 2-3 lần cho hết trước khi ăn, uống muỗng tiếp theo. Khi ăn canh, phở thì ăn riêng phần nước với phần cái .

- Đủ ánh sáng. Tránh các yếu tố gây xao lãng như tivi, radio và đông người. Cần động viên, khuyến khích, kiên nhẫn và giữ bầu không khí thoải mái, vui vẻ.

- Cần vệ sinh miệng cho người bệnh sau khi ăn. Không sử dụng mật ong vì dễ gây sâu răng và phát triển vi khuẩn. Không dùng nước súc miệng có cồn vì sẽ làm khô miệng, dễ gây tình trạng viêm và nhiễm trùng cho người bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm