Nguy cơ 11 triệu trẻ em gái không được đi học trở lại sau đại dịch Covid-19

Nhu Thụy
14/07/2021 - 12:24
Nguy cơ 11 triệu trẻ em gái không được đi học trở lại sau đại dịch Covid-19

Nỗi buồn thất học

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 đi qua thì di chứng của nó vẫn ảnh hưởng nặng nề đối với nhiều trẻ em trên thế giới. Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo về một thế hệ trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận giáo dục.
Ảnh hưởng tiêu cực cả đời

Rachel Muthoni (19 tuổi) đến từ làng Irimba ở hạt Tharaka-Nithi (Kenya) đã nghỉ học khoảng 7 tháng. Cô không có đủ tiền để trả phí hoặc thậm chí cả thức ăn. "Covid-19 đã làm gián đoạn việc học của tôi. Đại dịch xảy ra còn gây ra rất nhiều áp lực và khó khăn cho gia đình khi chật vật lo thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết", cô Muthoni chia sẻ.

Céleste A., một cô gái 15 tuổi sống ở Cộng hòa Trung Phi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, việc đóng cửa trường học đã làm cô trở nên thiếu tự tin, thiếu kiến thức. Cô phải phụ gia đình kiếm tiền sống qua ngày.

Muthoni và Céleste là 2 trong 11 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới có thể không trở lại trường học sau đại dịch Covid-19. Sức nặng kinh tế của đại dịch đã đổ lên vai phụ nữ một cách không cân xứng vì công việc nhà. Điều đó càng cho thấy thực tế rằng phụ nữ vẫn phải gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái. 

Giờ đây, một thế hệ trẻ em gái có thể bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận giáo dục. Theo báo cáo công bố tháng 4/2021 của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), hơn 1,5 tỷ học sinh ở 188 quốc gia đã phải nghỉ học do Covid-19, chiếm hơn 91% số học sinh toàn thế giới.

Nguy cơ 11 triệu trẻ em gái không được đi học trở lại - Ảnh 1.

UNICEF công bố “Lớp học Đại dịch” với con số hơn 168 triệu trẻ em trên toàn cầu phải nghỉ học do Covid-19

Bà Henrietta Fore - Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) - cho biết: "Khi đại dịch Covid-19 kéo dài, những con số này một lần nữa nhắc nhở chúng ta tình trạng khẩn cấp thảm khốc về giáo dục mà việc phong tỏa đã gây ra trên khắp thế giới. Mỗi ngày, tình trạng trẻ em bị chậm đi học trực tiếp ngày càng trầm trọng hơn". Theo bà, các em dễ bị lạm dụng tình dục, ép buộc lao động và ít có cơ hội thoát khỏi vòng nghèo đói. Bà nhấn mạnh rằng đối với những người thiệt thòi nhất, việc không đi học dù chỉ trong vài tuần có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài suốt đời. Khi số người chết do Covid-19 gia tăng, một số lượng lớn trẻ em sẽ mồ côi, dễ bị bóc lột và lạm dụng. Trong số những tác động này, việc hạn chế quyền học tập và tiếp cận các điều kiện học tập tốt, các phúc lợi tại trường học của trẻ sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Còn Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet lưu tâm đến việc, do không được đến trường nên trẻ em ngày càng bị bạo hành về thể chất và tâm lý, bị đẩy vào công việc, hôn nhân, bóc lột và buôn bán. Tỷ lệ trẻ em gái bỏ học ngày càng tăng không chỉ làm gia tăng khoảng cách giới mà còn làm tăng nguy cơ bị bóc lột tình dục và ép buộc kết hôn.

"Lớp học đại dịch" và lời kêu gọi từ UNICEF

Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và tiêm chủng cũng như một bữa ăn bổ dưỡng. Trường học đóng cửa càng lâu, trẻ em càng bị tước đoạt những khía cạnh thiết yếu của tuổi thơ. Chính vì vậy, các chính phủ không chỉ có trách nhiệm hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trong đại dịch mà còn phải xem xét các quyết định của họ hiện nay có thể duy trì tốt nhất quyền của trẻ em sau khi đại dịch kết thúc.

Nguy cơ 11 triệu trẻ em gái không được đi học trở lại - Ảnh 2.

Trẻ em học trong thời dịch bệnh

Nhiều chuyên gia khuyến cáo các chính phủ nên nhắm mục tiêu hỗ trợ kinh tế, bao gồm cả chuyển tiền mặt để giúp các gia đình nghèo, khuyết tật, các gia đình dễ bị tổn thương nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ mà không cần sử dụng đến lao động trẻ em hoặc lựa chọn tảo hôn. Các chính phủ cần khẩn trương mở rộng các chương trình phân phối thực phẩm cho các gia đình dễ bị tổn thương, bao gồm việc phân phát bữa trưa miễn phí từ các trường học, ngay cả khi họ không tổ chức lớp học.

Các chính phủ mở rộng chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em, bao gồm cách phòng ngừa, cách xác định các dấu hiệu cảnh báo về bạo lực tiềm ẩn tại gia đình, cách tiếp cận các dịch vụ. Đồng thời, chính phủ các nước phải chú trọng các biện pháp chuyên sâu để bảo vệ trẻ em gái vị thành niên trước nguy cơ tảo hôn và trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

UNICEF đã công bố "Lớp học Đại dịch", một lớp học mô phỏng bao gồm 168 bàn trống, mỗi bàn đại diện cho 1 triệu trẻ em sống ở các quốc gia có trường học đã đóng cửa thời gian qua. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc về các lớp học vẫn đóng cửa trên toàn thế giới. Theo Giám đốc Điều hành UNICEF, phòng học này đại diện cho hàng triệu chỗ học vẫn còn trống, thậm chí nhiều chỗ còn trống trong gần một năm. Ở mặt sau của mỗi chiếc ghế trống là một chiếc ba lô rỗng. Điều này thể hiện sự ngưng trệ tiềm năng của một đứa trẻ.

Theo UNICEF, khi học sinh trở lại trường học, các em sẽ cần được hỗ trợ để phục hồi và bắt kịp việc học. Kế hoạch mở lại trường học phải bao gồm các biện pháp để bù đắp cho quá trình học tập bị gián đoạn do dịch bệnh. UNICEF kêu gọi các chính phủ ưu tiên những nhu cầu riêng biệt của mỗi học sinh, thông qua các dịch vụ khắc phục hậu quả, sức khỏe và dinh dưỡng toàn diện, các biện pháp bảo vệ và sức khỏe tâm thần dựa vào trường học nhằm thúc đẩy sự phát triển và hạnh phúc cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguồn: UN, UNICEF, HRW
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm