Nam Định: Nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

Trần Lê
07/10/2023 - 18:00
Nam Định: Nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

Từ các chính sách hỗ trợ, nhiều phụ nữ tự tin vươn lên phát triển kinh tế

Ông Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định, chia sẻ về các chính sách của Chính phủ nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế

- Thưa ông Đặng Ngọc Rung, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế của phụ nữ tỉnh Nam Định?

Nam Định có diện tích đất tự nhiên 1.668 km2, nằm ở vùng duyên hải Đồng bằng Bắc bộ nên địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Đồng thời Nam Định có bờ biển dài 72 km với ngư trường rộng lớn nên trước hết, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế của tỉnh là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) và nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản.

Nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Ông Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định

Theo số liệu thống kê, năm 2022 tỉnh có trên 89 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, 16,9 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng lương thực đạt gần 900 nghìn tấn, sản lượng thịt hơi các loại đạt 181,8 nghìn tấn, sản lượng thuỷ hải sản khai thác và nuôi trồng đạt 186,4 nghìn tấn. Sản lượng này không những đủ cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước mà còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Đồng thời, tỉnh Nam Định có nền sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển tương đối sớm với nhiều ngành nghề truyền thống, là một trong những trung tâm dệt may hàng đầu của cả nước. 

Trên địa bàn tỉnh có 125 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm với các nghề ươm tơ, dệt lụa, thêu ren, chạm khắc gỗ, mây tre, cói đan, sơn mài, đúc đồng…

Nam Định có dân số 1.877 ngàn người, 1.065 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động nữ 552 nghìn người, chiếm gần 52% tổng số lao động. 

Như vậy, phụ nữ Nam Định có thể khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, để phát triển kinh tế trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là  phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương.

- Thời gian qua, Chính phủ, tỉnh Nam Định đã nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Xin ông điểm qua một số chính sách nổi bật?

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó có một số chính sách dành riêng cho phụ nữ như: Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025" nhằm Hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp; Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" nhằm phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Trong Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cũng quy định nguyên tắc hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng lao động nữ đủ điều kiện được hỗ trợ trước.

Nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ ba từ phải sang) và lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Nam Định tham quan gian hàng của phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Nam Định

Tỉnh Nam Định không ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dành riêng cho phụ nữ mà tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho phụ nữ của TƯ như: UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 11/10/2018  thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030";  Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 29/5/3023 thực hiện Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" tỉnh Nam Định.  

Việc triển khai các  Đề án đã khuyến khích, thu hút các hộ gia đình phụ nữ sản xuất kinh doanh và nhiều doanh nghiệp nữ, các HTX, các tổ liên kết tích cực tham gia, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với tỉnh Nam Định, cùng với việc triển khai các Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025" và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"; để đồng hành, hỗ trợ chị em tận dụng được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm mang bản sắc vùng miền, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: khởi sự doanh nghiệp, đào tạo lao động, khuyến công, khuyến nông, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại…

Nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Nam Định có nhiều chính sách hỗ trợ triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh

Trong lĩnh vực phát triển sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã có Quyết định số 47/2021/QĐ-UBND ngày 27/10/2021 ban hành Quy định mức chi hỗ trợ triển khai, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh. Do vậy hiện nay tỉnh Nam Định đã có 330 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên (47 sản phẩm 4 sao, 283 sản phẩm 3 sao) với 4 nhóm ngành hàng (thực phẩm, nông sản, thủy sản và du lịch) của 183 chủ thể hộ gia đình, doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong đó có 48 chủ hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX là nữ có 82 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đặc biệt có một số sản phẩm khởi nghiệp từ nguyên liệu địa phương.  

- Có thể nói, tài nguyên bản địa đóng vai trò then chốt để từ đó, chị em có thể khai thác, tận dụng, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ của riêng mình. Tuy nhiên, để đưa tài nguyên thành sản phẩm, là cả một hành trình dài. Chị em phải đối mặt với những vấn đề nào, thưa ông?

Những tài nguyên bản địa là sản phẩm không dễ đổi mới sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ của riêng chủ thể. Từ ý tưởng sáng tạo, để đưa tài nguyên thành sản phẩm, dịch vụ mới là cả một hành trình dài. Chị em, hộ gia đình phải đối mặt với khó khăn, hạn chế như thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

Đối với phụ nữ khởi nghiệp là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX còn thêm những hạn chế về kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tài chính, marketing...

Từ các chính sách hỗ trợ, nhiều phụ nữ tự tin vươn lên phát triển kinh tế

- Trước những vướng mắc đó, theo ông, cần có những giải pháp gì để gỡ khó cho chị em?

Từ những khó khăn, hạn chế mà chị em phải đối mặt trong quá trình đổi mới, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới từ tài nguyên bản địa tôi cho rằng những giải pháp gỡ khó cho chị em không phải chỉ đến từ các cấp hội phụ nữ mà cần sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Cụ thể, Hội LHPN tỉnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, HTX do phụ nữ làm chủ, trong đó chú trọng việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay cho phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh; Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ đào tạo kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, kiến thức nâng cao quản lý và điều hành doanh nghiệp, HTX; Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ các thủ tục về xây dựng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về các hoạt động khuyến nông, tư vấn xây dựng các sản phẩm OCOP; Sở Công Thương phối hợp hỗ trợ trong các hoạt động khuyến công…

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm