Nhức nhối tình trạng môi giới lao động đi nước ngoài bất hợp pháp, bỏ trốn

H.H
17/06/2020 - 21:59
Nhức nhối tình trạng môi giới lao động đi nước ngoài bất hợp pháp, bỏ trốn

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề được ĐBQH nêu về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Giải trình trước Quốc hội chiều 17/6 về lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhìn nhận: Một thách thức, thậm chí yếu kém, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng lao động bỏ trốn ở lại vi phạm hợp đồng, thông qua nhiều trường hợp làm xấu đi hình ảnh của đất nước.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu chiều nay (17/6) về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ thực tế còn có những khó khăn, hạn chế diễn ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đặc biệt là tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại làm việc bất hợp pháp ở các nước. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại làm việc cao nhất. Có thời điểm, tỷ lệ này lên tới gần 50%.

Đến nay, hiện tượng này vẫn còn là thách thức, thậm chí yếu kém, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng lao động trốn ở lại vi phạm hợp đồng, thông qua nhiều trường hợp làm xấu đi hình ảnh của đất nước.

Để giải quyết tình trạng trên, theo người đứng đầu ngành lao động, phía Việt Nam và đối tác đã có nhiều giải pháp khác nhau. Thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng với các địa phương chấn chỉnh rất nhiều. Bộ đã xem xét xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau trong tổng số 459 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nhờ đó, hiện nay tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn ở lại Hàn Quốc chỉ còn khoảng 25%, thấp hơn mức chúng ta cam kết là dưới 30%.

Nhức nhối tình trạng môi giới lao động đi nước ngoài bất hợp pháp, bỏ trốn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ông Đào Ngọc Dung cũng đề nghị từ nay không dùng từ "xuất khẩu lao động" nữa, bởi cụm từ này mang nặng tính chất hàng hóa, không phù hợp để dùng cho người lao động.

Về một số nội dung khác đại biểu quan tâm, như về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài là một phần của phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Luật hiện hành thì quy định 4 hình thức gồm:

Một là, lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH.

Hai là, đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhận công trình.

Ba là, đi thông qua doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài.

Bốn là, đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng; lực lượng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký thông qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết thêm, một hình thức mới xuất hiện khoảng 2 năm trở lại đây, là các địa phương của Việt Nam, 1 tỉnh Việt Nam với 1 địa phương của một tỉnh khác ở một nước khác hợp tác lao động với nhau, hợp tác ngắn hạn là 3 - 4 tháng, đưa lực lượng lao động cả xã sang đó lao động và hết thời vụ sẽ trở về.

Sau 12 năm thi hành, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã từng bước đi vào cuộc sống.

Hàng năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc cho nước ngoài theo hình thức hợp đồng.

Hiện nay cả nước có 580.000 người đang lao động ở nước ngoài và lao động Việt Nam đang tham gia vào thị trường của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

Do đó dự thảo Luật lần này quy định thêm hình thức thứ năm là lao động ngắn hạn. Đối với hình thức này, UBND tỉnh ký kết theo điều ước và hợp tác về lao động. Khi đó sẽ có đơn vị sự nghiệp chính là Trung tâm lao động trực thuộc UBND tỉnh hoặc Trung tâm lao động trực thuộc Sở LĐ-TB&XH đứng ra tổ chức hoạt động này. Đơn vị này tương đương như một đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành đã được cho phép ở Luật hiện hành.

Trưởng ngành lao động cho biết thêm, dự thảo luật lần này chỉ điều chỉnh quan hệ lao động theo hợp đồng. Còn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức như: theo con đường bất hợp pháp, lao động không có hợp đồng lao động, di cư tự do, đi theo lao động đường biên hay trường hợp đi du lịch hoặc thăm thân một cách bình thường sau đó tìm cách ở lại lao động; và trường hợp, lao động dịch chuyển, lao động tự do… sẽ không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm