pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Các nhà khoa học nữ tìm hiểu các sản phẩm khoa học công nghệ
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ 4-5/10, Hội thảo Giới và STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) có sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế và Việt Nam. Trong đó tập trung vào các nội dung định kiến giới, khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và các giải pháp, chiến lược quan trọng khuyến khích phụ nữ tham gia STEM.
Chia sẻ về vấn đề "Thiên vị vô ý thức trong STEM: Tác động đến lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ và sự toàn vẹn của công nghệ AI", GS. Yoko Nameki, Giáo sư đại học Chuo University (Nhật Bản) cho biết, thành kiến vô thức thường là yếu tố cản trở thành công của phụ nữ.
"Ở Nhật Bản, quan niệm phổ biến cho rằng 'phụ nữ không phù hợp với vị trí quản lý' hoặc 'khoa học là việc của đàn ông, nhân văn thuộc về phụ nữ' là những ý tưởng được xã hội chấp nhận dựa trên sự bóp méo và thành kiến trong nhận thức của người dân. Một trường hợp điển hình đã được báo cáo trong cuộc khảo sát của chúng tôi, đó là 80% nhà quản lý tại các viện nghiên cứu tin rằng họ giao công việc cho nam và nữ như nhau, nhưng chỉ có 30% nhà nghiên cứu nữ tin như vậy. Sự khác biệt này làm nổi rõ các thành kiến vô thức vẫn là rào cản đáng kể đối với sự thăng tiến của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản.
Ngoài ra, mặc dù trình độ khoa học của nữ sinh Nhật Bản cao theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tỷ lệ phụ nữ theo học các ngành STEM có số lượng nữ sinh theo học tại các cơ sở giáo dục đại học lại thấp nhất trong số các quốc gia thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Chính những thành kiến vô thức ảnh hưởng đến sự lựa chọn và quyết định nghề nghiệp của nữ sinh viên trong các ngành STEM, có mối liên quan đến sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kỹ thuật", GS. Yoko Nameki cho biết.
Tình trạng thiếu hụt phụ nữ trong lĩnh vực STEM đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực hệ thống thông tin (IS) là vấn đề mà GS. Rie Yamaguchi, Đại học Aoyama Gakuin University (Nhật Bản) nhấn mạnh. Lý giải về điều này, GS. Rie Yamaguchi cho biết, phụ nữ làm việc trong lĩnh vực CNTT phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ phải tự học các kỹ năng của nam giới để làm việc trong môi trường do nam giới "thống trị" mà không làm ảnh hưởng đến định dạng giới của họ.
Giống như nhiều quốc gia, Malaysia cũng đang phải đối mặt với khoảng cách giới tính diễn ra trong các lĩnh vực STEM. Bà Ir.Rusnida Binti Talib, Ban kỹ sư nữ, Viện Kỹ sư Malaysia cho biết, có nhiều rào cản với sinh viên nữ trong giáo dục STEM. "Chẳng hạn như chương trình giảng dạy thiên vị giới, thiếu sự khuyến khích và hỗ trợ cho các môn học STEM và không đủ hình mẫu phụ nữ trong các bối cảnh giáo dục STEM. Trước những rào cản này, chúng tôi đưa ra các chiến lược quan trọng như tạo ra chương trình giảng dạy bao gồm giới, cung cấp các chương trình cố vấn được thiết kế riêng cho sinh viên nữ, đào tạo các nhà giáo dục về nhạy cảm giới và tạo ra các mạng lưới, sáng kiến hỗ trợ có thể thu hút phụ nữ theo đuổi STEM và khuyến khích họ lựa chọn các nghề nghiệp liên quan đến STEM", bà Ir.Rusnida Binti Talib cho biết.
Đề xuất về giải pháp để khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học, công nghê, TS. Lâm Thị Loan, Đại học Khánh Hòa cho biết, cần có những chính sách và chương trình cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ trong STEM, bao gồm các chính sách bảo vệ quyền lợi của nữ lao động, đào tạo kỹ năng quản lý, và cung cấp cơ hội thăng tiến công bằng.
"Mặc dù số lượng nữ lãnh đạo thành công còn ít, nhưng một số điển hình trong nghiên cứu cho thấy phụ nữ hoàn toàn có thể thành công và đạt được vị trí cao trong lĩnh vực STEM nếu có sự hỗ trợ và điều kiện phát triển thích hợp. Việc nhân rộng các mô hình thành công và thúc đẩy những câu chuyện này ra cộng đồng sẽ giúp thay đổi nhận thức và tạo động lực cho các thế hệ nữ sinh và phụ nữ trẻ", TS Lâm Thị Loan đưa ra ý kiến.
Tại buổi khai mạc Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, tại Việt Nam, dù còn phải đối mặt với định kiến giới trong hành trình theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, phụ nữ vẫn khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đội ngũ các nhà khoa học nữ phát triển cả về số lượng và chất lượng, có những công trình ứng dụng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và đất nước. Nhiều nhà khoa học, nữ giáo sư trẻ được vinh danh bởi các tổ chức quốc tế như UNESCO, Top 1% những nhà khoa học có ảnh hưởng toàn cầu, Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á...
"Về phía Hội LHPN Việt Nam, những năm qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế như: Ban hành Nghị quyết về "Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030"; Đề xuất Chính phủ phê duyệt các đề án hỗ trợ để phụ nữ chủ động, tích cực hơn trong quá trình hội nhập toàn cầu như Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939); Biểu dương, tôn vinh những nhà khoa học nữ và nữ trí thức qua việc duy trì xét, trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên; Trao học bổng cho các em nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc; Tổ chức Cuộc gặp mặt lãnh đạo Chính phủ với nữ trí thức tiêu biểu toàn quốc; Hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập Hội nữ trí thức Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trên cả nước…", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết.