Phận đắng trong những thanh chocolate

Nhu Thụy
02/11/2020 - 18:17
Phận đắng trong những thanh chocolate

Nhiều "công nhân nhí" phải làm việc trong điều kiện lao động cực nhọc, nguy hiểm

Ít ai biết, hàng triệu thanh chocolate ngọt ngào mà thế giới tiêu thụ hàng ngày có phần công sức không nhỏ của những đứa trẻ ở châu Phi. Các em không chỉ phải làm việc với cường độ nặng, liên tục suốt ngày đêm, bị trả lương rẻ mạt mà còn đứng trước nguy cơ khó thở vì thuốc trừ sâu và thương tật từ những con dao sắc lẹm được sử dụng trong quá trình làm việc.

Thanh kẹo thấm mồ hôi con trẻ

Theo Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, 20 năm sau khi ngành công nghiệp chocolate trị giá 100 tỷ USD cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em tại các cộng đồng trồng ca cao thì đến nay vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn.

Các nhà sản xuất chocolate lớn bao gồm Nestlé và Mars đã ký một thỏa thuận với các thành viên của Quốc hội Mỹ năm 2001 để chấm dứt tình trạng lao động trẻ em tại các trang trại ca cao ở Tây Phi. Năm 2010, các công ty khác hứa cắt giảm 70% các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất vào năm 2020. 1 năm sau đó, họ cam kết hỗ trợ 2 triệu USD cho mối quan hệ đối tác mới với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Chocolate có nguồn gốc từ hạt ca cao, phát triển ở vùng khí hậu nhiệt đới. Khoảng 70% hạt ca cao trên thế giới đến từ các nước châu Phi. Do đó, nhóm nghiên cứu NORC từ Đại học Chicago cho biết, gần một nửa số trẻ em (45%) trong độ tuổi 5-17 sống trong các hộ gia đình nông nghiệp ở Ghana và Bờ Biển Ngà đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất ca cao. Việc sử dụng lao động trẻ em tại châu Phi, đặc biệt tại các nước nghèo khu vực Tây Phi như Ghana, Bờ Biển Ngà, xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: Sự nghèo đói của người dân và nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới với mặt hàng chocolate. Chỉ tính riêng tại Anh, ngành công nghiệp chocolate có giá trị 4 tỷ bảng Anh. Mỗi năm, người dân "đảo quốc sương mù" tiêu thụ khoảng 660 nghìn tấn chocolate. Tuy nhiên, người ta lo sợ rằng việc giá ca cao trên toàn cầu giảm sẽ đẩy tình trạng bóc lột trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngày 24/10/2020, Tổ chức Ca cao thế giới, với khoảng 100 công ty thành viên đại diện cho hơn 80% thị trường ca cao toàn cầu, cho biết, họ sẽ tăng cường giám sát lao động trẻ em vào năm 2025 và hỗ trợ thêm 1,2 tỷ USD thu nhập cho nông dân trồng ca cao, dựa trên giá thị trường chính thức. Ông Richard Scobey, Chủ tịch Tổ chức Ca cao thế giới, nhận định: "Lao động trẻ em vẫn là một thách thức dai dẳng ở Bờ Biển Ngà và Ghana. Các mục tiêu giảm lao động trẻ em không tính đầy đủ về mức độ phức tạp, quy mô của hoàn cảnh đói nghèo ở nông thôn châu Phi và không lường trước được sự gia tăng đáng kể về sản lượng ca cao trong 10 năm qua".

Để đáp ứng được nhu cầu chocolate ngày càng lớn trên toàn thế giới, các chủ đồn điền ca cao không ngại bóc lột sức lao động của trẻ em. Theo ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hàng triệu trẻ em tại "lục địa đen" đang phải làm việc trong các khu mỏ hoặc đồn điền với điều kiện lao động cực nhọc, nguy hiểm. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng, có tổng cộng khoảng 1,56 triệu trẻ em đang làm công việc thu hoạch ca cao để làm chocolate ở những nước này. Phần lớn "công nhân nhí" phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số trẻ em làm việc trong điều kiện độc hại đã tăng 30% trong vòng một thập kỷ qua.

Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt

Có hàng trăm nghìn trang trại ca cao mọc lên ở Bờ Biển Ngà, biến đất nước này thành nguồn cung ca cao quan trọng nhất của ngành sản xuất chocolate trên thế giới. Cũng từ đây, nạn cưỡng bức lao động trẻ em đã nảy nở và đang tiếp tục lan tràn cho dù các hãng sản xuất chocolate hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ xóa bỏ điều này từ 20 năm về trước.

Nhiều trẻ đã phải bỏ học và làm công việc thu hái quả ca cao trên những khu vườn rộng mênh mông. Thông thường, các em phải làm việc liên tục 12 giờ/ngày dưới cái nắng gắt của châu Phi chỉ để đổi lấy hơn 2 bảng/ngày (tương đương gần 60 nghìn đồng/ngày).

Remy Compadre (14 tuổi), người Burkina Faso, làm việc tại đồn điền ca cao gần thành phố cảng San Pedro (Bờ Biển Ngà). Đây là nơi sản xuất 30% sản lượng ca cao của thế giới. Remy là 1 trong số khoảng 1,4 triệu trẻ em đang bị bóc lột tại quốc gia này. Thậm chí, nhiều em còn chưa từng nhìn thấy tiền khi những người chủ bóc lột tìm mọi thủ đoạn để không phải trả tiền. Anh Djene Bi, một nhân viên xã hội tại Bờ Biển Ngà, cho biết: "Thông thường, lũ trẻ chẳng nhận được gì. Chúng ngủ luôn tại những trang trại, chẳng có ngày nghỉ lễ hay cuối tuần. Ban đầu, những người chủ hứa hẹn sẽ trả tiền vào cuối năm. Tuy nhiên, họ sẽ tìm cách để không trả (tiền công) cho các em. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Rất khó để có thể thống kê những vụ trẻ em thiệt mạng vì làm việc quá sức".

Nhiều đứa trẻ được các tổ chức buôn người đưa đến từ các nước láng giềng như Burkina Faso và Mali. Sau đó, trẻ phải tham gia vào nhiều phần công việc nguy hiểm như thu hoạch bằng mã tấu, mang vác nặng, bơm phun thuốc trừ sâu. Tại đây, có tới 50% lao động trẻ em không được về nhà và có tới 2/3 bị đe dọa hoặc bạo hành thể chất.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: "Mọi doanh nghiệp cần hiểu rõ rằng lạm dụng lao động trẻ em là hành động không thể dung thứ. Họ cần nhận thức được vấn đề này trong chuỗi cung ứng nguyên liệu của mình và xử lý nó".

Nguồn: Business Insider, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm