Phan Ý Linh: “Học sinh cá biệt” thành Nhà sản xuất phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế
Phan Ý Linh: “Học sinh cá biệt” thành Nhà sản xuất phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 1.

Từng được coi là học sinh cá biệt, thành phần "bất hảo" của trường, thậm chí bỗng dưng một ngày trở thành nạn nhân của bài báo có tiêu đề "Thuê côn đồ dằn mặt bạn học" trên trang nhất một tờ báo lớn khi mới 13 tuổi, Phan Ý Linh (SN 1991) đã vượt qua những vết cứa sắc nhọn đó để trở thành một Nhà sản xuất Phim tài liệu với nhiều giải thưởng lớn tại Việt Nam và quốc tế.

Trong số đó có thể kể đến những giải thưởng tiêu biểu như: Giải A Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2018"; Giải Nhất Liên hoan phim dành cho trẻ em Đông Nam Á; Giải UNICEF Prize tại Japan Prize 2018; Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2019; Cánh diều bạc 2019; Giải thưởng Heart Prize (dành cho tác phẩm được yêu thích nhất) tại Prix Jeunesse International trong hai năm 2018 và 2020; Giải Nhất Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương 2019...

Ngoài ra, Ý Linh là "Gương mặt của năm 2019" do Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam trao tặng và còn là giám khảo trẻ nhất trong lịch sử Liên hoan Truyền hình toàn quốc, hạng mục Phim tài liệu.

Tôi hẹn gặp Linh ở một con xóm của Hà Nội (Xóm Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm). Trong chiếc váy jeans xúng xính màu xanh, trước ánh mắt tò mò của tôi, Linh cười nụ như bông cúc họa mi nở dịu hiền sau những ngày nắng hạn, làn ra rám nắng khiến cô toát lên vẻ khỏe khoắn và yêu đời. Được biết, ngày hôm trước, Linh là 1 trong số 187 người làm báo tiêu biểu được vinh danh tại Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Phan Ý Linh: “Học sinh cá biệt” thành Nhà sản xuất phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 1.

Phan Ý Linh (thứ 2 từ phải sang) nhận Bằng khen tại Hội nghị Gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu. Ảnh: Trường Nguyễn

Qua những lời mở đầu câu chuyện, tôi thấy Linh với tôi có nhiều điểm chung, vì tôi vốn thích và chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của nhà thơ Rabindranath Tagore, còn Linh thì tốt nghiệp cử nhân Tâm lý xã hội từ quê hương của chính nhà thơ.

Có lẽ chính vì vậy mà trong buổi lần đầu tiên gặp mặt này, Linh đã bật mí cho tôi những câu chuyện mà cô chưa từng kể với ai một cách chi tiết, hoặc đã từng kể nhưng đồng nghiệp của  lại bật cười vì tưởng rằng  đang trêu đùa: "Học sinh cá biệt", "Anh hùng hảo hán",... ở thời cấp 2. Bởi, ít ai có thể ngờ, đằng sau vẻ ngoài duyên dáng, sự giỏi giang và chín chắn ấy, Linh từng là "bậc anh chị" ở trường.

Từ tiếng nhạc chậm rãi của bản "Song from a Secret Garden"... được phát ra trong con ngõ vắng người qua lại, tôi bước vào những câu chuyện đến từ khu vườn bí mật của riêng Linh.

Đứa con ngoài kế hoạch khiến bố mẹ bị mất thi đua

Linh sinh ra trong một gia đình có truyền thống 2 đời làm ngoại giao. Trong đó, ông nội Linh là cố Bộ trưởng tại Bộ Ngoại giao Võ Đông Giang (tên thật Phan Bá), ba mẹ Linh đều làm trong ngành ngoại giao.

Phan Ý Linh:Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu dành nhiều Giải thưởng Quốc tế  - Ảnh 3.

Phan Ý Linh hồi bé chụp ảnh cùng ông nội

Đầu năm 1990, cơ quan của ba mẹ Linh đang phấn đấu để giành lá cờ đầu của Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện Chính sách dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Vừa nhận cờ chưa được bao lâu, cơ quan phát hiện mẹ Linh đang có bầu con thứ 3 đã 5 tháng. Linh chính là đứa trẻ khiến ba mẹ cùng đơn vị bị cắt thi đua, bản thân ba mẹ Linh bị kỷ luật không được lên lương và còn phải đóng phạt 100kg gạo cho phường để làm giấy khai sinh cho Linh.

Theo lời ba Linh kể, những năm tháng này rất quan trọng trong sự nghiệp của ba, vì có được công nhận "có tiến bộ" thì ba mới được xét lên lương, được xét các danh hiệu thi đua sau này. Trong cuộc họp kiểm điểm trước Chi bộ về vấn đề "Sinh đẻ có kế hoạch", do nghiêm túc trong việc kiểm điểm và chủ động đi triệt sản, những năm sau đó ba Linh mới được xét lên lương và xét các danh hiệu thi đua.

Về phía Linh, vì là con thứ 3 nên không năm nào em được nhận quà 1/6 một cách "chính thống" như các bạn cùng lứa tuổi. Mỗi lần cơ quan ba mẹ tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Linh luôn có quà khác với các bạn, đó là quà do ba mẹ mua để buổi hôm đó, em cũng được tặng quà như các bạn. "Bố mẹ lo em tủi thân, còn phần mình, em luôn nghĩ rằng bản thân là đứa trẻ đặc biệt nhất khi không có bạn nào có quà giống như em cả", Linh mỉm cười khi nhắc lại.

Từ "học sinh cá biệt" tới "anh hùng hảo hán"

Do được lớn lên trong một gia đình Ngoại giao nên ngay từ nhỏ, Linh đã được tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ và dân chủ trong việc giáo dục con cái. Thay vì phải lắng nghe những mệnh lệnh mang tính chất bắt buộc hay áp đặt từ người lớn thì Linh cũng như các chị của mình luôn được hỏi ý kiến, được nói lên mong muốn và suy nghĩ của bản thân. Nhưng sự tự do từ rất sớm này đâu đó mang lại cho Linh một hành trình không mấy suôn sẻ tại ngôi trường cấp 2.

Một ngày của năm Linh học lớp 7, cô giáo gọi em ra và dặn em không được chơi với bạn Nhật Anh ở lớp bên cạnh. Lý do cô đưa ra là: "Vì bố mẹ con là cán bộ, bố mẹ Nhật Anh buôn bán. Bạn Nhật Anh không ngoan". Vì đã quen với việc được thể hiện quan điểm của mình như khi ở nhà, Linh đã hỏi lại cô: "Nếu cô nói điều này với tất cả các bạn thì Nhật Anh sẽ chơi với ai?". "Cô chỉ muốn tốt cho con". Nhưng đối với Linh đó không phải là câu trả lời.

Phan Ý Linh:Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu dành nhiều Giải thưởng Quốc tế  - Ảnh 4.

Linh và hai người bạn thân (Hoa, Thanh) những năm học cấp 2

"Một hôm tới lớp, Hoa và Thanh (hai cô bạn thân lúc bấy giờ của Linh) khóc và nói rằng cô chủ nhiệm đã gọi điện thoại cho bố mẹ các bạn ấy để bảo các bạn không nên chơi với Linh vì em đang chơi với bạn không tốt. Hoa và Thanh nói vẫn sẽ tiếp tục chơi cùng Linh nhưng vì tự trọng và cũng một phần vì tổn thương mà Linh đã chủ động không chơi cùng các bạn, dù thâm tâm thì luôn nhớ 2 bạn. 

Sau đó vì buồn nên Linh đã bỏ học 1 tuần, ngồi hàng internet chơi MU. Trong suốt tuần này, Linh ngạc nhiên vì cô giáo chẳng hề thông báo với ba mẹ em việc em bỏ học. Vậy nên, đến thứ 7, ngày sinh hoạt lớp, Linh trở lại lớp vì tò mò vì không biết cô giáo sẽ xử sự như thế nào đối với mình. Tuần đó em được xếp loại hạnh kiểm trung bình do cả tuần nghỉ học không phép, cô chủ nhiệm kỷ luật Linh trước toàn lớp và yêu cầu em trả lời vì sao nghỉ học không phép. Em thấy mắt mình cay xè, cổ họng nghẹn lại không nói được. Cô vẫn tiếp tục yêu cầu lý do thì khi ấy, Linh đã nói trong nước mắt: "Vì cô nói với bố mẹ các bạn để các bạn không chơi với con. Vì sao con hư cô không nói gì với bố mẹ con mà cô lại nói với bố mẹ của các bạn?". Và cũng như lần trước, Linh không nhận được câu trả lời xác đáng từ cô giáo.

Phan Ý Linh:Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu dành nhiều Giải thưởng Quốc tế  - Ảnh 5.

"Thật sự mà nói thì những lúc biết như vậy thì tao vẫn cố cười và nói là tao đã quen với cảnh đó rồi nhưng thực ra tao đau lắm... đau lắm bọn mày ạ!", những dòng chữ được Linh viết sau một thời gian xa lánh các bạn

Từ buổi đó trở đi, như vết xe trượt dài, Linh dần trở nên bất mãn và được thầy cô liệt vào hàng "học sinh cá biệt" của lớp. Khi được gắn mác như vậy, có những học sinh sẽ buồn bã mà khép mình lại, có những học sinh sẽ bùng nổ, phá phách theo cách riêng để thể hiện mình và Linh nằm trong số đó. Linh đã thật sự nổi loạn. Linh tìm kiếm những hoạt động để làm sao giống các bậc "đàn anh, đàn chị" nhất như: trốn học, xưng bá (thấy ai gấu hơn thì khiêu chiến), có kết quả học tập tệ và có hạnh kiểm tuần luôn trung bình. 

"Trong nhóm "anh hùng hảo hán" của em hồi đó, chỉ cần bạn nào có hạnh kiểm khá trong tuần thì sẽ tự thấy xấu hổ với cả nhóm. Vậy nên, hạnh kiểm trung bình là một tiêu chuẩn để gia nhập hội. Không chỉ có vậy, em vốn đã luôn bất bình với những điều không công bằng trong lớp, hay cách đối xử của thầy cô với học sinh luôn khiến em cảm thấy cần phải vùng lên", Linh bộc bạch.

Bất ngờ là nạn nhân trên trang nhất của một tờ báo lớn

Hết học kỳ 2 năm lớp 8, trường của Linh sát nhập vào Trường THCS Đ.L để khuôn viên của trường được mở rộng hơn. Ngày hôm đó, khi Linh và các bạn đang ăn vặt ngoài cổng trường thì chứng kiện một vụ đâm nhau - một thanh niên cầm daođâm vào đùi một nam sinh trường Đ.L rồi bỏ chạy. Tất cả học sinh khi đó đều hoảng sợ, không ai dám tới gần. Thấy thế, Linh và các bạn của mình đã lại gần để giúp bạn học sinh đó ngồi lên vỉa hè và chờ thầy cô giáo ra giải quyết.

Vài ngày sau, lễ tổng kết học kỳ được diễn ra tại khuôn viên mới của trường. Do ở trong đội văn nghệ nên hôm đó Linh đã được cô giáo thanh nhạc lựa chọn để hát một bài đơn ca. Thấy Linh bước lên sân khấu, cô tổng phụ trách bỗng dưng chạy theo, giằng mic trên tay em và nói trước toàn trường, "Cô này vừa thuê côn đồ đâm bạn mà còn dám đứng ở đây à?".

Rồi cô lôi tay Linh xuống sân khấu. "Tim em đập từng hồi trống mạnh vì không hiểu chuyện gì xảy ra. Cô Hải dạy thanh nhạc là người hiểu em, vì em ở trong đội hát của cô, cô ôm em chặt và nói "Cô biết con không làm như thế!", còn em thì nấc lên từng tiếng. Các bạn xung quanh chỉ trỏ, xì xào, ai cũng đang nói đến một câu chuyện rất nghiêm trọng mà em là nhân vật chính, trong khi em không hiểu chuyện đó là gì", Linh nhớ lại.

Qua các bạn mà Linh được nhìn thấy tờ báo in, trong đó trên trang nhất là tên em hiện lên rất to với tựa đề "Thuê côn đồ dằn mặt bạn học". Đó là tất cả những gì mà truyền thông lúc bấy giờ đã đem tới cho đứa trẻ 13 tuổi: sự oan uổng, sự cô độc và tổn thương sâu sắc.

"Đã không có một cuộc gặp gỡ nào giữa nhà trường, thầy cô giáo hay nhà báo với em. Em đã không được hỏi một câu nào hay được nghe một lời giải thích nào. Mọi người cứ như đang giấu giếm em điều gì. Qua câu chuyện mà mẹ trao đổi với thầy Hiệu trưởng, em nghe được rằng ngay sau hôm xảy ra sự việc đâm nhau trước cổng trường, nhà báo đã tới trường của em để tìm hiểu và vô tình cô giáo chủ nhiệm của em cũng có mặt vào lúc đó. Cô đã cùng một vài thầy cô giáo bộ môn khác khẳng định với nhà báo rằng trong trường chỉ có em là "đủ gan" làm chuyện này và sự việc xảy ra có lẽ là để "dằn mặt" nhau. Thầy rất tiếc khi để mọi việc xảy ra như vậy nhưng tờ báo in đã xuất bản thì không thể sửa đổi được…", Linh nhớ lại.

Từng ấy thông tin đã đủ để nhà báo của một cơ quan báo chí lớn lúc bấy giờ chắp bút. Để rồi, Linh đã luôn tự vấn trong suốt nhiều năm: "Tại sao nhà báo đã không gặp em để hỏi về câu chuyện?"

Linh kể đến đây, bỗng nhiên Bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ nổi tiếng của nhà soạn nhạc Beethoven ở đâu đó vang lên. "Ánh sánh rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm, và lúc ấy ta mới nhận ra bóng tối khổng lồ đang lắc lư tới lui đã bao trùm lên ta, huỷ diệt mọi thứ bên trong ta chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận - cái khắc khoải mà trong đó mọi sự khoái lạc ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm". Tác phẩm trên được viết trong khoảng thời gian mà căn bệnh điếc của Beethoven trở nên trầm trọng, "Định mệnh" lại một lần nữa gõ cửa cuộc đời ông, mang theo bóng tối tới bủa vây và thử thách lòng can đảm, tình yêu cuộc sống của một nhà soạn nhạc tài năng.

Và tâm trạng của Linh cũng có phần nào giống như vậy. Nếu trước kia, do ảnh hưởng từ sự giáo dục của gia đình khiến em luôn tin tưởng vào lẽ phải, sự công bằng, thì giờ đây mọi niềm tin trong em đều sụp đổ với nỗi đau và sự tuyệt vọng như cơn thủy triều ập đến ngự trị rồi xâm chiếm tâm hồn, khiến em cảm thấy cuộc sống này đối với mình thật bất công biết bao.

Linh kể, "Mẹ muốn chuyển trường cho em ngay sau câu chuyện đó. Ba thì lo rằng em chuyển trường sẽ nhớ bạn bè nên khuyên mẹ nghĩ lại. Còn bản thân em thì không còn tinh nghịch nói cười như mọi ngày nữa. Lúc nào cũng để tóc rủ xuống che khuôn mặt của mình. Em không còn nhìn thấy bạn bè, thầy cô và ngôi trường của mình nữa…".

Phan Ý Linh:Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu dành nhiều Giải thưởng Quốc tế  - Ảnh 9.

Những dòng lưu bút tuổi học trò của Linh như tiên lượng được việc em sẽ phải xa trường, xa bạn.

Một ngày mưa, trên đường đi làm về, mẹ đã nói ba của Linh đỗ ở cổng trường Ngô Sỹ Liên - đây là ngôi trường mà ngày nào họ cũng đi qua trên đường từ nhà tới cơ quan. Mẹ đi vào cổng trường và hỏi chú bảo vệ lối lên phòng của cô Hiệu trưởng dù chưa có hẹn. Trên tay mẹ cầm theo tờ báo có bài viết về Linh, trong từng bước chân suy đắm về những trăn trở: "Liệu rằng người ta có nhận con bà khi biết về câu chuyện này hay không?", "Không biết ở đây người ta có thể hiểu được cô con gái nhỏ bé của bà và dạy cho nó biết cách sống hòa hợp với người khác?"... Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, cảm nhận được những giọt nước mắt, sự bất lực, cùng với tình yêu của người mẹ, thật không ngờ cô Hiệu trưởng đã đồng ý với mẹ để cho Linh học trường của cô chỉ trong lần gặp gỡ đầu tiên đó.

"Việc em được nhận vào học nhanh chóng như vậy khiến các bạn của bố mẹ chẳng thể tin nổi, vì Ngô Sỹ Liên là một trường điểm của quận Hoàn Kiếm, để xin vào rất khó. Trong khi em vừa là học sinh trái tuyến, lại chuyển vào giữa kỳ, cộng thêm với việc vừa bị lên báo. Dẫu vậy, mẹ em vẫn luôn tin vào cuộc sống, tin vào sự thật và những điều tốt đẹp trong cuộc đời này", Linh tâm sự.

Đó là những chiêm nghiệm của Linh đúc kết ra được vào thời điểm này, chứ trước ngày nhập học trường mới, tâm trạng của em rất rối bời, em không còn quan tâm bất cứ một ai cả. Lo lắng khi ngày mai nhập trường, nếu bị bạn bè ở trường mới trêu thì Linh sẽ gây gổ và đánh nhau, nên mẹ có dặn em: "Chuyện cũ đã qua thì con hãy quên nó đi, mẹ không muốn con trả thù hay làm bất cứ một điều gì sai ở trường mới". Nhưng lúc đó, vì bản thân đã hứng chịu nhiều oan uổng nên Linh không nghe lọt tai những lời của mẹ, đôi mắt Linh cứ nhìn trần nhà, tỏ thái độ không nghe. Sau rồi, vì quá bất lực với Linh nên mẹ đã dập đầu vào tường, "Em nghe có nhiều tiếng bốp bốp, nên có liếc sang nhìn và thấy trên mặt mẹ có nhiều dòng máu trên đầu chảy xuống. Em liền ôm chặt lấy mẹ và hứa: "Con hứa với mẹ là con sẽ không đánh nhau nữa, không làm gì điều gì khiến mẹ phải lo lắng cả", Linh xúc động nói.

Phan Ý Linh:Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu dành nhiều Giải thưởng Quốc tế  - Ảnh 10.

Linh hồi mới chào đời chụp ảnh cùng ba mẹ và 2 chị gái.

"Hảo hán giang hồ" trở thành "nữ sinh thanh lịch"

Trong môi trường học mới, mặc dù ban đầu có sự e dè từ các bạn nhưng rồi Linh cũng được mọi người đón nhận và tin tưởng, Linh dần dần lấy lại thành tích trong học tập. Cô Hà, chủ nhiệm Lớp 9A12 khi đó, luôn là người động viên, khích lệ em cố gắng. Để Linh trở nên tự tin, cô thường giao việc tổ chức các hoạt động của trường, lớp cho em. "Cô cho em sự tự tin rằng em là học sinh ngoan và được đối xử giống như các học sinh khác", Linh chia sẻ.

Trước sự tin tưởng của cô, Linh không ngừng nỗ lực học tập, nhanh chóng bổ sung những kiến thức thiếu hụt và đỗ vào cấp 3. Trong năm đầu theo học ở trường, với khả năng hát hay, cư xử dịu dàng nên tại cuộc thi văn hóa học đường, Linh được nhà trường trao giải "Nữ sinh thanh lịch - Bạn gái đáng mến" của khối lớp 10.

Tại ngôi trường cấp 3, các thầy cô giáo giống như những người anh, người chị, người bạn của chúng em. Chúng em được chia sẻ, được nói lên nguyện vọng, mong muốn của mình để những giờ giảng trở nên thú vị hơn. Chúng em được phát triển để trở thành từng cá thể riêng biệt, theo những sở trường khác nhau mà không bị áp đặt đúng hay sai. Trong thời gian học tập tại trường, em liên tiếp là lớp trưởng của 2 năm cấp 3 và đây cũng là khoảng thời gian những tổn thương trước đó của em dần được chữa lành".

Phan Ý Linh

Năm 2008, Linh tốt nghiệp cấp 3, theo sự gợi của mẹ - khi đó mẹ em đang công tác tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Mumbai (Ấn Độ), em dự thi và trúng tuyển vào Đại học Ấn Độ, ngành Tâm lý Xã hội. Tại trường, Linh có điều kiện hiểu sâu và nghiên cứu về tâm lý học, trong đó có tâm lý của trẻ em.

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 13.

Phan Ý Linh trong thời gian theo học tại Đại học Ấn Độ

Linh chia sẻ: "Cho đến bây giờ, em vẫn vô cùng biết ơn vì những năm tháng đó ba mẹ đã luôn đồng hành bên em. Dù có thời điểm, ba mẹ đã không thể giải thích cho em hiểu về sự công bằng, về công lý trong khi em đã phải chịu sự oan uổng, không thể kháng cự, không có cơ hội để giải thích… Nhưng ba mẹ ở bên em, bằng việc sống, lao động với niềm tin yêu cuộc đời, tin ở sự thật, sự tử tế và những điều tốt đẹp. Và chính từ tinh thần sống đó, ba mẹ đã trả lời cho rất nhiều câu hỏi của em", Linh chia sẻ.

Cơ duyên đầy bất ngờ của cử nhân Tâm lý học với Báo chí

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành Tâm lý Xã hội tại Ấn Độ, Linh xin phép mẹ trở về Hà Nội để tìm kiếm việc làm. Điều này trái với mong muốn của mẹ Linh, vì mẹ mong muốn Linh sẽ học tiếp lên Thạc sĩ rồi mới đi làm. Nhưng trước ý nguyện của Linh về sự tự lập, mẹ cho em 1 tháng về nước, nếu Linh không tìm được việc làm thì phải quay trở lại để tiếp tục việc học.

Bởi vậy, khi trở về nước, Linh đã nộp đơn tìm việc ở nhiều nơi, từ phiên dịch viên đến nhân viên tiếp thị quảng cáo, nhân viên truyền thông, tổ chức sự kiện cho tới cả những công việc ở các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP)… Nhưng 1 tháng đã dần qua mà chưa có kết quả cụ thể về công việc, trong lúc này Linh tình cờ gặp Đạo diễn Đào Thanh Hưng, khi ấy anh đang là đạo diễn ở kênh truyền hình An Viên.

Vì đã quen biết từ trước, lại biết Linh đang tìm việc làm nên đạo diễn Đào Thanh Hưng chia sẻ An Viên đang tuyển biên tập viên và đây là kênh truyền hình Phật giáo, Linh có thể thử nộp đơn vì biết đâu sẽ phù hợp với em. Sau đó, Linh được gọi đến An Viên để phỏng vấn và được nhận vào nhóm Phim tài liệu do đạo diễn Nhật Duy là trưởng nhóm và nhà báo Đặng Thái Văn chịu trách nhiệm về nội dung.

Linh chia sẻ: "Các anh là những người rất tâm huyết với nghề và cũng là những người đầu tiên truyền lửa cho em với một sự khắt khe, nghiêm khắc. Anh Duy đã dạy em về cách chọn khuôn hình, góc máy, cách thể hiện nội dung, cảm xúc qua hình ảnh, còn bác Văn là người luôn thách thức những giới hạn của em trong việc tư duy, suy nghĩ, lập luận, cũng như độ cảm của em về cuộc sống. Đó là hai người thầy đầu tiên khi em bước vào nghề và cũng là những đồng nghiệp đáng kính, cho em thấy chân dung của những con người làm việc với tình yêu nghề, yêu cuộc sống thực thụ và tình yêu đó được lan tỏa tới em một cách tự nhiên".

Phan Ý Linh: “Học sinh cá biệt” thành Nhà sản xuất phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 9.

Bước tiến lớn trong nghề tại VTV - nhà sản xuất phim tài liệu của những giải thưởng Quốc tế

Sau 2 năm sản xuất phim tài liệu, Linh đã giành được học bổng 70% của trường Đại học Bologna (Ý) và tiếp tục hành trình để trở thành Thạc sĩ Đổi mới và Phát triển Văn hóa Nghệ thuật tại đất nước hình chiếc ủng. Tốt nghiệp với kết quả Xuất sắc, Linh trở về Việt Nam và được Đạo diễn Nhật Duy - khi này anh đã chuyển sang làm việc tại Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (VTV7) - mời cộng tác trong vai trò nhà sản xuất, biên kịch cho bộ phim "Không lùi bước".

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 15.

Phan Ý Linh bàn kịch bản phim với Đạo diễn Nhật Duy tại VTV

Cùng với sự nỗ lực của cả ekip, tháng 8/2017, "Không lùi bước" được bình chọn là phim hay nhất tại ABU Doc (Hội thảo dành cho những đạo diễn, nhà sản xuất, đạo diễn phim tài liệu thuộc Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương). Với cơ duyên đó, nhà báo Nhật Hoa, Giám đốc VTV7, đã mời Linh về làm chính thức cho kênh. "Thấy những giá trị mà VTV7 đang hướng tới phù hợp với bản thân nên em đã nhận lời chị Nhật Hoa và tham gia thi tuyển vào Đài", Linh cho hay. Trong đợt thi này, Linh là thí sinh đạt điểm số cao nhất tại Kênh.

4 năm công tác, làm việc tại kênh (2016-2020), nhóm ekip của Linh gồm 8 người (1 nhà sản xuất, 1 đạo diễn, 1 biên tập, 1 quản lý sản xuất, 2 quay phim, 1 kỹ thuật, 1 dựng phim) đã sản xuất được 24 bộ phim tài liệu. Trong đó có nhiều bộ phim giành giải thưởng Quốc tế như: "Không lùi bước" (2017), "Khanh" (2018), "Chị gái" (2018), "Lâu đài nổi" (2017, 2018), "Ngôi sao vô danh" (2017, 2018), "Anh em" (2019).

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 16.

Phan Ý Linh cùng ekip dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2019. Trong ảnh, từ trái sang phải: Quay phim Sỹ Cường, Đạo diện Nhật Duy, Phan Ý Linh, Dựng phim Thành Hơn, Quay phim Thanh Hùng.

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 17.

Phan Ý Linh tham gia làm giám khảo tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2019, hạng phục Phim tài liệu

Điều đáng nói, đề tài trong các tác phẩm của Linh cùng ekip phản ánh không phải là những vấn đề to tát, đó đơn giản chỉ là những nhân vật rất đời thường (những trẻ em dân tộc thiểu số), những câu chuyện rất giản dị (ước mơ làm diễn viên xiếc của cậu bé ở mái ấm tình thương, cõng bạn đến trường)… mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể bắt gặp trong đời sống thường ngày nhưng ít ai để ý đến nó.

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 18.

Phan Ý Linh cùng các “đồng nghiệp” đang tuổi thay răng - nhân vật của chương trình “Phóng viên cấp I” trên VTV7

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 19.

Phan Ý Linh và quay phim Sỹ Cường tác nghiệp trong Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào thời điểm bệnh viện bị phong tỏa vì dịch Covid-19

Phan Ý Linh: Từ “học sinh cá biệt” đến Nhà sản xuất Phim tài liệu giành nhiều Giải thưởng Quốc tế - Ảnh 20.

Phan Ý Linh theo các chân các chiến sĩ lực lượng hải quân đi tuần tra Cột mốc số 0 vào tháng 4/2020

Ngay cả khi đã là trở thành một Nhà sản xuất Phim tài liệu nổi tiếng nhất VTV, những khi nhớ lại hình ảnh đứa trẻ 13 tuổi ngày ấy vẫn khiến Linh trào nước mắt. 

Cô tâm sự: "Em không còn ngồi trong sự tổn thương đó nữa, em nhìn vào nó như xem lại một bộ phim và tự hỏi rằng vì lý do gì mà người ta có thể đối xử với một đứa bé như vậy? Nhưng đứa bé 13 tuổi trong em đã tha thứ để tiếp tục lớn lên rồi từ đó, dù trong hoàn cảnh thế nào vẫn luôn sống thật thà, yêu thương và tử tế".

Có thể đây cũng là lý do khiến Linh rất yêu trẻ em và những đề tài về trẻ em luôn tạo nhiều cảm hứng cho cô như bộ phim "Chị gái" đạt giải thưởng UNICEF Prize tại Japan Prizes do Nhật hoàng trao tặng; bộ phim "Anh em" đạt giải Nhất ABU hay bộ phim "Ngôi sao vô danh" giải Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc...

Tại buổi trò truyện, khi tôi hỏi về kim chỉ nam cho những tác phẩm của Linh và ekip, cô bộc bạch: "Hãy đi đến tận cùng những điều bình dị của dân tộc, ta sẽ chạm tới văn minh của nhân loại". Đúng như vậy, văn minh của nhân loại suy cho cùng là sự bác ái, lòng yêu thương con người.

Những trang đầu trong cuộc đời Linh đã minh chứng ở một khía cạnh của câu nói bao quát ấy, "Đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy Tuyệt Vọng đẹp như một bông hoa" như lời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ nơi tuyệt vọng những năm tháng tuổi thơ ấy, Linh đã vượt lên để biết yêu thương mọi người và dùng hành động, công việc của mình để lan tỏa tình yêu thương đó.

Tác giả: Trường Hùng

Ảnh: NVCC