Phát triển du lịch Căng Bắc Mê để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người

PV
17/11/2022 - 10:03
Phát triển du lịch Căng Bắc Mê để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê

Huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Dao, Tày... đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Do đó, phát triển du lịch Căng Bắc Mê sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Bắc Mê (Hà Giang) tổ chức Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch huyện Bắc Mê và ra mắt sản phẩm "Về với địa chỉ đỏ - Căng Bắc Mê".

Huyện Bắc Mê có diện tích 856,07 km², dân số năm 2019 là 54.592 người, mật độ dân số đạt 64 người/km². Huyện có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Dao (37,0%), Tày (35,0%), H'Mông (21,2%) và các dân tộc ít người khác.

Trên địa bàn huyện hiện có 3 di tích được công nhận Di sản văn hóa cấp quốc gia gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo cùng bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời của các dân tộc.

Phát triển du lịch Căng Bắc Mê để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người - Ảnh 1.

Ra mắt sản phẩm du lịch về với địa chỉ đỏ Căng Bắc Mê

Khu di tích lịch sử Căng Bắc Mê nằm ở xã Yên Cường (huyện Bắc Mê) được người Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Trong tiếng Pháp "căng" có nghĩa là đồn lính, trại lính. Trước kia, đây là đồn binh của thực dân Pháp.

Năm 1938, khi phong trào cách mạng ở Việt Nam phát triển thì thực dân Pháp biến nơi này thành địa điểm giam giữ cán bộ cách mạng, chúng chuyển một số tù nhân chính trị từ Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… lên đây giam giữ. Hiện nay, Căng Bắc Mê hiện là một điểm đến được nhiều du khách yêu thích khi có khung cảnh trầm mặc, rêu phong, đậm dấu thời gian.

Phát triển du lịch Căng Bắc Mê để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người - Ảnh 2.

Khu vực Đèo gió, xã Minh Sơn, điểm du lịch dừng chân mới thuộc tuyến du lịch cao nguyên đá

Bắc Mê cũng sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối thành phố Hà Giang với huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), huyện Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), huyện Ba Bể, Pắc Nặm (Bắc Kạn); 100% tuyến đường từ huyện đến các xã đã được trải nhựa; 84% tuyến đường liên xã, liên thôn đã được cứng hóa, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cứng hóa 100% các tuyến đường.

Tiềm năng, lợi thế về di tích lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh và văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Mê là tiền đề quan trọng để Bắc Mê phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, Bắc Mê còn một số khó khăn, hạn chế trong việc phát triển du lịch, đó là: Điều kiện kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là các thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn (đường, điện, các dịch vụ xã hội...), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 48,83%) trong khi nguồn lực của huyện rất hạn hẹp; các tổ chức, cá nhân tại huyện không đảm bảo năng lực, điều kiện để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn; giao thông đi lại còn khó khăn; công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương còn nhiều yếu kém...

Phát triển du lịch Căng Bắc Mê để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc ít người - Ảnh 4.

Đại diện các công ty lữ hành khảo sát khu vực Căng Bắc Mê

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến hiến kế cho du lịch Bắc Mê phát triển, trong đó chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng; chú trọng tạo điểm nhấn và xây dựng các sản phẩm đặc thù thông qua tính liên kết chặt chẽ... Từ đó, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.

Để phát triển du lịch, UBND tỉnh Hà Giang cũng cam kết sẽ chú trọng đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông; có quy hoạch phát triển du lịch rõ ràng để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng đạt chuẩn; cải thiện các vấn đề về vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng văn hóa ứng xử với du khách; bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc để phát triển du lịch một cách bền vững...

Song song với đó, cần xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, thông qua việc tổ chức các sự kiện để phát triển du lịch bốn mùa; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm