Lí do phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh dễ bị loãng xương hơn, vì độ tuổi này, tế bào huỷ xương hoạt động mạnh lên và lấn áp tế bào tạo xương. Mật độ khoáng chất của xương cao nhất vào những năm 28-30 tuổi, sau đó giảm dần. Đến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thì giảm nhanh hơn do sự mất thăng bằng giữa 2 loại tế bào tạo xương, huỷ xương và do hoạt động thể chất ngày một ít đi. Điều này dẫn đến sự co kéo của gân, cơ bắp và sức nặng đè lên các đầu xương giảm dần, cuối cùng bệnh loãng xương xuất hiện.
Để phòng loãng xương nên chú trọng vào dinh dưỡng, nhất là hoạt động thể lực. Tập thể dục, thể thao từ trẻ sẽ tăng độ đậm đặc của xương, tức là mật độ khoáng chất của xương sẽ cao. Từ đó sẽ phòng, nếu không sẽ làm chậm tiến trình bệnh loãng xương khi có tuổi.
Tập thể dục, thể thao từ trẻ sẽ tăng độ đậm đặc của xương. (Ảnh minh họa)
Ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, tập thể dục thể thao nhằm tác động vào xương chứ không nhằm làm nở bắp thịt. Khi tập, sẽ giúp tạo nên một sức nặng đè lên đầu xương và sức co kéo của cơ bắp, gân lên thân xương, giúp tế bào tạo xương hoạt động mạnh. Tuy nhiên, chị em nên thực hiện những bài tập vừa sức.Ví dụ đi bộ mỗi ngày 30 phút/5 ngày/tuần sau vài tháng có thể tăng lên 45 phút/ngày...
Bên cạnh đó, chị em cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ dưỡng chất như protein, calci, phốt-pho, vitamin D... Cung cấp mỗi ngày từ 1.000mg đến 1.200mg calci bằng cách uống viên calci hay sử dụng thức ăn giàu calci như các loại đậu, mè, tôm, cua, ghẹ, trứng, sữa... Chị em cũng nên nhớ, rượu thuốc lá, cà-phê là những thức ăn cần tránh vì làm giảm lượng calci trong cơ thể; chị em cũng không nên ăn quá mặn.