pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ huynh than trời vì con tuổi teen coi bố mẹ như “vật thể lạ”
Ảnh minh hoạ
Chị Đặng Hồng Anh (phố Quang Trung, TP Nam Định) làm nhiều cách nhưng cậu con trai lớp 9 không chịu giao tiếp với mẹ. Đi học không sao, về đến nhà cậu nhìn thấy mẹ như "vật thể lạ". Sau khi chào mẹ xong, cậu tuyệt nhiên không nói chuyện với mẹ. Cậu ăn cơm trong lặng im dù mẹ hỏi han, nói chuyện. Ăn xong, cậu nhanh chóng lên phòng và đóng cửa. Chị Hồng Anh luôn tìm cách để nói chuyện với con nhưng cậu con trai vẫn giữ khoảng cách với mẹ.
Chị Hồng Anh cho biết, mối quan hệ của chị và con bị rạn nứt như vậy cũng có nguyên nhân. Cậu con trai kết tội mẹ là gây áp lực học cho con. Mẹ thường xuyên cằn nhằn với con việc đóng tiền học nhiều, rằng phải quá tốn kém với con. Mẹ suốt ngày kêu than với con việc phải hy sinh khiến con cảm thấy đó là gánh nặng.
Giống như chị Hồng Anh, chị Nguyễn Bích Hằng (phố Trương Định, Hà Nội) cũng bị rạn nứt tình cảm với cậu con trai lớp 12 suốt mấy tháng nay. Chị Hằng cho biết, ngày còn nhỏ, con trai là đứa trẻ rất đáng yêu và tình cảm. Thế rồi, mọi thứ cứ dần trượt đi và đến giờ chị hoàn toàn mất kết nối với con. "Tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi hoàn toàn bất lực với con mình. Nó đã biến thành một người khác", chị Hằng trải lòng.
Theo TS Cherry Vũ (nhà lãnh đạo tư tưởng trong lĩnh vực doanh nghiệp linh hoạt, New Zealand), cha mẹ không chắc mọi thứ đổ vỡ từ khi nào nhưng mối quan hệ giữa cha mẹ và con chắc chắn đã thay đổi. Cũng như những mối quan hệ tình cảm khác, sự đổ vỡ diễn ra từ từ. Cha mẹ dường như không nhận ra điều đó cho tới một ngày cha mẹ giật mình thấy khoảng cách giữa mình và con đã trở nên quá lớn. Lúc này, cha mẹ thấy sốc, buồn, chán nản, bực dọc và cô đơn.
Để sửa chữa mối quan hệ đã rạn nứt này, cha mẹ nên nói với con về sự rạn nứt. Cha mẹ cần thật bình tĩnh và nói với con về cảm nhận của mình: "Mẹ thấy gần đây mối quan hệ giữ chúng ta khá căng thẳng, điều đó làm mẹ không vui. Mẹ muốn chúng ta cùng giải tỏa sự căng thẳng đó". Con có thể đồng ý hoặc không, thờ ơ, khó chịu hoặc tức giận. Dù con phản ứng thế nào, cha mẹ hãy tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc của mình, đừng ép con phải đồng cảm với cha mẹ.
Đặc biệt, thay vì tập trung vào hành vi hoặc thái độ của con, cha mẹ hãy chịu trách nhiệm về phần sai sót của mình. Nếu cha mẹ quá bận rộn, thiếu kiên nhẫn, bực bội, không kiểm soát được cảm xúc, hãy xin lỗi và sửa mình.
Cha mẹ cũng nên thay đổi cách giao tiếp từ tiêu cực sang tích cực. Thay vì phủ định con, gạt phắt, không lắng nghe, lờ đi, chế giễu hay điều khiển con, hãy lắng nghe và cố gắng đồng cảm (ngay cả khi cha mẹ không đồng ý). Đồng cảm để hiểu con nghĩ gì, vì sao con làm việc đó. Sẽ mất một thời gian để cha mẹ làm quen với sự thay đổi này nhưng hành động lặp đi lặp lại sẽ trở thành thói quen.
Khó khăn nhất của việc sửa chữa mối quan hệ là không kiểm soát đối phương. Nếu muốn đạt kết quả thì cha mẹ đừng gượng ép. Cha mẹ hãy cứ làm những việc cần làm, ngay cả khi cha mẹ cảm thấy nỗ lực của mình không tạo ra sự khác biệt. Con có thể không hợp tác ngay vì chúng nghi ngờ ý định của cha mẹ hoặc không biết liệu cha mẹ có kiên định hay không. Điều quan trọng là con biết rằng cha mẹ yêu chúng và coi trọng mối quan hệ này.