Phụ nữ Khmer vươn lên thoát nghèo từ các mô hình kinh tế tập thể

Cao Như Quỳnh
13/12/2023 - 19:05
Nhiều năm qua, Hội LHPN xã Định Môn (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đã triển khai nhiều mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phụ nữ Khmer trên địa bàn ổn định cuộc sống. Từ đây, đời sống của nhiều gia đình thay đổi tích cực

Xã Định Môn là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 13,86% tổng dân số của xã). Người dân Khmer tập trung chủ yếu ở ấp Định Khánh B và ấp Định Phước.

Từng bước thoát cận nghèo

Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã có lúc chị Phan Thị Hồng (39 tuổi, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn) từng nghĩ tới chuyện sẽ cho hai con nhỏ nghỉ học sớm. Chị Hồng nhớ lại, khi đó, chị thường ở nhà để chăm sóc mẹ già yếu, lo cơm nước cho con. Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của chồng chị. Ai kêu gì, chồng chị làm nấy, thu nhập dao động khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Chị Hồng tâm sự, gia đình có đất sản xuất nhưng không có vốn nên cứ "bỏ hoang" vậy. Nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Định Môn cùng chính quyền địa phương, năm 2020, chị Hồng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 70 triệu đồng để trồng khoảng 100 gốc sầu riêng. Vụ năm 2022, chị Hồng thu được 2 tấn sầu riêng, thu nhập hơn 50 triệu đồng. Năm 2022, gia đình chị Hồng tiếp tục được địa phương hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết. Cuộc sống của gia đình chị dần được cải thiện.

"Đầu năm 2024, gia đình tôi sẽ được công nhận là hộ thoát cận nghèo. Tôi chưa từng nghĩ gia đình mình sẽ đạt được điều này sớm. Trước đây, mỗi khi nghe đứa con lớn nói về ước mơ làm kỹ sư, tôi chỉ im lặng vì không biết mình có thể lo cho con học được đến đâu.

Bây giờ, vợ chồng tôi đã có nguồn thu ổn định, không còn thấp thỏm, suy nghĩ chuyện phải để các con nghỉ học nữa. Chờ thu xong vụ sầu riêng tới, chúng tôi sẽ đủ tiền để trả hết khoản vay cho ngân hàng chính sách xã hội".

Giống như gia đình chị Hồng, gia đình chị Thạch Thị Phượng (44 tuổi, ngụ ấp Định Khánh B) cũng từng bước thoát cận nghèo vào năm 2017. Thu nhập của gia đình chị Phượng trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào 2 công ruộng. Tuy nhiên, vụ lúa mất mùa liên miên, năng suất lại thấp nên hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn.

Việc gặt, chăm sóc cây lúa hoàn toàn thủ công trong một thời gian dài khiến sức khỏe của chị Phượng cũng kém dần. Sau một thời gian suy nghĩ, chị Phượng đã quyết định chuyển đổi cây trồng sang cây sầu riêng nhờ vào sự hỗ trợ Hội LHPN xã và chính quyền địa phương.

Đến nay, chị Phượng có 10 công sầu riêng (khoảng 13.000 mét vuông) đang chờ thu hoạch vào tháng 4/2024. Bên cạnh đó, chị còn tận dụng những khoảng đất trống trong vườn để trồng một số loại cây ngắn ngày. Sau khi thu hoạch, chị sẽ đem ra chợ bán, thu nhập dao động cũng từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày.

Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực

Trao đổi với báo PNVN, chị Mai Tuyết Phụng, Chủ tịch Hội LHPN xã Định Môn cho biết toàn xã hiện có 131 hội viên phụ nữ dân tộc. Trước đây, do trình độ học vấn thấp, thu nhập không ổn định nên nhiều hội viên không mạnh dạn kinh doanh, phát triển kinh tế. Đa số các chị hội viên người Khmer sẽ làm thuê như làm cỏ ruộng, hái cây ăn trái theo mùa,… Một số khác thì tham gia vào những tổ may gia công, tổ đan lục bình.

Với tâm lý "sợ lỗ", công việc bấp bênh nên đời sống của các chị em Khmer gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, Hội LHPN xã Định Môn đã xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như: Phụ nữ dân tộc Khmer phát triển kinh tế, tổ liên kết đan giỏ lục bình, tổ liên kết gia công dây nhựa, tổ liên kết phụ nữ Khmer trồng cây ăn trái,…

"Thời gian đầu, Hội LHPN xã cũng gặp một vài khó khăn nhất định khi các hội viên không mạnh dạn thử mô hình mới. Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, cho họ thấy được sự hiệu quả của các mô hình.

Hội LHPN xã còn giúp các hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp kĩ thuật trồng và chăm sóc cây trồng,… Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng tích cực thăm hỏi, chăm lo cho đời sống gia đình của các chị em Khmer. Dần dần các hội viên tin tưởng, quyết định thay đổi", chị Phụng chia sẻ.

Phụ nữ Khmer vươn lên thoát nghèo từ các mô hình kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Chị Thạch Thị Phượng (44 tuổi, người Khmer, ngụ ấp Định Khánh B) hiện có 10 công sầu riêng đang chờ thu hoạch. Ảnh: Hội LHPN xã Định Môn cung cấp

Theo chị Phụng, việc xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng tập thể sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các hội viên với nhau. Thông qua đó, các hội viên có thể trao đổi kinh nghiệm, cách làm với nhau.

Một trong những tổ liên kết mà Hội LHPN xã Định Môn tâm đắc là Tổ liên kết phụ nữ Khmer trồng cây ăn trái ra mắt tháng 4/2023. Hiện tổ có 15 hội viên phụ nữ Khmer tham gia trồng gần 70 ha các loại cây ăn trái. Chồng của các hội viên này cũng cùng tham gia các lớp học kĩ thuật và hỗ trợ vợ mình trong việc trồng, chăm sóc cây trồng. Nhờ sự thay đổi lớn này, trong năm 2023, có 5/12 hội viên phụ nữ dân tộc ở xã Định Môn thoát cận nghèo.

Nhắc về dự định tương lai, chị Tuyết Phụng chia sẻ: "Hội LHPN xã nhận thấy các hội viên Khmer ít chú trọng về vấn đề sức khỏe, thường ăn uống không đầy đủ. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tôi cũng có ý tưởng thành lập mô hình phụ nữ Khmer với an toàn thực phẩm để chăm lo sức khỏe cho các chị em Khmer. Qua mô hình này, tôi sẽ tuyên truyền cho các chị những kiến thức về an toàn thực phẩm, tổ chức các hoạt động tạo sự gắn kết như làm bánh truyền thống,…"

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm