pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người thầy 25 năm dạy tiếng Khmer miễn phí
Thầy Danh Con (người Khmer, 52 tuổi) mở lớp dạy tiếng Khmer miễn phí suốt 25 năm qua. Ảnh: UBND xã Tân Đông cung cấp
Tân Đông là xã biên giới nằm về hướng bắc của huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) và tiếp giáp với nước Campuchia. Trên địa bàn xã hiện có 6 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm phần đông với 550 hộ (gồm 2.208 nhân khẩu).
Thầy Danh Con sau khi lập gia đình đã chuyển về xã Tân Đông sinh sống từ năm 1998. Theo lời kể của thầy, lúc nhỏ, thầy được ba mẹ dạy và truyền lại tiếng nói của người Khmer. Tuy nhiên, thầy chỉ hiểu và biết nói tiếng Khmer chứ không biết viết tiếng mẹ đẻ.
Lên 10 tuổi, suốt 3 tháng hè tu tập ở chùa Khedol, các sư thầy tại đây đã chỉ dạy cho thầy Danh Con viết tiếng Khmer. Đến tận bây giờ, thầy Danh Con vẫn không thể quên được cảm giác nôn nao, háo hức ngày được học những chữ cái Khmer đầu tiên.
Ngày về xã Tân Đông sinh sống, thầy thấy ở địa phương chưa có nhiều giáo viên dạy tiếng Khmer. Đồng thời, đa số người Khmer chưa biết viết tiếng nên thầy đã quyết định mở lớp học dạy tiếng Khmer miễn phí.
Quyết định này được gia đình thầy cùng nhiều người dân trong vùng ủng hộ bởi ai cũng mong muốn được góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tiếng nói của dân tộc mình.
Ngày thường, thầy làm ruộng và quản lý trạm nước sạch ở địa phương. Nhưng cứ đến 3 tháng hè, thầy Danh Con lại khoác lên mình bộ quần áo chỉnh tề đến nhà văn hóa ấp Tầm Phô dạy chữ cho học trò. Hình ảnh của người thầy giản dị, tiếng ê a đọc theo của học trò đã trở nên quen thuộc, thân thương với bà con trong xã khi hè về.
Nói về lý do dạy miễn phí, thầy Danh Con cho biết bản thân coi học trò như con cái trong nhà. Mà phận làm "cha" thì ai cũng muốn truyền dạy cho "các con" mình hiểu biết về tiếng nói, văn hóa của dân tộc.
"Học trò theo học tại lớp tôi từ 20 tuổi trở xuống, ai có nhu cầu muốn học tôi đều đón nhận, sẵn sàng dạy. Hiện nay ở các trường cũng đã có giáo viên dạy tiếng Khmer nhưng tôi vẫn duy trì lớp học miễn phí nhằm ôn bài cũng như tạo môi trường học tiếng Khmer cho các em trong ba tháng nghỉ hè", thầy Danh Con tâm sự.
Hè 2023 vừa qua, lớp học miễn phí của thầy Danh Con đón 102 học trò. Thầy cố gắng sắp xếp công việc cá nhân và ngày nào cũng dành ra 1 buổi để đến dạy cho các em. Số lượng học sinh đông nên thầy sẽ chia thành 2 ca dạy, mỗi ca kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Thầy Danh Con chia sẻ, trẻ em trong độ tuổi từ 5-6 sẽ dễ tiếp thu, học tiếng Khmer nhanh. Mở đầu buổi học, thầy sẽ dạy và cho các em viết chữ lên bảng nhỏ trước. Thầy viết từng nét, các em học viết theo rồi mới ghi vào trong vở để về nhà luyện tập thêm.
Qua ngày hôm sau, thầy sẽ coi lại vở học của các em để xem các em có làm bài đầy đủ và tiếp thu bài học mình đã dạy chưa. Động lực để duy trì lớp học đến tận bây giờ là học trò của thầy ai cũng siêng năng, chăm chú nghe giảng.
"Ngày trước, do cuộc sống khó khăn nên mọi người chú tâm dành thời gian đi làm để kiếm sống hơn là đi học. Tuy nhiên hiện tại, số lượng người dân ở địa phương quan tâm đến việc học và biết nói, biết viết tiếng Khmer đã tăng lên rất nhiều.
Tôi cũng đã có tuổi nên rất mong muốn sẽ có một người nào đó tiếp nối mình, duy trì hoặc mở thêm các lớp học tiếng Khmer miễn phí vào những dịp nghỉ hè để dạy cho các em", thầy Danh Con chia sẻ.
Nhiều hoạt động chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch UBND xã Tân Đông (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), cho biết, công tác an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số được địa phương dành nhiều sự quan tâm. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tết cổ truyền Chol Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, địa phương đã tổ chức thăm hỏi, chúc Tết và tặng quà cho các già làng, sư sãi và đồng bào 3 ấp dân tộc.
Cụ thể, địa phương đã vận động, tiếp nhận, trao tặng cho các hộ dân tộc, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn khoảng hơn 1.000 phần quà với tổng trị giá hơn 255 triệu đồng. Trong giai đoạn 2016-2022, địa phương tổ chức dạy nghề cho 120 lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ở xã Tân Đông hiện có 215 hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn của Ngân hàng CSXH do Hội Nông dân và Đoàn thanh niên xã quản lý. Địa phương cũng bày tỏ mong muốn vấn đề đào tạo giáo viên người dân tộc và dạy song ngữ cho con em người dân tộc sẽ được các cấp quan tâm nhiều hơn.