Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

Đôn Tiên
04/11/2022 - 21:01
Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

Người dân được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.H

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ.

Phấn đấu giảm 3%/năm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)

Ngày 3/11, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2022. Kế hoạch được triển khai nhằm tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các dự án của Chương trình năm 2022; phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện vùng DTTS và miền núi trong triển khai thực hiện Chương trình năm 2022.

Một số mục tiêu cụ thể trong năm 2022 gồm: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS năm giảm trên 3%. 160 hộ được sắp xếp, ổn định dân cư; triển khai xây dựng mới và sửa chữa 209 công trình các loại; giải quyết đất ở cho 257 hộ; hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm cho 84 hộ; thực hiện giao khoán, bảo vệ ổn định 54.557 ha rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý, bảo vệ; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 4.346 ha; trồng mới 1.220 ha rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ và hỗ trợ gạo cho 2.204 hộ/8.989 nhân khẩu.

Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Quảng Nam có 70 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 58 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Để đạt được những mục tiêu cụ thể trên, Quảng Nam tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo thứ tự ưu tiên: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong lộ trình giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm công tác truyền thông, tuyên truyền và biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc…

Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 2889/QĐ-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021-2025) trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.

Xã miền núi Tây Giang, Quảng Nam. Ảnh: P.C.A

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025) trên địa bàn tỉnh là gần 1.500 tỷ đồng. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước, cụ thể:

- Phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ; hỗ trợ cho khoảng 1.347 hộ thiếu đất ở; phấn đấu 81% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam có 70 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó 9 xã khu vực I (xã còn khó khăn), 3 xã khu vực II (xã bước đầu phát triển) và 58 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn).

- Về các chỉ tiêu giáo dục, y tế, văn hóa- xã hội: Phấn đấu đến năm 2025, 45,1% trường học mẫu giáo, mầm non; 84% số trường tiểu học, 68,2% trường THCS, 52,9% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia; 95% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 99,8% số hộ sử dụng điện; 95% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp phòng tránh thiên tai; 50% lao động qua đào tạo.

- Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. 50% di sản văn hóa truyền thống được kiểm kê, sưu tầm; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;

- Thực hiện giao khoán 218.230 lượt ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 13.811 lượt ha; phát triển trồng mới 4.784 ha rừng phòng hộ, sản xuất và lâm sản ngoài gỗ; trợ cấp hỗ trợ gạo cho 7.589 hộ/31.018 khẩu.

- Đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Quyết tâm cao thực hiện chương trình nông thôn mới

Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn - Ảnh 4.

Nông thôn mới ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát động thực hiện phong trào thi đua "Quảng Nam chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2021-2025 diễn ra cuối tháng 8/2022, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết: Về cơ bản Quảng Nam đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh và cấp huyện; có 118 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60,08%; huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Điện Bàn và thành phố Tam Kỳ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 195 thôn được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu; có 14 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM; có 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, duy trì 01 xã NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp).

Quảng Nam phấn đấu đến 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn - Ảnh 5.

Xây dựng các khu tái định cư an toàn, kiên cố giúp người dân miền núi tỉnh Quảng Nam ổn định cuộc sống.

Đánh giá về vấn đề xây dựng NTM của Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh - cho rằng: Trong giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn rất khó khăn, vì hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM là các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 được nâng lên cao với nhiều cấp độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), nguồn lực từ ngân sách nhà nước giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai. 

Do đó, để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đề ra cần có sự nỗ lực rất lớn, nhất là ở các địa phương miền núi, cần phải có sự quyết tâm cao nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu và các giải pháp đã đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm