Quốc hội dự kiến xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

PV
09/01/2024 - 11:02
Quốc hội dự kiến xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 29 sáng 9/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự kiến, dự thảo Luật này được xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (khai mạc 15/01/2024).

Nhấn mạnh về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên khai mạc trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Dự án luật này hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đến mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về cả trước mắt và lâu dài. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và công phu.

Đặc biệt, dự thảo nhận được trên 12 triệu lượt ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp để cho ý kiến 5 lần đối với dự án luật này. Dự án Luật được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Quốc hội khóa XV cũng đã cho ý kiến xem xét tại 3 kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành thông báo số 3252/TTKQH-TK về việc triệu tập triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/01/2024 và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 18/01/2024. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Đến nay, về cơ bản, dự án Luật là luật đã được hoàn thiện và đã thể chế hóa, bao quát được tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và bám sát tinh thần của Hiến pháp, Cương lĩnh của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo dự kiến ban đầu dự án Luật được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhưng để có thể chuẩn bị một cách kỹ lưỡng hơn, nhất là một số nội dung lớn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình với Quốc hội cân nhắc xem xét để thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, bám sát các tinh thần, nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu xây dựng luật từ đầu để tập trung cho ý kiến đối với những nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau, cụ thể:

Một là vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và thương mại dịch vụ.

Hai là phương pháp định giá đất; thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất.

Ba là dự án tạo quỹ đất, Quỹ phát triển đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa 02 đợt của kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã: bỏ 05 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, bao gồm: Các nội dung thống nhất; Một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Một số nội dung cụ thể tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;...

Theo dự kiến, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn) và Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm