Sản xuất cua lột theo mô hình bền vững, cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản

Lê Ngọc
05/05/2020 - 09:41
Sản xuất cua lột theo mô hình bền vững, cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản
Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản, dự án sản xuất cua lột Vinacrab đã tạo được liên kết chuỗi các hộ nuôi cua trong vùng cho bà con nông dân vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên.

Tại các hội chợ nông sản khu vực miền Trung, nhiều khách hàng khá lạ lẫm với sản phẩm cua lột. Nhưng khi nghe những người sáng lập dự án mô tả, hướng dẫn cách chế biến sản phẩm, ai cũng ngạc nhiên vì những con cua bấy, cua mềm quen thuộc, đã được nâng tầm thành một món đặc sản. Điều ngạc nhiên hơn, sáng lập dự án sản xuất cua còn rất trẻ. Đó là chị Tạ Thị Phượng, anh Nguyễn Văn Nghĩa và chị Nguyễn Thị Sơn Hải.

Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững, cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản - Ảnh 1.

Những người sáng lập dự án, từ trái sang phải: chị Nguyễn Thị Sơn Hải, chị Tạ Thị Phượng và anh Nguyễn Văn Nghĩa

Dự án Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững không chỉ mang lại thu nhập cho bà con nông dân tỉnh Phú Yên mà còn xây dựng vùng cua nguyên liệu bền vững. Đây là một giải pháp an toàn và lâu dài cho bài toán xử lý môi trường nước thải chăn nuôi, góp phần cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản.

Tạo niềm tin cho người dân quay lại với ao đìa

Cánh đồng hạ lưu sông Bàn Thạch gồm các xã: Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm, Hòa Xuân, có diện tích hơn 1.200 hecta, nơi bà con tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng từ năm 2014 trở lại đây, bệnh dịch trên con tôm bùng phát mạnh. Giá tôm thương phẩm xuống thấp. Gần 70% ao, đìa của bà con nông dân bị bỏ hoang.

Đứng trước thách thức to lớn về việc chuyển đổi đối tượng nuôi và đưa mô hình kinh tế mới về vùng có thu nhập thấp, sau nhiều năm nghiên cứu, nhóm dự án đã quyết định đưa cua lột vào sản xuất, gây dựng vùng nguyên liệu tại đây.

Mô hình nuôi cua lột được thực hiện tại hạ lưu sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên

Mô hình nuôi cua nguyên liệu theo hướng công nghiệp, tạo liên kết chuỗi các hộ nuôi cua trong vùng đã được bà con và chính quyền rất đồng tình hưởng ứng.

Chị Tạ Thị Phượng nhớ lại, những ngày đầu tiên, cách thức nuôi mới nên hộ dân còn e dè, bỡ ngỡ. Thay vì chỉ đi thu mua cua nguyên liệu theo dự kiến ban đầu, các thành viên trong dự án đã phải bắt tay vào tự thuê hồ nuôi theo quy chuẩn để hộ dân trực tiếp thấy làm theo. Anh em kỹ thuật thay vì đi hướng dẫn hộ dân thì giờ tự tay nuôi cua, ở cạnh nằm, đìa trực tiếp chăm sóc cua…

Sản phẩm cua lột giàu dinh dưỡng, có giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg

Khó khăn là vậy, nhưng từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, những người sáng lập luôn trăn trở: Làm sao để người dân có niềm tin quay lại với ao đìa khi mà những vụ tôm thẻ chân trắng gần đây chết sạch trong nháy mắt.

Với niềm tin mãnh liệt vào sản phẩm cũng như mong muốn chính đáng là biến đổi vùng đất bỏ hoang thành vùng nuôi cua công nghệ cao trù phú và giúp hộ dân xã nghèo tăng thu nhập, sản phẩm cua lột Vinacarb – Cua Việt Nam đã được ra mắt thị trường vào năm 2018 và dần được người tiêu dùng đón nhận.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển Mô hình nuôi Cua biển tỉnh Phú Yên đã được Vinacarb thành lập. Trung tâm này hoạt động phi lợi nhuận, có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cua nguyên liệu cho hộ nuôi trong chuỗi liên kiết cũng như các hộ trong vùng có nhu cầu học hỏi.

Qua một năm hoạt động, trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn vì số hộ dân nuôi thí điểm theo mô hình nuôi cua nguyên liệu theo hướng công nghiệp chưa thích nghi chuyển đổi từ cách thức nuôi truyền thống sang nuôi theo quy chuẩn. Tuy nhiên cũng có một số hộ nuôi đã đạt doanh thu gấp 3 lần so với nuôi trước đây khi nuôi theo hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật Vinacrab.

Bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho lao động nữ

Quy trình nuôi cua nguyên liệu được giám sát chặt chẽ từ khâu chọn con giống đến khi thu hoạch qua sổ ghi chép nhật ký hàng ngày, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ sản xuất ra một dòng sản phẩm khác biệt cung cấp cho thị trường, dự án này còn xây dựng vùng nuôi cua nguyên liệu bền vững, "nói không" với hóa chất, kháng sinh, các chất tăng trưởng trong ngành nuôi tôm, cá… góp phần xây dựng nên thương hiệu vùng nuôi cua an toàn sinh học cho tỉnh Phú Yên.

Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững, cải thiện môi trường nuôi trồng thủy sản và giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Đồng thời, dự án cũng tạo được nguồn thu nhập ổn định cho bà con từ việc phát triển chuỗi liên kết, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động trong khu vực, đặc biệt là lao động nữ.

Đưa được mô hình kinh tế mới về với vùng có thu nhập thấp, những người sáng lập dự án còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực và lan tỏa sang các vùng lân cận.

Dự án Sản xuất cua lột theo mô hình liên kết chuỗi bền vững đã được đánh giá cao tại cuộc thi Phụ nữ và tương lại nền kinh tế xanh; được nhận giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2019. Mục tiêu của dự án là tạo ra được sản phẩm cua lột chất lượng cao và đưa được sản phẩm vào thị trường Mỹ, Canada, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm