Taliban “tiền hậu bất nhất” trong chính sách về quyền phụ nữ

Nam Phong (Theo CNN, AFP)
21/09/2021 - 16:41
Taliban “tiền hậu bất nhất” trong chính sách về quyền phụ nữ

Theo quy định của Taliban, sinh viên nữ Afghanistan khi đến trường phải mang khăn trùm toàn thân - Ảnh: Reuters

Đúng như những gì dư luận quốc tế lo ngại về những “ngày đen tối” trở lại với phụ nữ Afghanistan, những động thái mới đây của chính quyền Taliban đã cho thấy sự bất nhất giữa lời nói và hành động của họ đối với vấn đề quyền phụ nữ ở quốc gia này.

Phụ nữ vẫn có thể học đại học nhưng...

Trong cuộc họp báo mới đây tại Kabul, ông Abdul Baqui Haqqani, Bộ trưởng Đại học Taliban, tuyên bố: "Kể từ bây giờ, trách nhiệm tái thiết đất nước dựa vào các trường đại học. Điều đó khiến chúng tôi tin tưởng vào tương lai, vào việc xây dựng một đất nước Afghanistan thịnh vượng và độc lập. Như vậy chúng tôi cần phải sử dụng các trường đại học hiện có một cách hiệu quả và sẽ tiếp nối công việc dở dang, sau khi chính quyền cũ bị lật đổ giữa tháng 8".

Bộ Đại học Taliban khẳng định, phụ nữ Afghanistan có thể đi học nhưng sẽ không được học chung với nam giới. Nữ sinh sẽ học tại các lớp riêng hoặc ngăn cách với nam giới trong một phòng học chung nếu số lượng sinh viên nữ không nhiều. Sinh viên nữ khi đến trường phải tuân thủ các quy định chặt chẽ, đặc biệt là về mặt trang phục, họ buộc phải mang khăn trùm toàn thân.

Công bố lần này về chính sách giáo dục có vẻ đã đi ngược lại "lời hứa" trước đó. Khi Taliban quay lại nắm chính quyền vào ngày 15/8/2021, họ tuyên bố phụ nữ có thể tham gia học tập, thậm chí tham gia vào ban lãnh đạo. Taliban "hứa" rằng sẽ không áp dụng bất cứ sự phân biệt nào đối với học sinh, sinh viên nữ, không áp dụng đồng phục, nam giới và nữ giới có thể học chung trong một môi trường.

Còn thực tế, Bộ trưởng Bộ Đại học Abdul Baqui Haqqani không hề "gượng" đối với những thay đổi trong tuyên bố chính thức lần này. Ông cho biết: "Chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc chấm dứt hệ thống giáo dục hỗn hợp. Người dân theo đạo Hồi và họ sẽ chấp nhận sự phân chia trong giáo dục như vậy".

Một số ý kiến cho rằng, sự phân biệt đối xử nam nữ này sẽ khiến một số trường đại học ở Afghanistan rơi vào tình cảnh không có đủ phương tiện vật chất, tài chính để tổ chức hai khối đào tạo: cho nam và nữ riêng. Điều này dẫn đến viễn cảnh nhiều sinh viên Afghanistan, vốn quen với việc học chung nam-nữ, sẽ rời bỏ đất nước để học tập ở nơi khác.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bày tỏ lo ngại về "các tiến bộ to lớn" đã đạt được từ năm 2001 trong lĩnh vực giáo dục tại Afghanistan sẽ "lâm nguy" do cách điều hành của chế độ mới. UNESCO cảnh báo, Afghanistan sẽ bị tụt hậu nhiều năm trời nếu để xảy ra cuộc khủng hoảng đại học.

Quay lại quãng thời gian khi Taliban chưa kiểm soát Afghanistan trước ngày 15/8/2021, quốc gia này đã đạt được nhiều tiến bộ trong nền giáo dục. Tỷ lệ đăng ký đi học và biết chữ của người dân được cải thiện đáng kể, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Một báo cáo gần đây của UNESCO cho thấy, số lượng trẻ em gái Afghanistan được học tiểu học đã tăng từ gần 0 lên 2,5 triệu trẻ trong năm 2017. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nữ giới biết chữ đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ, đạt gần 30%.

Theo quy định của Taliban, sinh viên nữ ở Afghanistan không được học chung với nam giới

Theo quy định của Taliban, sinh viên nữ ở Afghanistan không được học chung với nam giới

"Phụ nữ không thể trở thành bộ trưởng"

Không chỉ trên phương diện giáo dục, đời sống kinh tế-xã hội và những mặt khác của đất nước cũng phát triển đáng kể trong 20 năm sau khi Taliban mất quyền kiểm soát từ năm 2001. Tuy nhiên, khi Taliban quay lại lần này, không ai chắc chắn rằng vận mệnh quốc gia sẽ thay đổi ra sao. Đặc biệt, sẽ không ai lường trước được tương lai của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan dưới thời Taliban ra sao. Thực tế cho thấy quan điểm của Taliban đối với phụ nữ không thay đổi đáng kể so với khi lực lượng này nắm quyền giai đoạn 1996 - 2001. Vào thời điểm đó, phụ nữ bị cấm học hành, làm việc, hoàn toàn chịu sự quản lý của chồng, mặc các trang phục choàng kín, phải chịu các hành vi bạo lực nghiêm trọng như bị sỉ nhục trước công chúng, hành quyết nơi công cộng, ném đá, treo cổ nếu vi phạm các điều cấm kỵ. Điều này đã xảy ra mặc dù Hiến pháp năm 1964 của Afghanistan công nhận sự bình đẳng của nam giới và phụ nữ, cũng như cho phép phụ nữ Afghanistan các quyền gần như tương đương với nam giới.

Sau khi giành kiểm soát Afghanistan vào tháng trước, Taliban liên tục đưa ra những thông điệp thành lập một chính phủ ôn hòa, khuyến khích phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, thậm chí tham gia vào chính quyền mới. Tuy vậy, những hành động thực tế cho thấy Taliban dường như không thực hiện cam kết do lực lượng này đưa ra.

Mới đây, theo thông báo của Chính phủ lâm thời Taliban, sẽ không có phụ nữ hay thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo hoặc thành viên của ban lãnh đạo bị lật đổ của Afghanistan được chọn vào các vị trí trong nội các hoặc có vai trò cố vấn. Chính vì thế, rất đông phụ nữ Afghanistan đã xuống đường biểu tình ở Kabul để đòi quyền bình đẳng. Các tay súng Taliban đã sử dụng roi và gậy để trấn áp họ.

Người phát ngôn Hashimi tuyên bố: "Phụ nữ không thể trở thành bộ trưởng. Điều này chẳng khác nào quàng vào cổ họ một trách nhiệm mà họ không thể gánh vác được. Phụ nữ không cần phải có mặt trong nội các, họ chỉ nên sinh con". Theo ông Hashimi, những người phụ nữ biểu tình tại Kabul trong những ngày vừa qua không đại diện cho tất cả phụ nữ ở Afghanistan.

Bà Roya Rahmani, cựu Đại sứ Afghanistan tại Mỹ, nhận định, quyền của phụ nữ sẽ bị mất dưới sự kiểm soát của Taliban ở Afghanistan. Bà Rahmani là nữ đại sứ đầu tiên của Afghanistan và giữ chức vụ đó từ năm 2018 cho đến tháng 7/2021. Theo bà Rahmani, chính phủ do Taliban kiểm soát sẽ không bổ nhiệm nữ đại sứ trong tương lai. Bà Roya Rahmani e ngại rằng, phụ nữ và trẻ em gái sẽ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Theo hãng tin AFP của Pháp, ngày 21/9, Taliban công bố nốt các thành viên trong chính phủ mới tại Afghanistan. Đáng chú ý, trong nội các này không có nữ bộ trưởng.

Trước đó, đầu tháng này, Taliban đã công bố thành phần chính phủ mới, trong đó tất cả các vị trí cấp cao đều do các thủ lĩnh của phong trào này và mạng lưới Haqqani - vốn được cho là nhánh cứng rắn nhất của phong trào này - nắm giữ.

Điều này khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại về vai trò của nữ giới tại Afghanistan dưới sự lãnh đạo trở lại của lực lượng Taliban.

Trong báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền tại Afghanistan trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện, không bao gồm phụ nữ hay các đại diện từ các cộng đồng thiểu số.

Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh hầu hết người dân quốc gia Tây Nam Á đều mong muốn chấm dứt tình trạng xung đột và chia rẽ đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Người dân Afghanistan mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng, ở quốc gia mà họ có thể đóng góp cho một hệ thống quản lý nhà nước khuyến khích vai trò của người phụ nữ, thanh niên, đoàn kết các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác nhau.

Trong báo cáo, bà Bachelet cũng nhấn mạnh Taliban cam kết sẽ áp dụng các quy định quản lý nhà nước "mềm dẻo hơn" so với giai đoạn cầm quyền trước đây.

Tuy nhiên, các thông tin mới mà văn phòng của bà nhận được phản ánh những cam kết trên chưa được thực hiện đầy đủ, khi nhiều phụ nữ và bé gái tiếp tục gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.

Nhiều nước cũng đã yêu cầu lực lượng Taliban tôn trọng quyền của người phụ nữ.

Nguồn: TTXVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm