Tăng cường kết nối, phát triển thương mại vùng biên giới cực Bắc

D.N - CTV
06/10/2022 - 12:26
Tăng cường kết nối, phát triển thương mại vùng biên giới cực Bắc

Các sản phẩm hàng hoá của người Mông sản xuất được bày bán tại chợ Đồng Văn - Hà Giang. Ảnh CTV

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới cực Bắc thuộc tỉnh Hà Giang đã có nhiều sự lựa chọn hàng hoá, nhu yếu phẩm hơn bởi các hoạt động kết nối, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm đến người dân khu vực còn không ít khó khăn này.

Đến xã biên giới Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), hàng tạp hoá, đại lý ngày càng mọc lên nhiều với đủ các sản phẩm, mẫu mã đa dạng. Chị Đặng Thị Hương, chủ một đại lý hàng gia dụng, máy móc nông nghiệp và tạp hoá tại thôn Nam Giang (xã Thanh Thuỷ), cho biết: Mặc dù rất gần cửa khẩu biên giới, có nhiều hàng hoá nước ngoài mẫu mã bắt mắt, rẻ; nhưng chất lượng không bền, không có nguồn gốc rõ ràng, nên bà con nơi đây không yên tâm sử dụng. 

Mặc dù vậy, bà con dân tộc vùng biên này muốn lựa hàng hoá tốt, chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng không hề dễ. Đặc biệt, với hàng hoá trong nước sản xuất lại càng khó hơn bởi đường sá kết nối với miền xuôi không thuận tiện.

Theo chị Hương, những năm gần đây hoạt động sản xuất, giao thương ngày càng thuận tiện hơn. Đường xá được mở rộng, nhiều đầu mối buôn hàng tích cực đến từng thôn bản hơn, nên việc kết nối đưa sản phẩm hàng hoá từ Hà Nội lên, từ thành phố Hà Giang về các thôn bản càng thêm thuận lợi. 

Chị Hương chỉ tay vào kệ hàng bán các đồ gia dụng, vật phẩm thiết yếu, cho biết: "Hàng hoá vùng biên giới giờ gần như không thiếu thứ gì; từ quần áo Việt Tiến, Cường Thuận; giầy dép Bitis; mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang; đồ ăn Việt Hưng; xoong, nồi Hà Phong; kem đánh răng, dầu gội đầu Thái Dương; xà phòng Aba; máy nông nghiệp Việt Trung; quạt treo tường, quạt cây Vinawind; dây điện Trần Phú; máy bơm nước Tiến Phát…".

Tăng cường kết nối, phát triển thương mại vùng biên giới cực Bắc - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các Hợp tác xã, tổ hợp tác để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. Ảnh minh hoạ CTV

Tại các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khác như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, hoạt động giao thương ngày càng thêm sôi động, hàng hoá do doanh nghiệp từ khắp các vùng miền sản xuất đã tiếp cận đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh nhất. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hà Giang tích cực tiếp cận người tiêu dùng qua các chợ phiên, các lễ hội, hội chợ, hoặc các phiên chợ hàng Việt về vùng biên giới. Qua đó đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận thị trường. Đây cũng là cơ hội nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người dân khu vực biên giới. 

Đại diện Công ty TNHH 1 thành viên Cường Thuận, xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) cho biết, công ty này đầu tư nhà xưởng quy mô trên 1.000 m², máy móc hiện đại để sản xuất sản phẩm quần áo đa dạng với giá thành phải chăng, phù hợp với thị hiếu của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hoá về các địa bàn, hàng hoá của công ty dần tạo được niềm tin của người tiêu dùng vùng biên giới, vùng sâu vùng xa.

Vị đại diện này cũng đề nghị chính quyền, các tổ chức của địa phương, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi, lựa chọn những mặt hàng có chất lượng, đẹp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. 

Đồng thời đề xuất tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam giới thiệu các sản phẩm trong nước tốt, uy tín, giá thành phải chăng, tạo đà kích cầu thương mại dịch vụ, du lịch vùng biên.

Tăng cường kết nối, phát triển thương mại vùng biên giới cực Bắc - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp vùng miền núi, biên giới tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để mở rộng kết nối, thị trường tiêu thụ sản phẩm

Xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hai chương trình gắn kết chặt chẽ với đồng bào dân tộc, miền đó là: Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản đến năm 2030; Thực hiện nhóm nhiệm vụ trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó thực hiện Hỗ trợ phát triển tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, sẽ có nhóm giải pháp để hỗ trợ kết nối cung cầu đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền.

Ngoài ra, bà Lê Việt Nga cho biết: "Chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tới hệ thống phân phối, trong đó có hệ thống phân phối của Bưu điện Việt Nam". Hiện, với mạng lưới gần hàng chục nghìn điểm bưu điện đang trở thành điểm cung ứng hàng hoá thiết yếu. Qua đó, mong muốn mạng lưới này còn là điểm thu mua nông sản các địa phương để mang về cho các địa bàn khác.

Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, sẽ tập trung kết nối doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm